Bắt được bằng chứng lô đề lên tới chục triệu của chồng, Nga choáng nặng. Nga nhờ mẹ chồng khuyên giải giúp thì cụ cũng ‘tặc lưỡi’: ‘Kệ nó làm gì thì làm’ khiến cô càng thất vọng.
Nga (29 tuổi, nhân viên kiểm toán Hà Nội) kết hôn gần 6 tháng. Hồi yêu nhau, thấy bạn trai có thú vui trà thuốc ở quán nước, Nga không bận tâm. Sau cưới, cô mới tá hỏa vì thú vui của chồng gắn với lô đề. Khuyên bảo nhiều lần nhưng chồng Nga chỉ bỏ ngoài tai. Bất lực, cô đành thưa chuyện cùng bố mẹ chồng những mong được giúp đỡ. Tuy nhiên, thái độ của nhà chồng càng làm Nga sock. Mẹ chồng cô cho rằng: “Chơi cho vui”. Còn bố chồng cô, bình thường ít nói nên nghe con dâu khóc lóc cũng chỉ lặng im.
Có lần, Nga thấy chồng mang điện thoại đi cắm để thỏa cơn khát cờ bạc, vậy mà mẹ chồng chỉ trách cứ vài câu rồi lại cho tiền mua cái mới. Lần khác, chồng Nga mang xe máy đi cắm. Mẹ chồng cô biết chuyện, trách con dâu không biết bảo ban chồng. Sau đó, Nga còn bị mắng vì không nhanh đi chuộc xe về. Tuyệt nhiên, cụ không có ý khuyên can hay trách phạt con trai. Điều đó làm Nga vô cùng hụt hẫng.
Còn Lan (Từ Liêm, Hà Nội) nghi ngờ chồng “qua lại” với người yêu cũ, bèn sụt sùi với mẹ chồng và cô em chồng. Chẳng ngờ, không những không giúp, họ còn xúi giục vợ chồng Lan chia tay. Sau Lan mới biết, hai người ấy rất quý cô bạn gái cũ vì cô này nhiều tiền lại hoạt bát. Lan còn bị em chồng “đặt điều” là hay bỏ bê nhà cửa bề bộn, lười cơm nước nên bị phụ tình cũng đáng… Đến giờ, chuyện của vợ chồng Lan còn rối hơn lúc trước.
Không tìm nhà chồng, Hân (quận 7, TP HCM) quyết định chọn sếp của chồng làm cứu cánh. Số là nghi chồng cặp bồ, nói mãi không xong, Hân cho là, chỉ có ý kiến của vị sếp thân cận kia mới có hiệu lực. Hẹn gặp sếp của chồng, kể lể một hồi mong giúp đỡ, Hân yên tâm có thêm “đồng minh”. Thế nhưng sau khi biết chuyện, chồng Hân đâm ra thù oán, nhiếc móc cô không thương tiếc. Hân đang hối hận vì đã nhờ trợ giúp không đúng chỗ.
Sáng suốt chọn "đồng minh"
Gặp phải khó khăn, phụ nữ thích tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác. Tuy nhiên, cần thận trọng khi “chọn mặt gửi vàng” để chắc chắn không “giao trứng cho ác”. Nếu cần nơi gửi gắm tâm sự và tìm cách tháo gỡ thì có thể chọn:
- Người bạn thân: Là chỗ dựa tinh thần khá vững chắc, là nơi có thể chia sẻ an toàn và cùng tìm cách tháo gỡ.
- Người cùng cảnh ngộ: Tâm tình trên một diễn đàn cũng là cách được nhiều phụ nữ tìm đến khi khủng hoảng. Những người cùng cảnh ngộ hoặc những người có kinh nghiệm sẽ giúp bạn phần nào. Nhưng đây cũng không phải “đồng minh” an toàn nhất vì người nhà chồng có thể biết chuyện và có những phản ứng không hay.
- Chuyên gia tâm lý: Sẽ là “đồng minh” tin cậy cho bạn.
Những “đồng minh” cần cân nhắc
- Mẹ chồng (em chồng hay người nhà chồng): Phần vì yêu thương chồng, phần vì quen với tật xấu của chồng nên dễ dung túng cho “tội lỗi”. Chưa kể, nhiều mẹ chồng còn bênh chồng chằm chặp và tỏ ra khó chịu khi con dâu muốn “lên lớp”…
- Mẹ đẻ (người nhà mình): Vì thương con gái nên họ dễ can thiệp thái quá. Hoặc nhìn con rể bằng ánh mắt hằn học, thù địch. Tất cả những điều này đều trở nên bất lợi với tổ ấm của bạn.
- Bạn bè (đồng nghiệp hoặc sếp) của chồng: Cũng không phải “đồng minh” thân tín. Nếu đó là người bạn tâm lý thì bạn sẽ nhận được sự trợ giúp khéo léo. Bằng không, chồng bạn chỉ xem như đang bị vợ đặt điều sau lưng. Hậu quả, là sinh hậm hực vì mất mặt với mọi người. Chưa kể chuyện nhà bạn có thể thành chủ đề bàn ra tán vào nơi cơ quan chồng. Nói chung, bạn bè hay đồng nghiệp cùng lắm là góp ý vài câu chứ mấy ai đủ sức chạy theo khuyên nhủ chồng bạn.
Tốt nhất, hãy vững tin vào bản thân. Nếu chọn đồng minh cũng chỉ nên là giải pháp tham khảo.
Theo Me&be