Nguồn lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc, có vị trí quan trọng về chính trị - kinh tế, an ninh - quốc phòng. Tổng diện tích tự nhiên toàn là 9.068,78km2 với 106 xã, phường, trong đó có 54 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới; dân tộc thiểu số chiếm 84% dân số; Toàn tỉnh có 105.269 hộ, trong đó 30.048 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 28,54%; 11.530 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,95%.
Theo ông Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Lai Châu, là một tỉnh nghèo và khó khăn nên địa phương xác định phải tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn cơ bản đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Hơn 20 năm qua có thể khẳng định vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp Lai Châu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, tổng nguồn vốn chính sách đến 30/6/2023 đạt 3.470.792 triệu đồng, tăng 3.422.286 triệu đồng; Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.465.479 triệu đồng, tăng 3.419.544 triệu đồng so với lúc mới thành lập, nợ quá hạn liên tục giảm qua từng năm.
Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã có gần 73 nghìn lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, gần 30 nghìn lao động được vay vốn để tạo việc làm mới, xây mới được 75.033 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 10 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà, trong đó có 680 căn nhà từ nguồn vốn cho vay theo Nghị định 100/NĐ-CP…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Giàng A Tính đánh giá: “Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2004 đến nay, đóng góp trong tăng trưởng GRDP hàng năm bình quân trên 10%/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 6%/năm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng được 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó góp phần ổn định chính trị - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, tạo nguồn lực cho các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng”.
Tạo thuận lợi phát huy hiệu quả tín dụng ưu đãi
Đặc biệt, sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo thuận lợi để NHCSXH triển khai thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ chính trị được giao, chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tại địa phương, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2002 - 2005 giảm 8,17%; giai đoạn 2006 - 2010 giảm 7,73%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm 5,6%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm 4,51%. Đến thời điểm 30/6/2023 tỉnh đã có 39/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 36,8% tổng số xã toàn tỉnh. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đã ủy thác để cho vay là 158.150 triệu đồng, tăng 143.150 triệu đồng kể từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội, theo ông Giàng A Tính, tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình.
Bên cạnh đó, xem xét hạ mức lãi suất cho vay hoặc tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, chương trình cho vay sản xuất kinh doanh và thương nhân vùng khó khăn được hỗ trợ lãi suất 2% đến hết năm 2023 tương đương giảm từ 9% xuống còn 7%/năm. Hết năm 2023, lãi suất cho vay trở về 9%/năm. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng đề xuất chính sách chi phụ cấp cho Trưởng thôn/bản khi tham gia tuyên truyền, giám sát, quản lý nợ tín dụng chính sách xã hội.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh cũng đề xuất phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn, đào tạo nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.