Những chuyến xe đêm muộn
Đêm 7/9, tại chợ đầu mối Bình Điền, tiểu thương nơi đây chờ đón những chuyến xe tải mang hàng đến. Hàng trăm tấn thực phẩm đã được tập kết tại chợ. Những chuyến xe đêm muộn báo hiệu sự hồi sinh trở lại của chợ đầu mối Bình Điền - một trong những chợ đầu mối lớn nhất TP HCM, cung cấp thực phẩm cho cả khu vực sau hơn 2 tháng tạm đóng cửa.
Rạng sáng 8/9, 9 tiểu thương tại chợ vẫn đang tất bật làm việc. Nhận hàng, kiểm hàng, chuẩn bị phân chia hàng hoá để đưa hàng đến các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ khắp Sài Gòn. Nét tất bật, năng động và vui vẻ ánh lên đôi mắt những thương buôn. Dù giờ đây họ chỉ mới có 9 người nhưng dường như sức sống của khu chợ thân quen đang trở lại, trong những công việc họ đã quen thuộc gần nửa đời.
Tất nhiên, lượng hàng mà các tiểu thương nhập về chưa “nhằm nhò” gì so với thời điểm trước dịch, nhưng đó cũng là một khởi đầu ổn cho ngày khởi động. Nếu như trước kia, mỗi tiểu thương chuyên phân phối thuỷ, hải sản nhập đến hàng chục tấn hàng cho mỗi đêm thì đêm đầu tiên mở cửa chợ này, mỗi người chỉ dám “xuống tay” nhận 1-3 tấn hàng. Họ sợ nhiều rủi ro liên quan đến việc giãn cách, hạn chế đi lại, mua sắm, các nhà hàng, quán ăn đóng cửa và người dân có xu thế “thắt lưng buộc bụng”.
Với ngành hàng rau củ, con số hàng nhập về lớn hơn do thời gian qua rau củ vẫn là mặt hàng buôn bán tốt kể cả trong dịch. Anh Võ Minh Thái – kinh doanh ngành rau cho biết, trong ngày đầu tiên chợ mở cửa trở lại, anh đã nhập 20 tấn hàng từ Đà Lạt và miền Tây Nam Bộ về TP HCM. Trong ngày đầu tiên, đã có 27 tấn hàng về chợ và giao hết đi các đầu mối.
Những ngày sau đó, nhiều chuyến xe vẫn tiếp tục đổ hàng về chợ đầu mối Bình Điền. Con số tiểu thương tăng dần lên 17, rồi 20 tiểu thương tham gia kinh doanh. Lượng hàng về chợ cũng tăng dần lên trong niềm vui của các tiểu thương.
Trước kia, ở thời điểm bình thường mỗi ngày chợ có khoảng 10.000 người đến giao dịch, cao điểm có 20.000. Bình thường ở chợ có 2.000 thương lái, giờ đây con số đang được tính ở hàng chục. Tiểu thương kì vọng thời gian tới, nếu dịch được kiểm soát tốt, họ có thể quay lại 50% công suất so với trước đây.
Theo ông Phan Thanh Tân, Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, chợ sẽ là điểm tập kết, trung chuyển hàng từ các tỉnh về TP HCM để cung cấp cho người dân. Dự kiến chợ có khả năng cung ứng khoảng 210 tấn/đêm cho các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP HCM cũng như các chợ truyền thống được phép hoạt động. Thời gian hoạt động của điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ là từ 16 giờ đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.
Thông qua điểm trung chuyển này, nguồn hàng đến từ nhiều nơi như các tỉnh miền Đông, miền Tây, cao nguyên Đà Lạt… với khả năng cung ứng từ 100 - 150 tấn/đêm sẽ được đưa về đến các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP cũng như các chợ truyền thống được phép hoạt động.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thị sát chợ Bình Điền. |
Theo kế hoạch, tại khu tập kết - trung chuyển, mỗi thương nhân tham gia được phép đăng ký 5 lao động. Tùy theo tình hình thực tế, thương nhân có thể đăng ký điều chỉnh tăng nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Mỗi tiểu thương vào chợ đều đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vaccine, được cấp thẻ ra vào và lấy mẫu test 3 ngày/lần. Để bảo đảm an toàn, mỗi tiểu thương chỉ được bán cho 70 khách hàng, việc giao dịch đều qua điện thoại, internet, khi đến chợ chỉ việc nhận hàng, hạn chế tiếp xúc, trao đổi.
Chợ cũng chỉ thực hiện việc giao nhận hàng hóa, không tổ chức giao dịch, sơ chế, đóng gói, mua bán hàng hóa.
Chợ Bình Điền đã xây dựng phân luồng giao thông 1 chiều, với đường đi rộng 10m, bảo đảm đủ khoảng cách cho xe lên/xuống hàng, tránh tình trạng ùn tắc.
Trong thời gian hoạt động, chợ Bình Điền sẽ khử khuẩn toàn bộ chợ ít nhất 1 lần/tuần, khử khuẩn sau mỗi ngày tại các khu vực kinh doanh làm việc, cũng như bố trí máy sát khuẩn nhanh, khẩu trang y tế dự phòng, thùng rác lớn có nắp đậy tại mỗi ô, vựa tập kết hàng hóa.
Hiện tại, nền tảng thương mại điện tử để chợ đầu mối kết nối được với chợ truyền thống cũng đang được xây dựng, hướng đến việc đặt hàng, giao dịch từ xa và giao hàng từ chợ đầu mối đi các chợ khác.
Có thể thấy, với các phương án tổ chức chặt chẽ, theo nguyên tắc không an toàn thì không tổ chức, chợ Bình Điền đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định. Ngay cả khi ca F0 xuất hiện từ buổi đầu mở cửa trong số các tiểu thương thì đến nay tình hình vẫn được kiếm soát tốt, những chuyến xe tải đêm vẫn cấp tập đổ hàng về chợ mỗi ngày.
Những cửa hàng sáng đèn…trên mạng
Những ngày gần đây, nhiều người dân TP HCM hồ hởi vì những cửa hàng quen thuộc bắt đầu “sáng đèn” trở lại trên các ứng dụng. Một số món thông dụng, được ưa chuộng như trà sữa, bún bò, cơm tấm, bánh mì… được nhiều gian hàng mở bán trên các ứng dụng đặt thức ăn như Grab, Now, Shopee…
Chị Nguyễn Thảo Linh, 24 tuổi, ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 chia sẻ: “Nghe app Now thông báo hoạt động gian hàng thức ăn online trở lại nên tôi vội truy cập vào và thấy gian hàng bán trả sữa, đồ ăn vặt quen thuộc mình hay đặt trước kia đã mở cửa. Đặt thử 3 món, tổng hoá đơn 130 ngàn, tiền ship lên đến 35 ngàn, tăng 15 ngàn so với trước kia, nhưng thấy chất lượng ổn và thời điểm này cửa hàng online mở cửa trở lại là thấy vui vì dường như nếp sống đã quay lại như trước”.
Trước đó, TP HCM đã ban hành văn bản cho phép một số loại hình kinh doanh, trong đó có dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại từ 6h - 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Việc bán hàng hiện cũng được thực hiện trong phạm vi nội quận.
Sau thông báo, tiểu thương đã rục rịch chuẩn bị mở cửa buôn bán online. Nhanh chóng, trên các ứng dụng đặt mua thực phẩm, các cửa hàng đã “tái xuất” và ngày một mở cửa nhiều hơn. Anh Nguyễn Tấn Bình, chủ một cửa hàng bán bún bò mở cửa trên ứng dụng Grab cho biết, ngày đầu tiên, anh nấu một nồi nhỏ với khẩu phần cho 40 người. Sau khi đăng lên ứng dụng đồng thời đăng lên Facebook cá nhân, anh đã bán hết veo số bún trong vòng hai tiếng buổi sáng. “Tôi dự định bán tầm 50 tô cho những ngày đầu để an toàn, rồi sẽ tăng số lượng lên gấp đôi cho thời gian sau. Khách hàng ăn phản hồi ngon, nhưng một số người cũng phàn nàn là giá mỗi tô bún cao hơn trước kia, rồi phí ship cũng mắc mỏ quá. Tôi có giải thích với họ vì giờ tình hình đi lại khó khăn, phải xin giấy phép, xét nghiệm thường xuyên, rồi nguyên liệu tăng nên giá thành và phí ship tăng là chuyện thường tình, họ cũng thông cảm”.
Tiểu thương mong chờ “bình thường mới”, được buôn bán lại. |
Tuy nhiều cái khó như thế nhưng nhiều tiểu thương vẫn chọn cách “vượt khó” để mở cửa, nhằm thích nghi lại với tình hình buôn bán, làm quen lại với khách hàng.
Bà Trần Thu Dung, chủ một quán phở gà trên đường Bạch Đằng chia sẻ, quán phở của bà là quán gia truyền, bình thường rất đông khách, chỉ mở cửa bán tại chỗ, hàng ngày bán vài trăm tô là thường nên không cần bán trên mạng. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn chưa thấy dịch vụ bán thức ăn tại chỗ được mở cửa, bà đã bảo các con tìm cách đi đăng kí, mở cửa hàng trên mạng bán thử. “Tuy là trước kia đông khách nhưng thời điểm này nó khác rồi, mình cũng phải học cách thay đổi để thích nghi. Cứ buôn bán online trước, tà tà qua ngày, trong khi đó vẫn chờ đến ngày được mở cửa hàng sau, coi như sự chuẩn bị vậy”, bà Dung bày tỏ.
Hiện người kinh doanh cũng gặp một số khó khăn cản trở việc mở lại cửa hàng online như khó khăn trong việc xin giấy đi đường để tìm mua nguyên liệu đầu vào, giá thành nguyên liệu tăng cao, có thứ tăng đột biến. Rồi khó tìm shipper, giá ship cao… Điều này dẫn đến nhiều tiểu thương vẫn “án binh bất động” chưa mở cửa kinh doanh online trở lại.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"