Giữa phố cổ đắt đỏ, hai ông chủ trẻ đã không kinh doanh những mặt hàng “ra tiền”, mà kết hợp bán cà phê và trưng bày kỷ vật chiến tranh. Địa chỉ 65 Hàng Buồm, Hà Nội, đã trở thành nơi nhiều bạn trẻ, cựu chiến binh đến thăm để tưởng nhớ về một thời…
Người trẻ mê kỷ vật
Cà phê Lính có hai ông chủ, là Lê Tuấn Nghĩa và Nguyễn Văn Phương, cả hai chung niềm đam mê cà phê, âm nhạc và sưu tầm, lưu giữ kỷ vật chiến tranh. Họ cùng sinh năm 1967, và từng có lần phải theo gia đình đi sơ tán vì những trận đế quốc Mỹ oanh tạc Hà Nội.
Có một điểm chung giữa anh Nghĩa và anh Phương, là cả hai cùng học trường PTTH Trần Phú (Hà Nội), cùng học đại học ngành cơ khí, rồi anh Phương trở về làm họa sĩ, chơi nhạc. Nhưng niềm đam mê vẫn được bảo lưu. Cả hai đi đến thống nhất “làm chung” Cà phê Lính để có chốn giao lưu, sưu tầm và trưng bày kỷ vật.
Vì đam mê, và cũng chưa được khoác áo lính, nhưng các anh đã quyết định lặn lội sưu tầm, từ Nam ra Bắc, làm giàu có quán cà phê của mình. Hiện vật đầu tiên sưu tầm được chính là hai cục của một bộ dàn âm thanh (mãi sau này anh Nghĩa mới sưu tầm đủ cả bộ).
Khi đã có đủ cơ số, là hàng trăm kỷ vật, các anh bắt tay vào trang trí cho quán cà phê của mình. Không gian quán cà phê được thiết kế có không gian thời chiến với lá ngụy trang, dù nhảy treo lơ lửng trên trần nhà và những chiếc tủ bảo quản các kỷ vật...
Để có những kỷ vật này, thật không đơn giản. Anh Nghĩa cho biết: “Công việc sưu tầm nào cũng đòi hỏi kỳ công. Ý tưởng chỉ là một vấn đề thôi, còn có đủ nhiệt huyết đi săn tìm không mới đáng nói.
Chúng tôi cũng là những người có duyên, nên gặp được nhiều người tốt, người ta để rẻ cho. Nhưng có món đồ phải mua với giá rất đắt. Những kỷ vật này như có linh hồn, chúng tiếp tục hiện diện trên cuộc đời này như để thay mặt những người chủ của chúng, và chúng chẳng hỏng hóc bao giờ”.
Trước khi quán cà phê ra đời, nhiều kỷ vật gắn liền với lính thông tin, lính hải quân được anh Nghĩa dành hẳn một căn phòng để gìn giữ. Rồi khi trưng bày kỷ vật, khách sẽ được “xem mặt” từ những vật nhỏ như: dù, thìa, ca, bi-đông, mũ, đồng hồ… đến những vật có giá trị như máy ảnh, loa tâm lý, điện thoại, bộ đàm… Một số người biết nguyện vọng và đam mê của hai anh đã mang tặng những kỷ vật mình giữ được.
Một điểm đến thú vị
Dù mới chỉ được mở ra trong vài năm, nhưng Cà phê Lính đã trở thành điểm đến không chỉ của các bạn trẻ, mà nhiều cựu chiến binh cũng đến, một phần thưởng thức cà phê, một phần ngắm các kỷ vật. Có nhiều cựu chiến binh ở quận Tây Hồ tuần nào cũng tìm đến, có khi hẹn gặp bạn chiến đấu cũ, có khi “nói chuyện” với các kỷ vật.
Cà phê Lính và những kỷ vật |
Bác Bùi Văn Thọ, một vị khách thường đến bảo tàng mini - Cà phê Lính tâm sự: “Vào đây, chúng tôi được sống lại cảm giác, những khoảnh khắc của chiến tranh, vốn đã hằn sâu trong tâm khảm. Nhiều khi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Hỏi chuyện chủ quán, tôi còn biết có người ở ngoại tỉnh, nghe nói đến Cà phê Lính, cũng vượt 60 km đến thăm. Niềm đam mê, việc làm của anh Nghĩa, anh Phương thật đáng quý”.
Những hiện vật biết nói này, thu hút cả bè bạn quốc tế, cựu binh Mỹ. Điều đáng nói là, trong hàng trăm kỷ vật được trưng bày, có món là của người bộ đội Việt Nam, có món là của người lính Mỹ. Tất cả được trưng bày trong một không gian hẹp, nhưng không gây ra bất cứ một sự phản cảm nào. Mà ngược lại, nó tôn vinh sự dung dị, lòng dũng cảm và khát vọng hòa bình của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Theo anh Nghĩa, có nhiều đồ vật, nếu chỉ nhìn thấy qua sách vở thì khó hình dung được. Ví dụ như hiện vật có tên “Cây nhiệt đới” - đây là thiết bị trinh sát điện tử của Mỹ, được tuyên truyền là loại vũ khí siêu lợi hại, qua thiết bị này địch có thể biết được tất cả mọi hoạt động của bộ đội ta. Nếu so sánh các trang thiết bị chiến tranh, thì của bộ đội ta thô sơ hơn, nhưng điều tự hào là, trong cuộc chiến tranh ấy, Quân đội Việt Nam đã chiến thắng.
Điều mà các ông chủ của Cà phê Lính trăn trở, là muốn được mở rộng quán, làm hẳn một bảo tàng nhỏ, như thế sẽ có nhiều người đến hơn. Hiện nay, diện tích quán còn nhỏ, việc để xe cũng như bố trí chỗ ngồi, vào ngày khách đông cũng khó khăn. Rất mong nguyện vọng của các anh sớm thành hiện thực.
Sơn Bình
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu