Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan đã trao đổi về các nội dung như tên gọi của Nghị định, phạm vi điều chỉnh, tính khả thi, đặc biệt là nội dung về chế tài xử lý trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hành chính trong THAHC.
Luật Tố tụng Hành chính được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã từng bước xác định vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử và Chính phủ với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về công tác THAHC trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, công tác này trong thời gian qua chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn khi việc đôn đốc THAHC của cơ quan THADS so với tổng số vụ án hành chính được đưa ra xét xử không cao. Đặc biệt, chưa có một thống kê chính thức về tình hình thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính, ngoài các vụ việc cơ quan THADS nắm được do có đơn đề nghị đôn đốc thi hành án gửi đến.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Mai Lương Khôi nêu lý do chính của những hạn chế nêu trên là do pháp luật về THAHC chưa rõ ràng và đầy đủ về trình tự, thủ tục THAHC, về quyền và nhiệm vụ của người phải thi hành án, người được thi hành án và các cá nhân, tổ chức liên quan; hệ thống chế tài xử phạt chưa đầy đủ, cụ thể; trách nhiệm quản lý, tham mưu về quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về THADS các cấp chính quyền địa phương còn chưa rõ ràng.
Do đó, Nghị định được Ban soạn thảo tích cực xây dựng và xin ý kiến của các đơn vị liên quan. Đa số các thành viên hội đồng nhất trí với tên gọi “Nghị định của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án” bởi sự rõ ràng, có tính răn đe.
Sau khi lắng nghe góp ý từ các thành viên của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá Dự thảo Nghị định phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; hợp hiến, hợp pháp và cơ bản khả thi. Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến, đồng thời rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa để loại bỏ các các nội dung trùng lặp, bổ sung các điều khoản chi tiết để Nghị định đạt chất lượng tốt nhất.