Dấu hiệu lọt người, lọt tội
Như PLVN đã thông tin, vụ “hỗn chiến” xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt xảy ra vào chiều 31/12/2018 tại thôn 4 (xã Long Bình, huyện Phú Riềng) đã khiến cả hai nhóm người bị thương. Cụ thể, Lê Thùy Anh (SN 1990, trú thôn Phú Tân, xã Phú Riềng) bị một số vết thương vùng mặt (do vật tày cứng tác động), tổn hại 40% sức khỏe.
Còn nhóm người bên kia có Chu Văn Hùng (SN 1992, thôn 4 xã Long Bình) bị tổn hại 10% sức khỏe (bị vết chém ở lưng); Trần Trọng Trí (SN 1984, bà con với Hùng, trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) bị 7% sức khỏe (vết thương vùng đầu và tay).
CQĐT Công an huyện Phú Riềng đã khởi tố vụ án khởi tố bị can và bắt tạm giam với 4 người thuộc nhóm Chu Văn Hùng về tội “cố ý gây thương tích” vào tháng 8/2019 gồm: Hùng, Trí (anh rể Hùng), Trần Thiện Nhân (SN 2002, con trai Trí) và Chu Minh Đức (SN 2001, em họ Hùng) vì cho rằng những người này dùng hung khí đánh Lê Thùy Anh gây thương tích 40%.
Ngay sau đó, người nhà bị can đã liên tục khiếu nại cho rằng CQĐT đã thiếu khách quan vì không xem xét khởi tố đối với Lê Thùy Anh và đồng bọn là Nguyễn Đình Quý (SN 1999, thôn 4, xã Long Bình) vì hai người này đã gây gổ trước và dùng dao chém anh Hùng và anh Trí.
Cho đến cuối tháng 10 vừa qua, CQĐT Công an huyện Phú Riềng mới có quyết định khởi tố và tạm giam Nguyễn Đình Quý về tội “Cố ý gây thương tích”.
Đánh giá về động thái nêu trên, Luật sư (LS) Lê Ngọc Hà (Văn phòng Luật sư Đa Phúc, người bào chữa cho Hùng, Trí, Nhân và Đức) cho rằng, qua các chứng cứ LS thu thập được thì có thể thấy hành vi của Quý và Lê Thùy Anh là đặc biệt nguy hiểm, nhằm tước đoạt tính mạng của người khác.
Cụ thể, Lê Thùy Anh đã dùng dao chém vào lưng của Hùng, là vị trí xung yếu trên cơ thể, có thể dẫn đến thủng phổi và chết người (sau đó, Thùy Anh đuổi chém Hùng nhưng bị trượt ngã). Hành vi chém người liên tiếp của Thùy Anh đi liền với việc hô hào “xả chết hết chúng nó đi” đã thể hiện ý định giết người chứ không chỉ dừng lại ở hành vi cố ý gây thương tích.
Trong khi đó, Quý sau khi được Thùy Anh kích động “xả chết hết chúng nó đi” liền dùng dao (loại dao tông, dài 40cm, lưỡi sắc) chém 1 nhát vào đầu của Trí (vị trí nguy hiểm đến tính mạng). Sau đó, rất may là Trí đã đỡ được nhát chém thứ 2 nên chỉ bị thương ở tay. Theo giám định, Trí bị sẹo đỉnh đầu, sẹo cánh tay, sẹo mu bàn tay trái…
Vì vậy, LS Hà cho rằng, có thể thấy hậu quả chết người không xảy ra là nằm ngoài ý chí chủ quan của Thùy Anh và Quý. Hành vi của hai đối tượng này đã có dấu hiệu tội “Giết người” nên CQĐT Công an huyện Phú Riềng cần thay đổi Quyết định khởi tố bị can Quý theo tội danh này, khởi tố đồng phạm là Lê Thùy Anh và chuyển hồ sơ vụ án đến CQĐT Công an tỉnh Bình Phước để điều tra theo thẩm quyền.
Cần hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với người dưới 18 tuổi
Được biết, thời gian qua, LS Hà cũng đã có văn bản kiến nghị CQĐT Công an huyện Phú Riềng thay thế biện pháp ngăn chặn (từ tạm giam sang bảo lãnh) đối với bị can Nhân và Đức. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ chối.
Đáng nói, tại văn bản trả lời luật sư thì CQĐT Công an huyện Phú Riềng đã công nhận việc Nhân là người dưới 18 tuổi và đang bị giam chung với người trên 18 tuổi tại nhà tạm giữ của Công an huyện Phú Riềng.
Trao đổi với phóng viên, LS Hà cho rằng, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Nhân thì CQĐT cần phải hủy bỏ ngay biện pháp tạm giam đối với Nhân vì khoản 1 Điều 419 Bộ luật tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 quy định rõ “chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả.
Hướng dẫn cụ thể quy định trên, Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định rõ, trước khi quyết định áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, cân nhắc áp dụng biện pháp giám sát, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh…
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 419 BLTTHS trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã được áp dụng biện pháp giám sát, biện pháp ngăn chặn khác quy định tại khoản 1 Điều này (cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh- PV) nhưng bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã, có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có các hành vi khác quy định tại khoản 2 Điều 418 BLTTHS.
Tuy nhiên, trong vụ án này thì trước khi bị tạm giam, Trần Thiện Nhân chưa hề bị áp dụng biện pháp giám sát, hoặc biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc tạm hoãn xuất cảnh ngăn chặn nào.
Hơn nữa, giả sử Nhân đã bị áp dụng một trong các biện pháp thì bị can này cũng không hề có dấu hiệu bỏ trốn, có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này…
Theo đánh giá của một số luật sư thì việc tạm giam trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tinh thần của trẻ vị thành niên. Vì vậy, ngoài việc sớm hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nhân thì cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm đối với điều tra viên, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Riềng cũng như VKSND huyện Phú Riềng (đơn vị phê chuẩn lệnh tạm giam và kiểm sát hoạt động điều tra) theo đúng quy định.
Điều tra viên có đủ điều kiện để được phân công điều tra vụ án?
Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH quy định rõ, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi phải có ít nhất một trong các điều kiện sau đây:
a) Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
b) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;
c) Đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì ngày 18/9/2019 vừa qua, ông
Đỗ Thạch Thịnh mới có Quyết định bổ nhiệm điều tra viên và ngay sau đó đã được phân công tiến hành điều tra vụ án.
Như vậy, liệu ông Thịnh có đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 06 nêu trên?