Đổ xô đi học bằng này bằng kia, thậm chí thất nghiệp thì học… cao học, và vô số chứng chỉ Anh văn, vi tính… là hình ảnh của các cử nhân trên hành trình… nhảy việc. Thế nhưng các doanh nghiệp, công ty (đặc biệt là các công ty nước ngoài) lại cần các kĩ năng mềm nhiều hơn ngoài sách vở…
Cử nhân giỏi vẫn hoang mang |
Lý thuyết giỏi vẫn bị… từ chối
Có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng là một trong những yếu tố hàng đầu khiến tỉ lệ sinh viên đại học ra trường nhưng thất nghiệp lên đến con số 63% (theo điều tra của Bộ GD-ĐT năm 2011). TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển chia sẻ: “Nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ sơ tuyển dụng ở chỗ chúng tôi với bảng điểm đẹp nhưng điều này không nói lên nhiều về người mà chúng tôi muốn tuyển. Chúng tôi từng gặp phải những sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ nhưng dịch không được, giao tiếp với khách hàng người nước ngoài cũng rất khó khăn”.
Vị TS này cho biết thêm: Sinh viên hiện nay lướt web rất nhanh nhưng trình bày văn bản chuẩn trên Word, Excel không làm được. Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo... của sinh viên đều có vấn đề. Chỉ có một số sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đây là những bạn xác định rõ công việc thực sự là gì nên có sự chuẩn bị phù hợp. Còn lại nhiều bạn đến phỏng vấn nhưng không biết nhà tuyển dụng cần vị trí gì, công việc như thế nào. Với việc thiếu định hướng như vậy thì đào tạo đang dẫn tới sự lãng phí lớn”.
Một số văn phòng luật sư tại Hà Nội cũng ngao ngán “Không ít cử nhân giỏi tới trả lời phỏng vấn có thể vanh vách về những khái niệm, phạm trù, nguyên tắc, đặc điểm mà sinh viên học được trong nhà trường. Thế nhưng cái mà chúng tôi cần là kỹ năng thực hành, kiến thức về sự vận hành của luật pháp trong thực tiễn. Điều quan trọng nhất trước một vụ tranh chấp là thân chủ cần biết được trong thực tiễn, tòa án sẽ phán quyết thế nào chứ không phải là kết quả sẽ ra sao nếu vận dụng các nguyên tắc luật học chung chung”…
Thói quen sính bằng cấp
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, ngoài chất lượng đào tạo đại học của một số trường còn hạn chế thì một trong những nguyên nhân quan trọng là thiếu gắn kết giữa giáo dục với doanh nghiệp, với thị trường lao động. Trong khi nhiều sinh viên chưa định hướng được nghề nghiệp sau khi ra trường thì nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của nhiều trường còn chưa sát thực tiễn, thiếu tính ứng dụng đối với các ngành nghề trong xã hội.
Hiện nay, có 8 trường đại học đã triển khai các chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, định hướng về nghề nghiệp cho sinh viên trong quá trình học tập. Tuy nhiên còn rất nhiều rào cản về chính sách, học phí...
Và điều quan trọng, theo phân tích của TS. Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì rào cản lớn nhất chính là tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. “Thói quen quan tâm đến bảng điểm hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ra trường của các nhà tuyển dụng đang ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng. Nếu theo chương trình này, sinh viên khó có được một bảng điểm đẹp bởi yêu cầu cao với dự án thực hành, bài tập nhóm được đánh giá bằng nhiều nguồn, nhấn mạnh đến kỹ năng thực hành...”- TS Phạm Thị Ly chia sẻ.
Uyên Na