Hơn 600 hộ dân buôn bán tại chợ Sơn (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang hoang mang trước việc UBND huyện giao "khu đất vàng" là nền ngôi chợ cũ cho doanh nghiệp tư nhân xây chợ mới.
"Đất vàng" về tay tư nhân?
Khu đất chợ Sơn nằm ngay ở trung tâm thị trấn Hương Khê. Người dân gọi đây là "khu đất vàng" không chỉ vì diện tích lớn, mà 4 mặt tiền đều là đường. Theo phản ánh của những người dân ở chợ Sơn, hơn 600 hộ kinh doanh đang phải đối mặt với việc mất chỗ buôn bán kinh doanh ổn định suốt 20 năm qua.
Chợ Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh |
Ông L.H.L, 1 tiểu thương lâu năm ở chợ Sơn bức xúc: “Chúng tôi rất bất ngờ sau khi nhận được thông báo của UBND huyện Hương Khê về việc đã bán đất cho nhà thầu tư nhân Phúc Lợi với thời hạn 50 năm để xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Càng kỳ lạ hơn, chính quyền cũng không hề thông qua dân hay tổ chức đầu thầu công khai về khu đất nói trên”.
Các hộ dân ở đây cũng cho rằng, việc thực hiện dự án xây dựng chợ Sơn có nhiều biểu hiện khuất tất.
Tại văn bản ra ngày 10/11/2010, UBND huyện Hương Khê cho biết, vốn đầu tư xây dựng chợ Sơn là 51 tỷ đồng, trừ 21 tỷ đồng giải phóng mặt bằng còn lại 39 tỷ. Thế nhưng, tại văn bản ngày 7/1/2011, huyện cho biết nhà đầu tư tăng vốn lên gần 100 tỷ đồng trong khi thiết kế công trình không hề thay đổi.
Chính điều này đã khiến nhiều hộ kinh doanh ở chợ Sơn thắc mắc liệu đây có phải là sự thống nhất "ăn rơ" giữa UBND huyện và nhà thầu tư nhân để giảm bớt lợi nhuận khổng lồ sau khi bán ki ốt.
Người dân hiểu nhầm?
Diện tích chợ Sơn hiện là 14.224 m2. Theo thông báo ngày 7/1/2011 của UBND huyện, gần 7.000m2 sẽ xây 1.400 ki ốt. Mức giá sàn bình quân để đấu giá cao ngất ngưởng: 65 triệu đồng với ki ốt nông sản; 130 triệu đồng ki ốt ở tầng trệt; 100 triệu đồng ki ốt ở lầu một.
Bản thiết kế quy hoạch khu chợ mới |
Các hộ dân cho rằng, với mức giá này, sau khi đấu giá, mỗi ki ốt có thể lên tới 500 triệu tới 1 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn.
Đó là chưa kể trong đấu giá còn có thể xuất hiện bọn "cò mồi" đẩy giá lên nên các hộ kinh doanh cũ chưa hẳn đã mua được ki ốt.
Theo tính toán của người dân, với việc xây dựng và bán với mức giá như trên, doanh nghiệp Phước Lợi thu lãi quá lớn, có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
“Đó mới chỉ phép tính về tài sản trên đất, còn số diện tích của khu đất "đắc địa" này được sử dụng thế nào mới là vấn đề cần được làm sáng tỏ”, tiểu thương T.T.H nêu vấn đề.
Trước bức xúc của người dân, ông Đinh Hữu Tân - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, lý giải, vì ngân sách nhà nước không có nên mới kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng. Chủ doanh nghiệp Phúc Lợi là con em của địa phương. Khi về khảo sát, họ có nhã ý muốn đầu tư xây mới chợ Sơn. Sau khi UBND huyện trình dự án, tỉnh đã phê duyệt.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng chợ Sơn đang tiếp tục hoàn thiện nên có thể người dân còn hiểu nhầm.
Ông Tân cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ hoàn tất 4 nhóm vấn đề chính: xem xét quyền lợi của các hộ dân; tính toán một cách cụ thể giá thành từng loại ki ốt; thống nhất phương án đấu giá ki ốt; quản lý chợ sau khi hoàn thành.
“Sau khi thống nhất 4 vấn đề trên, Huyện sẽ tổ chức họp dân để công khai cho người dân biết”, ông Tân khẳng định.
Thiên Ân