Cụ thể giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân ở vùng dất duyên hải Nam Trung Bộ vốn “nổi danh” về thời tiết khắc nghiệt; kinh tế chậm phát triển, có đến hơn một nửa số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng miền núi dân tộc khá cao.
Nhưng cũng từ thực tế đó, trong suốt cuộc hành trình, nhất là những năm gần đây tuy gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh COVID-19, NHCSXH Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hệ thống và địa phương, sự phối hợp chặt trẽ của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt với tinh thần nỗ lực vượt khó của các thế hệ cán bộ nhân viên tín dụng chính sách đã huy động được nguồn lực tài chính lớn, khơi thông dòng chảy nguồn vốn về khắp địa bàn, đến tận vùng núi cao, vùng biển đảo xa.
Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Nổi bật trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách ở Ninh Thuận thể hiện rõ về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến mùa xuân này đạt trên 2534 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng so với cuối năm 2020, với hàng chục nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn còn dư nợ.
Ngay giữa đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lan rộng nhanh, doanh số cho vay nơi đây vẫn đạt 754 tỷ đồng với 20.828 đối tượng chính sách trên rẻo cao Ninh Sơn, Bác Ái, ngoài biển xa Thuận Nam, Ninh Hải… được vay vốn thuận lợi, kịp thời đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp, môi trồng đánh bắt hải sản.
Toàn bộ nguồn vốn 2.534 tỷ đồng do huy động, tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh và 7 huyện, thành phố thuộc Ninh Thuận ủy thác sang NHCSXH 69,4 tỷ đồng, tăng 12,7 tỷ đồng so với năm 2020 bởi triển khai thực hiện tốt chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách đã được Chi nhánh NHCSXH chuyển tải nhanh chóng, an toàn về tận xã phường, đến đúng đối tượng thụ hượng khắp địa bàn rộng lớn hơn 3.300km2.
Cùng với đó, những cán bộ tín dụng chính sách ở Ninh Thuận đã thường xuyên bám thôn bản, sát dân, triển khai đầy đủ các chính sách quyết định mới về tín dụng ưu đãi như việc nâng mức vay, kéo dài hạn vay đối với hộ nghèo, hộ tái nghèo hay ưu tiên về lãi suất vay đối với các gia đình DTTS đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh cho vay kịp thời người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động theo nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19.
Từ nét nổi bật về tăng trưởng dư nợ và khơi thông dòng chảy nguồn vốn tín dụng của NHCSXH mà người nghèo và các đối tượng chính sách ở Ninh Thuận được hưởng lợi nhiều, có thêm điều kiện để chủ động khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng các loại hình kinh tế phù hợp, đạt kết quả.
Đơn cử tại huyện miền núi Bác Ái có ông Ka tơr Hậu ngụ thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình đã sử dụng đồng vốn vay của chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn cải tạo triền đồi dốc thành vườn thâm canh 2 ha bưởi da xanh, sầu riêng, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, dê cừu thịt. Sau vào ba vụ thu hoạch năng suất, sản phẩm bán được giá, ông Ka tơr Hậu có đủ tiền trả hết nợ vay ngân hàng, xây được nhà cao cửa rộng, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Với gia đình dân tộc nghèo Ka tơr Hà Khanh mới ngày nào còn nằm cuối bảng danh sách hộ nghèo của xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc nhưng hiện đã trở thành ông chủ của một mô hình ăn nên làm ra bên dãy Trường Sơn. Từ 50 triệu đồng vốn ưu đãi vay của NHCSXH, ông Hà Khanh đã mạnh dạn nuôi trâu bò, cừu dê nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, công việc chăn nuôi của ông gặp thuận lợi, phát triển thành đàn bao gồm 6 con bò béo mộng, 17 con dê sinh sản, thu nhập đến cả trăm triệu đồng mỗi năm. “Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước do ngân hàng Chính sách cho vay đã thực sự là “đòn bẩy” giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”, ông Ka tơr Hà Khanh tâm sự.
Rõ ràng, nguồn vốn chính sách đã trở thành một trong những động lực chính góp phần đổi thay vùng quê Ninh Thuận vốn bị bao bọc ba mặt núi, một mặt biển, gặp nắng hạn triền miên, điểm xuất phát thấp ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ngày nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn hơn 5%/năm, giảm 9,6% so với 5 năm về trước. Đời sống người dân được cải thiện không ngừng. Cảnh thiếu ăn, đốt rừng làm nương rẫy ở các thôn xã vùng núi cao giờ đã đi vào dĩ vãng. Nhiều gia đình người Rag Lai, Cơ Ho, Chăm đã có hàng tấn lương thực dự trữ, cả đàn gia súc gia cầm béo khỏe… Diện mạo nông thôn miền núi, ngoài bãi ngang ven biển tươi vui, no đủ dần.
Cuộc hành trình bền bỉ của tín dụng chính sách ở Ninh Thuận tuy gian khó nhưng đã giành thành tích to lớn. Nguồn vốn từ NHCSXH đã và đang chảy đều, thấm sâu trong lòng đất nắng gió Ninh Thuận. Hầu hết hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận thuận lợi tới đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua mạng lưới 65 Điểm giao dịch xã và 1580 Tổ TK&VV thôn bản, khu phố.
Cùng với cuộc hành trình tiếp diễn, những người làm tín dụng chính sách nơi đây phấn đấu thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đóng góp hiệu quả nhiều hơn vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh bền vững.