Chuyển tải kịp thời vốn ưu đãi về tận làng bản
Giám đốc NHCSXH Bắc Kạn, ông Hà Sỹ Côn cho biết, liên tục những năm tháng qua, kể từ khi Bắc Kạn mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước đến thời gian gần đây, dù gặp phải thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng toàn Chi nhánh từ Hội sở Chi nhánh đến 108 Điểm giao dịch xã luôn luôn, dốc sức tham gia trực tiếp thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương, thông qua những công việc cụ thể như lập kế hoạch xử lý phù hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực, tích cực chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn ưu đãi về tận làng bản, xã phường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có vốn chủ động sản xuất kinh doanh và địa phương kịp thời thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Hà Sỹ Côn, ý chí vượt khó của những cán bộ tín dụng chính sách đã tạo đà tăng trưởng dư nợ của NHCSXH Bắc Kạn năm sau cao hơn năm trước, đến hết quý 1/2022 đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Ngay giữa đại dịch COVID-19, gây cản trở lớn đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn thông suốt, chảy đều đặn, hỗ trợ 16 nghìn lượt hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn trên rẻo cao Pắc Năm, Ngân Sơn, trong vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn Na Rì, Ba Bể được vay 760 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, trồng rừng nguyên liệu giấy, cây công nghiệp sơn, quế, hồi.
Tổng nguồn vốn do huy động, tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách của UBND tỉnh và 8 huyện, thành phố trực thuộc ủy thác là 34,8 tỷ đồng bởi triển khai tốt Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng được những người làm tín dụng trên vùng núi cao Bắc Kạn chẳng quản ngại mưa nguồn, giá rét, dịch bệnh, đã bền bỉ, hối hả chuyển nhanh về thôn bản xa xôi, đến từng đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn ưu đãi hiện đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đồng bào Mông, Tày, Nùng… khó khăn ở Bắc Kạn có cơ hội vươn lên thực hiện khát vọng quyết tâm thoát nghèo, làm giàu tại quê hương, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo của tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm giảm 2,18% hộ nghèo, đến nay còn khoảng 17% hộ nghèo. Tỉnh còn có huyện Ba Bể thoát ra danh sách huyện nghèo 30a và Pác Nặm là huyện xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất cũng đạt chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đề ra cũng có sự góp sức, chung lòng của NHCSXH.
Công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững
Tại xã Cao Tân (huyện Pác Nặm), nguồn vốn tín dụng chính sách đã lồng ghép với việc triển khai các tiểu dự án hỗ trợ nhiều hộ dân phát huy thế mạnh nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, ngựa bạch sinh sản và trồng cây ăn quả cam, bưởi… Vốn về thức dậy đất nghèo và hiện lên nhiều gương sáng làm giàu ở vùng đặc biệt khó khăn Cao Tân.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Pác Nặm Vũ Mạnh Hùng, tính đến nay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đầu tư đạt 286 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2022 lũy kế doanh số cho vay là gần 24 tỷ đồng, làm động lực để Pác Nặm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5 - 4%.
Không riêng huyện Pác Nặm mà bao quát toàn tỉnh Bắc Kạn, vốn chính sách đã phủ kín vùng núi cao rộng 4.859km2, với 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận dễ dàng tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.
Có thể khẳng định, từ một tỉnh còn nhiều khó khăn về địa lý, thời tiết đồi núi cao, đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH Bắc Kạn đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giúp địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững. Minh chứng sinh động là công tác giảm ngheo tại Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng DTTS được nâng lên. Tình trạng du canh, du cư không tái diễn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,18%/năm.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ngăn chặn tái nghèo, NHCSXH Bắc Kạn vẫn bền bỉ, dốc sức huy động nguồn vốn, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến được với nhiều hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần thiết thực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên miền rừng núi Việt Bắc bao la.