[links()] Pháp luật Việt Nam online vừa có loạt bài phê phán một bộ phận nghệ sỹ bất chấp đạo đức và pháp luật để vừa kiếm tiền bẩn vừa nổi danh vì scandal bẩn. Và tư duy đúng là cần phải có một bộ quy tắc ứng xử mang tính đạo đức cho giới showbiz, để vận dụng nó như một thứ luật bất thành văn mà rèn giũa nhân cách nghệ sỹ, nhất là với những người mới vào nghề.
Nghệ sỹ ăn mặc phản cảm có thể bị cấm hành nghề |
Câu chuyện này còn dài, vì không dễ gì để phạm trù đạo đức thấm nhuần trong mỗi người, để chuyển hóa nó thành những hành động không đi ngược lại với những chuẩn mực và giá trị đạo đức trong giới nghệ thuật.
Nhưng vì chưa có chuẩn đạo đức thì phải có những chuẩn pháp lý để buộc các hành vi cấm, nếu vi phạm thì sẽ phải trả giá cho những hành vi phớt luật và phớt đạo. Nghĩa là phải có một hệ thống các chế tài mạnh, nghiêm túc và thường xuyên để nghệ sỹ phải “chờn” mỗi khi có ý định trục lợi cá nhân và đánh bóng tên tuổi bằng những hành vi phản cảm và trái luật.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Thông báo số 1689 TB-BVHTTDL về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Thông báo này nêu rõ Bộ sẽ giao Cục Nghệ thuật biểu diễn thảo công văn đề nghị các đài truyền hình, phát thanh không phát sóng các chương trình nghệ thuật nội dung sai với giấy phép, có “hát nhép”, “nhạc nhái”, trang phục nghệ sĩ không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Một thông tin đáng chú ý là sẽ sửa đổi Nghị định 75 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Đã xuất hiện tư duy đúng là sẽ tước giấy phép công diễn và cấm biểu diễn từ 6 tháng tới 2 năm đối với các nghệ sĩ tự tiện thay đổi nội dung tiết mục và mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, lợi dụng giao lưu với khán giả để phát ngôn thô tục, sử dụng băng đĩa nhạc để hát nhép. Không chỉ vậy, các hành vi như gây scandal để nổi danh, lợi dụng “mác” nghệ sỹ để làm ăn bất chính, cạnh việc xử lý hình sự nếu cấu thành tội phạm thì việc “treo” và “tước” quyền biểu diễn là một điều hoàn toàn phải làm để showbiz không...loạn.
Và câu chuyện là đã ban hành văn bản, đã có chế tài thì phải làm mạnh, làm quyết liệt để mọi hành vi cấm bị vi phạm đều phải được xử lý. Đáng sợ nhất vẫn là tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “dơ cao đánh khẽ” để rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực văn hóa thông tin thành “bắt cóc bỏ đĩa” và hòa cả làng khiến cho luật pháp trong lĩnh vực này không “bắt nạt” được ai!!!
Bảo Minh