Sáng 22/5, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.
Trong phần thảo luận ở tổ về báo cáo của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Với quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cộng với sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân, nước ta đã sớm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng khá, đẩy lùi và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Mức tăng trưởng năm 2009 vẫn đạt 5,32%, cao hơn mức trình Quốc hội là 5,2%. Riêng quý 1/2010, tăng trưởng kinh tế ở mức 5,83%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009; tình hình kinh tế -xã hội đã có những chuyển biến tích cực, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.
Hạn chế nhập siêu, giảm bội chi ngân sách
Những con số tăng trưởng vừa nêu đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới hơn một năm qua đã khẳng định sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị trong việc đối mặt với khó khăn thách thức; tạo niềm tin vững chắc với cử tri và nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, các đại biểu vẫn còn băn khoăn về nguy cơ tái lạm phát vẫn tiềm ẩn, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững, nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; đặc biệt công tác quản lý quy hoạch tài nguyên và bảo vệ môi trường có nơi, có thời điểm còn bị buông lỏng.
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (đoàn Quảng Bình) bày tỏ sự đồng tình với Chính phủ trong việc xác định nhiệm vụ hàng đầu là “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng lo ngại về bội chi ngân sách năm 2009 là 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP. Nhập siêu ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu). Mặc dù vẫn trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng về số tuyệt đối vẫn là lớn. Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng cho rằng, Chính phủ cần tìm ra nguyên nhân mức tăng cao này là ở đâu và tìm hướng khắc phục để năm 2010, bội chi ngân sách giảm dần xuống còn 6%. Ngoài ra, Chính phủ nên có các chế tài để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử nước ngoài, ô tô từ nước ngoài….
Chia sẻ về ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (đoàn Tây Ninh), Nguyễn Văn Pha (đoàn Quảng Bình) cho rằng: Mỗi khi tăng giá điện, nước, xăng dầu thì các mặt hàng khác cũng tăng theo. Điều này đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Đời sống của nhân dân thu nhập trung bình hoặc thấp thì vẫn không thể đủ chi tiêu mặc dù Nhà nước có tăng lương. Vì vậy, ngoài giảm bội chi ngân sách và nhập siêu, Quốc hội cần đưa ra các giải pháp để điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn nữa nhằm đảm bảo đời sống của nhân dân.
Giảm nghèo và bảo vệ môi trường sống của nhân dân
Trong báo cáo của Chính phủ gửi trình Quốc hội, có 8 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xã hội và môi trường, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu. Đáng lưu ý nhất là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường chỉ là 50%, thấp hơn năm 2008 (60%). Đây là những chỉ tiêu ảnh hưởng đến phát triển bền vững và chất lượng đời sống xã hội.
Đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắc Nông) cho rằng: Đảm bảo môi trường sống cho nhân dân đang là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý, kiểm soát hoạt động xử lý nước thải tại các công ty, doanh nghiệp nước ngoài còn rất lỏng lẻo. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên và đời sống của nhân dân như vụ công ty Vedan... Đại biểu Bùi Thị Hoà kiến nghị Chính phủ nên có chế tài xử lý nghiêm khắc những công ty, doanh nghiệp gây thất thoát và ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân.
Cùng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (đoàn Tây Ninh), Lương Văn Cừ (đoàn Đắc Nông) cho rằng, Chính phủ cần đưa ra quy định, yêu cầu trách nhiệm của các cơ quan quản lý về môi trường nếu để xảy ra những vụ việc đáng tiếc về môi trường như thời gian vừa qua.
Ngoài ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai cũng nêu ý kiến: Quốc hội cần xem xét, đánh giá một cách thực chất hơn về một số chỉ tiêu xã hội và môi trường như tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, số giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý... Bởi vì, có số liệu báo cáo của các cơ quan nhà nước về cùng 1 chỉ tiêu còn khác nhau, ví dụ chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo Tổng cục Thống kê là 12,3%, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là 11,3%.
Vấn đề xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc khi triển khai các dự án xây dựng thủy điện, tái định cư, cấp giấy chứng nhận đất đai được một số đại biểu thảo luận sôi nổi. Đề cập vấn xóa đói giảm nghèo mà Chính phủ đang thực hiện nhằm giảm và tiến tới xóa bỏ các huyện nghèo trên toàn quốc, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề nghị cần thống nhất các nguồn lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo.
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, trong đó có 3 mục tiêu lớn tác động đến việc giảm nghèo là chương trình quốc gia 2006-2010, chương trình 135 giai đoạn 2, chương trình 30a mà Chính phủ dành cho 32 huyện nghèo. Trong các chương trình này, có nhiều dự án nhưng sự lồng ghép còn khó khăn dẫn đến hiệu quả thấp. Đây là những chương trình rất thiết thực đến đời sống của nhân dân nên đề nghị Chính phủ cần tổ chức tổng kết hay sơ kết các chương trình này, qua đó làm rõ những mặt tích cực cũng như những bất cập chưa thực hiện được để từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục.