Mặc dù các ngân hàng (NH) vẫn quảng bá sản phẩm, dịch vụ tín dụng liên quan đến thị trường nhà đất, nhưng các chủ đầu tư không dễ tiếp cận vốn vay. Các cá nhân có nhu cầu về vốn để mua căn hộ, nhà ở cũng khó hơn trong việc vay vốn NH. Bởi theo các chuyên gia tài chính, huy động vốn đang là vấn đề khó khăn.
Tổng giám đốc VietBank, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, với lĩnh vực BĐS, VietBank hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở và có thu nhập ổn định đảm bảo nguồn trả nợ, các DN nhỏ và vừa đầu tư nhà xưởng phục vụ sản xuất - kinh doanh, những dự án có tính khả thi, còn hạn chế cho vay đối với những đối tượng đầu tư kinh doanh BĐS, kể cả cá nhân vay vốn mua, sửa chữa nhà trả góp.
Thực tế, các cá nhân có nhà đem thế chấp vay vốn mua, sửa chữa nhà hiện được xem là nhà đầu cơ, cho dù nguồn trả nợ vẫn là thu nhập từ tiền lương hoặc một phần từ cho thuê nhà. Do đó, các NH không thể mở rộng hầu bao để hỗ trợ vốn vay.
Phó tổng giám đốc Western Bank ông Nguyễn Quốc Sỹ ủng hộ việc cho khách hàng vay vốn mua nhà để ở dưới hình thức trả góp, nhưng nói “không” với tín dụng đầu cơ, kinh doanh BĐS, vì đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Theo ông Sỹ, sau khi tăng vốn, NH sẽ tập trung phát triển tín dụng, nhưng chỉ ưu tiên cho các khoản vay sản xuất - kinh doanh và phục vụ đời sống.
Đối với ABBank, cho vay mua nhà vẫn là một trong những sản phẩm chiến lược ở mảng khách hàng cá nhân, dự kiến duy trì mức đóng góp 50% dư nợ cho vay cá nhân trong năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ABBank và một số NH khác đã cắt giảm thời gian tài trợ vốn, đồng thời chỉ cung ứng khoảng 70% giá trị tài sản đảm bảo, thay vì hỗ trợ trên 90% trong vòng 15 - 20 năm như cùng kỳ năm ngoái.
Tại HDBank, tín dụng BĐS hiện chiếm khoảng 30% tổng dư nợ. Ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó tổng giám đốc NH cho biết, chủ yếu hỗ trợ vốn cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự. Thông qua các chủ đầu tư dự án, chẳng hạn như ThuDuc House, HDBank tài trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua căn hộ để ở và được trả nợ dần theo hình thức trả góp.
Nhìn chung, cái khó mà các NH đang gặp phải là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã giảm xuống theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-NHNN ban hành vào cuối quý II/2009.
Hiện các NH chỉ được sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, thay vì 40% như hai quý đầu năm 2009. Trong khi đó, việc huy động vốn trung và dài hạn ngày một khó khăn, dù các NH đã tăng thêm lãi suất. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được các NH xây dựng trong năm nay đều ở mức thấp hơn năm trước.
Vì vậy, đối tượng được cung ứng vốn vay mà NH hướng đến trong năm nay là các đơn vị sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu và chỉ dành một tỷ lệ nhất định để cho vay mua nhà ở, sửa chữa nhà ở... Còn với các nhà đầu tư BĐS thì hầu hết NH đều hạn chế.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, NH không có chủ trương tài trợ vốn cho các nhà kinh doanh BĐS, chủ yếu hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân mua, sửa chữa nhà, nhưng nâng điều kiện được vay vốn. Cụ thể, khách hàng phải có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, thay vì 3 triệu đồng/tháng như trước. Hạn mức vốn cung ứng tối đa là 70% giá trị tài sản đảm bảo, còn thời gian cho vay giảm xuống tối đa là 7 năm. Đồng thời, ACB điều chỉnh lãi suất cho vay lên mức 19%/năm theo xu hướng thị trường.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, thị trường BĐS sẽ ấm dần lên kể từ giữa năm 2010 và khu vực TP. HCM sẽ là nơi có nhu cầu lớn về tín dụng BĐS. Ông Nghĩa cho biết, trong tổng số dư nợ tín dụng BĐS toàn ngành năm 2009 khoảng 200.000 tỷ đồng thì riêng khu vực TP. HCM chiếm trên 51%. Do cung hàng ở khu vực này đã và đang gia tăng nên giá cả chưa thể sớm tăng, mà chỉ hồi phục vào cuối năm.
Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất của các NH trong năm nay chính là nguồn vốn hạn hẹp. Cạnh tranh huy động vốn sẽ tiếp tục căng thẳng trước áp lực các kênh đầu tư khác hấp dẫn trở lại. Đồng thời, lượng tiền đầu tư ra nền kinh tế sẽ giảm do chính sách thắt chặt tín dụng. Do đó, nguồn vốn cho thị trường BĐS bị hạn chế.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán