Vùng đất nhiều khó khăn
Chúng tôi đến Trọng Hóa vào những ngày đầu xuân năm mới, trong một chuyến đi theo chân các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa lên giao dịch giải ngân cho vay, thu nợ và thu lãi lưu động tại xã Trọng Hóa, từ trung tâm huyện lên đến trung tâm xã chặng đường dài hơn 50km.
Nằm phía rìa Tây Bắc, trên dãy Giăng Màn một phần của dãy Trường Sơn của huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình là đơn vị hành chính có 17 bản, với 1.014 hộ và 4.672 nhân khẩu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lên đến 95%, trong đó hộ đồng bào dân tộc có 984 hộ, chiếm 97% số hộ dân, điều đặc biệt hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 95,7% trong tổng số hộ nghèo.
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là người dân tộc Bru Vân Kiều và dân tộc Chứt, sinh sống phân bổ trên 17 bản, là xã có tổng dân số lớn thứ 5 trong toàn huyện (toàn huyện có 15 xã, thị trấn), các bản nằm rải rác, tách biệt nhau hàng chục cây số, bản xa nhất là bản Lòm cách trung tâm của xã gần 40km, để đi đến bản nếu đi bộ phải hết gần một ngày ròng.
Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với bà con nơi đây. Đến nay có 2 tổ chức chính trị - xã hội đứng ra tín chấp để giúp các hội viên, đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đó là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ; thành lập 14 Tổ tiết kiệm và Vay vốn (Tổ TK&VV) và được xem như là những cánh tay vươn dài của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 100% bản làng.
Thông qua các Tổ TK&VV nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã kịp thời được bình xét và tổ chức giải ngân phát tiền vay cho bà con ngay tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, người vay vốn không phải đến nhận tiền vay tại trụ sở ngân hàng, hạn chế chi phí đi lại cho khách hàng.
Mô hình vay vốn phát huy tốt hiệu quả ở huyện miền núi Minh Hóa. |
Hiệu quả từ những chương trình tín dụng chính sách
Đến nay trên địa bàn xã đã có 11 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện; tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên địa bàn xã là 15.400 triệu đồng với 470 hộ vay vốn, bình quân vay vốn 32,7 triệu đồng/hộ; nguồn vốn cho vay lớn nhất là hộ nghèo với 270 hộ vay vốn, số tiền 7.800 triệu đồng, còn lại là các chương trình tín dụng khác. Việc chấp hành nghĩa vụ trả lãi của bà con dân tộc cơ bản rất tốt, hàng tháng không có phát sinh nợ vay quá hạn.
Đến thăm gia đình anh Hồ Thân ở bản La Trọng, trước đây anh Thân thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã, anh vay vốn chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, có vốn anh đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản để phát triển kinh tế, dần dà thấy việc chăn nuôi đem lại hiệu quả thiết thực cho gia đình, anh Thân đã trả hết nợ vay cũ số tiền 10 triệu đồng và vay sang chương trình cho vay hộ cận nghèo số tiền 90 triệu đồng, có vốn anh mở rộng chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi bò sinh sản, đến nay đàn bò sinh sản của anh có 6 con, đàn dê có 10 con, đem lại thu nhập cho gia đình anh hàng năm từ 25-30 triệu đồng/năm, đây là khoản thu nhập mơ ước của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Hay như gia đình chị Hồ Thị Thanh ở bản Hưng vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền 100 triệu đồng để đầu tư mua bò, lợn chăn nuôi sinh sản và trồng rừng kinh tế, đến nay gia đình chị có 2 hecta rừng trồng cây keo lai gần cho thu hoạch, bò có 8 con đang trong thời kỳ sinh sản và 6 con lợn nái sinh sản, tạo việc làm cho 2 lao động trong gia đình có thu nhập ổn định, hàng năm sau khi trừ đi các khoản chi phí gia đình chị thu lãi ròng từ 30-35 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách mang lại, chị Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, đơn vị nhận ủy thác quản lý vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hay: “Từ khi có nguồn vốn chính sách của Nhà nước, được sự tín chấp của Hội Nông dân xã, bà con dân tộc đã mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản để phát triển kinh tế, đã có nhiều hộ gia đình vươn lên ổn định cuộc sống, không phải thiếu đói như những năm trước đây nữa rồi”.
Về Trọng Hóa hôm nay chúng ta mới cảm nhận được sự đổi thay ở nơi đây, bộ mặt nông thôn, bản làng đã dần khoác lên mình màu áo mới, xanh hơn, tươi sáng hơn, không còn cảnh những hộ đồng bào thiếu ăn đứt bữa, cái đói được đẩy lùi, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã thành thạo kỹ thuật trồng lúa nước, biết phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Một trong những sự đóng góp vào những kết quả đó là hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai rất kịp thời, hiệu quả đến với bà con nơi đây.