Từ hàng nghìn năm nay khe nước thuộc địa phận thôn Thâm Mè, xã Hoàng Việt (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đã gây tò mò cho người dân nơi đây mà đến giờ vẫn chưa có lời giải.
Khe đá đặc biệt ở chỗ lúc bình thường nước không chảy ra hoặc chảy ra rất ít, nhưng cứ gõ vào đá hoặc kêu rú, vỗ tay là nước thành dòng lững thững tuôn ra. Không hiểu được vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy nên người ta gọi đây là “giếng tiên”, “giếng của nhà trời”.
Một người dân đang dùng dao “gọi” nước |
"Phòng tắm" hoàn hảo
Núi Khuân Lùng nơi có khe nước lạ cách trung tâm thị trấn Văn Lãng khoảng hơn 2 km đường rừng. Ông Hoàn Văn Tốt (61 tuổi, người địa phương) cho biết người dân nơi đây coi giếng tiên như một “vị thần may mắn”, đồng thời cũng là người bạn của họ. Ngày ngày ai vào rừng hái củi, đi chăn trâu, đi rừng làm rẫy là lại ghé xuống giếng gọi tên để nước giếng từ trong khe đá chảy ra làm đồ uống giải khát.
Truyền thuyết kể rằng xưa kia núi Khuân Lùng là nơi cảnh sắc “sơn thủy hữu tình”, giữa lòng chảo của núi có một cái hồ khá rộng. Một hôm giữa ban ngày một tiên nữ bay qua, gặp phong cảnh đẹp nên ghé lại chơi qua đêm. Yêu con nên Ngọc hoàng giáng một hòn đá phía chân núi làm mái nhà, lại sai thần nước xây cho nàng tiên một chiếc bồn, có khe nước tuôn trào để nàng tắm khi đêm xuống.
Tuy nhiên, vì nước có hạn nên chỉ khi nào nàng lấy tiếng động làm mệnh lệnh thì thần mới tuôn nước ra. Trải qua thời gian, giờ hồ Thiên nga không còn nước, chỉ còn là những bãi cỏ xanh, nhưng mái nhà đá và giếng tiên thì vẫn còn đó như lời người dân tưởng tượng.
Muốn đến khe đá, người ta phải leo lên đỉnh núi Khuân Lùng rồi đi xuống phía bên kia núi khoảng 100m, sẽ gặp một tảng đá hình mái nhà màu đen nhánh, vuông vức như được bàn tay của một nghệ nhân có nghề tạo tạc. Chỉ tay xuống tảng đá, ông Tốt hồ hởi giới thiệu: “Đấy là mái nhà tiên đấy, bên cạnh chính là giếng tiên”.
Nằm một mình, khe đá cạn khô. Ông lão “làm phép” bằng cách nhẹ nhàng tiến đến gần hốc đá là cửa miệng của giếng, cúi người xuống dùng con dao mang theo người gõ gõ mấy cái vào tảng đá, tai ghé nghiêng vào phía hốc đá. Lạ kỳ thay, khoảng 30 giây sau là dòng nước bắt đầu lững thững chảy ra, càng gõ nước chảy càng nhiều. Ông Tốt nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước, cứ mỗi khi gõ như thế này là dòng nước tuôn ra kêu rầm một cái rồi ào ào chảy”.
Bất ngờ này nối tiếp bất ngờ khác, khi xung quanh khe đá này là cả một hệ thống thiên nhiên có hình dáng kỳ thú, được sắp đặt ngăn nắp, bố cục hoàn chỉnh như được bàn tay con người tạo ra. Nước được tuôn ra từ một hốc đá, chảy thành dòng, lâu ngày tạo nên khe nước có bề rộng chừng 10cm, dài chừng 1m. Khe nước này được dẫn vào một cái vũng lõm trên nền đá, trông giống như cái bồn tắm làm bằng đá, rộng gần 1m2, hình bầu dục, bốn mặt khá nhẵn và sạch sẽ, đủ sâu để một người ngả người tắm.
Điều đặc biệt là sau khi “gọi” dòng nước tuôn ra dẫn xuống bồn tắm, nước bắt đầu đầy bồn thì cũng là lúc dòng nước giảm lưu lượng chảy. Lúc này nếu muốn lấy thêm nước đổ vào bồn thì lại phải “gọi” nước bằng cách như ban đầu là gõ hoặc vỗ tay, hú… vào hốc đá. Ngay phía trên bồn đá là một tảng đá lớn hình mái nhà vuông vắn. Điều kì thú là tất cả những phiến đá, tảng đá, rãnh nước kể trên đều tương đối vuông vức, sắc cạnh như được đẽo gọt.
Theo ông Hoàng Choóng, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Lãng, giếng nước ở núi Khuân Lùng không chỉ kỳ lạ biết “nghe” tiếng người mà còn có tác dụng kỳ diệu.
Bồn tắm bằng đá |
Mê tín bủa vây
Nhiều người cho rằng đây là nguồn nước sạch như nước khoáng, uống chưa qua đun mà không hề bị đau bụng. Nước chảy ra từ khe núi đá nhưng lại không hề lẫn tạp đá vôi.
Người dân nơi đây truyền rằng, trai gái dùng nước này đun tắm thì da dẻ sẽ thêm hồng hào, xinh xắn, người già tắm sẽ tăng cường sức khỏe. Khe đá này nổi tiếng đến mức độ đã thành thơ truyền khẩu: “Cửa núi Khuân Lùng có giếng tiên/ Nước phun ra núi khi gọi tên/ Người lấy về tắm đem đun nấu/ Trắng hồng con gái nét duyên xinh/ Con trai uống trắng hồng cường tráng/ Người già tăng sức sống cao niên”.
Chứng kiến những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, người dân nơi đây đồn thổi nhiều chuyện mê tín dị đoan quanh khe đá này.
Quan sát khu vực xung quanh giếng tiên, người phát hiện ra những chân nhang chi chít do những người mê tín quanh vùng hay lui tới đây để sì sụp khấn vái, làm lễ “giải trừ ma quỷ”.
Bà Hoàng Quý Vương (SN 1955, người địa phương) cho biết, lợi dụng tiếng tăm của chiếc giếng, nhiều đối tượng tự xưng “thầy bói”, “thầy mo” đến đây “hành nghề”; nhiều gia đình bị mất trâu, mất bò, mất gà vịt, thậm chí gia đình nào có người ốm đau bệnh tật cũng vời “thầy bói” đến xem quẻ ở đây.
Để làm lễ, gia đình phải chuẩn bị mâm lễ khá tốn tiền như gà luộc để nguyên con, xôi, hoa quả và các loại kẹo quà khác. Sau đó, vị thầy mo sẽ thực hiện các nghi lễ cầu cúng, khấn vái để tìm ra “kẻ trộm” hoặc con ma đã gây tai ương cho người nhà họ.
Cũng theo bà Vương, trẻ em trong vùng cứ lên 5 - 6 tuổi là mời “thầy mo” đến gần giếng này xem “số”, nếu đứa trẻ nào bị phán là có vận hạn, lận đận về tình duyên, hoặc trúng số đoản mệnh thì sẽ được “thầy mo” cắt vận hạn, được tắm táp ngay tại chỗ bằng nước giếng. “Sau khi làm lễ xong thì những đứa trẻ này trong vòng 3 năm sẽ không được quay trở lại khu vực quanh giếng, nếu quay lại thì vận hạn sẽ không được trừ giải mà còn làm cho người đó gặp thêm tai ương”, bà Vương nói.
Hòn đá có hình dáng giống mái nhà |
Giải mã chuyện khe đá “thấu hiểu” tiếng người
Trao đổi về những sự việc mê tín này, ông Bế Đức Toàn, Trưởng thôn Thâm Mè, cho biết, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng một số người dân vẫn cứ tin tưởng mù quáng và lén lút thực hiện. “Giếng nước này ở sâu trong núi nên chúng tôi cũng không thể ngày đêm kiểm soát. Có bệnh thì phải đến bệnh viện, mất mát thì trình báo công an, chính quyền để giải quyết chứ cứ khấm vái sì sụp chỉ tổn công hao của mà chẳng mang lại kết quả gì”, vị trưởng thôn cho biết.
Ông Lăng Thanh Hải, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Lãng xác nhận, ông nhận công tác ở đây từ những năm 1985 và từng đôi lần trực tiếp đến thăm thú chiếc giếng đặc biệt đó mà vẫn “rất ngỡ ngàng về sự kỳ lạ của dòng chảy, chỉ cần tạo ra một tiếng động rất nhỏ là nước tuôn ra theo ý muốn”.
Nguyện vọng của ông Hải là mong muốn các nhà chuyên môn, các nhà khoa học đến khảo sát thực địa để đem ra kết luận chính thức, lí giải hiện tượng một cách thấu đáo cho người dân.
Theo GS – TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, đây là một hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên và không liên quan gì đến chuyện lạ lùng huyền bí.
Về mặt khoa học, khe nước đó là một dòng chảy tự nhiên, khi con người tác động vào đấy một năng lượng sẽ làm thay đổi lưu lượng chảy. Âm thanh cũng là một dạng tác động sinh ra năng lượng, khi gọi, hú, hét, đánh trống hay làm gì thì xung quanh đều phát ra năng lượng và tác động đến dòng chảy. Khi được tác động năng lượng thì nước đó chảy mạnh hơn, dâng cao hơn.
Cũng phải nói rằng, phía bên trong hốc đá nơi có dòng nước chảy ra đó phải có một cấu tạo phức tạp liên quan đến các túi khí trong hốc đá thì dòng chảy mới nhạy cảm như vậy. Khi đó, chỉ cần một tác động nhỏ cũng khiến dòng chảy thay đổi lưu lượng.
Theo phán đoán của ông Tiến, trong khu vực khe nước có thể tồn tại các “bẫy không khí”, tức là trong các hốc đá nơi có dòng chảy tích tụ các túi khí bị dồn nén, khi có tác động âm thanh, năng lượng từ các túi khí đó được giải phóng, nước được đùn ra theo.
Minh Hữu