Tiểu thương dè dặt, ngại trữ hàng tết
Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) – một trong những chợ đầu mối cung cấp hàng hóa lớn trên địa bàn Hà Nội thời điểm này, các mặt hàng đồ khô như mộc nhĩ, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ… cho tới các mặt hàng hải sản khô như tôm khô, mực, các loại cá khô… được bày bán khá đa dạng và phong phú.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều tiểu thương, sức mua của người tiêu dùng vào thời điểm này khá trầm lắng so với những năm trước, khách chủ yếu mua số lượng ít, vì thế các tiểu thương cũng không dám “om” hàng nhiều.
Theo bà Phạm Thị Trinh, chủ sạp đồ khô tại chợ Đồng Xuân, vào thời điểm này năm ngoái đã khá đông khách buôn từ các tỉnh thành tới lấy hàng. Nhưng năm nay, hàng hóa ế ẩm, các tiểu thương ở chợ chỉ bán được ít một qua ngày.
“Mặc dù đây là mặt hàng bán khá chạy trong dịp Tết nhưng tại thời điểm này, lượng các mặt hàng khô như măng khô, mộc nhĩ, miến… bán ra chỉ bằng một phần nhỏ so với dịp cận Tết những năm trước. Trước đây, quầy hàng nhà tôi bán buôn cả yến, cả tạ cho khách đem về bán lẻ tại chợ nhỏ trong địa bàn Hà Nội, một số đi các tỉnh nhưng bây giờ thì kể cả khách hỏi mua lẻ 1,2 kg cũng bán, nếu không thì ế” – bà Trinh cho hay.
Tương tự, chị Kim Thúy, chủ quầy kinh doanh đồ khô tại chợ Đồng Xuân cho biết: “Gần tết mà buôn bán quá ế ẩm. Cùng thời điểm này năm ngoái, khách hàng đông kín chợ, chen chân đóng thùng đưa hàng về các tỉnh. Năm nay, cả ngày không tới chục khách ghé mua, năm nay tôi không giám dự trữ nhiều hàng tết. Dự kiến, khoảng 1 - 2 tuần trước tết âm lịch thì mới nhập nhiều hơn một chút”.
Về nguyên nhân khiến chợ những ngày cuối năm trở nên ảm đạm, các tiểu thương này lý giải, hiện nay chợ Đồng Xuân không còn được sầm uất như trước. Những năm trước, phần lớn các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ tại chợ Đồng Xuân đều được lấy từ các công ty từ các tỉnh phía Bắc như Măng lá từ Hà Giang, Tuyên Quang; măng củ, măng nứa từ Hòa Bình, mộc nhĩ, nấm hương các loại… đều là do chủ sản xuất từ các tỉnh này chở tới. Sau đó từ chợ Đồng Xuân, các tiểu thương tới lấy hàng và phân phối tại các chợ nhỏ. Tuy nhiên, bây giờ các nhà sản xuất chủ động xây dựng điểm phân phối ở nhiều tỉnh, hoặc giao hàng tận nơi, vì vậy tiểu thương không cần tìm đến chợ mua sỉ như trước.
Hơn nữa những năm gần đây, đời sống người dân được nâng cao nên mọi người thường tìm mua đặc sản tại các vùng miền, hoặc mua đồ tại hội chợ xuân hoặc mua sắm tại các siêu thị hoặc mua online, nên hàng hóa tiêu thụ tại các chợ nhỏ cũng ít đi nên các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân không giám trữ nhiều hàng hóa.
Người tiêu dùng không lo về giá
Theo các tiểu thương do sức mua yếu, nên giá cả hầu hết các mặt hàng ổn định. Dự kiến trong những ngày giáp Tết giá cả sẽ tăng, song không đáng kể.
Các mặt hàng thực phẩm khô như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô... được bày bán khắp chợ |
Cụ thể, hiện giá các loại mộc nhĩ có giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; miến 60.000 - 70.000 đồng/kg; măng khô loại 1 có giá từ 230.000 - 270.000 đồng/kg, loại 2 - 3 có giá từ 130.000 - 200.000 đồng/kg. Các loại hải sản khô như tôm, mực, sá sùng… cũng được bày bán đa dạng để phục vụ thị trường Tết. Mực từ 450.000 - 550.000 đồng/kg; tôm biển có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg; tôm nuôi có giá rẻ hơn từ 400.000 - 550.000 đồng/kg; sá sùng từ 500.000 - 600.000 đồng/kg…
Liên quan tới vấn đề hàng hóa cho dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mới đây UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Công thương Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn theo kế hoạch của UBND Thành phố. Theo đó, tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và đơn vị sản xuất, cung ứng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác nguồn hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, tổ chức tốt công tác dự trữ, cung ứng đầy đủ hàng hóa cho thị trường để ổn định giá bán, không xảy ra hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân TP.Hà Nội trong dịp Tết năm 2020, đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Cụ thể: Gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát, 200.000 m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.