Về danh sách 69 người được cấp đất, được hỏi thực tế hiện giờ có bao nhiêu người sử dụng canh tác tại khu C, ông Huỳnh Văn Sàng (sinh năm 1950, ngụ tại ấp 4, xã Thạnh Lợi - tham gia cách mạng năm 1965, được tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì) trả lời vanh vách: “Chỉ có 7 hộ đang sản xuất tại đây”. Còn các hộ nông dân khác thì hiện giờ trên 200 hộ, họ chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mấy tháng nay nếu như có tiền nộp cho Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bến Lức (mỗi ha gần 30 triệu đồng).
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Sàng đem phiếu thu tiền có đóng dấu treo của BCH Hội Cựu chiến binh huyện Bến Lức cho xem.
Ngoài phiếu thu với lý do nộp “tiền đào kinh cựu chiến binh” còn có cả biên bản về việc giao nhận tiền thành quả lao động đất khu Dự án 773 từ C2 đến C2 rưỡi. Người nhận tiền là ông Huỳnh Thiện Kính, chức danh “đại diện tập thể cán bộ huyện được cấp đất tại kinh C2 đến C2 rưỡi”. Biên bản có chữ ký xác nhận của Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi là ông Lê Anh Kiệt.
Ông Phạm Văn Minh (SN 1966, CCB xã Thạnh Lợi) bức xúc nói: “Trong danh sách 69 người được cấp đất, có 10 cựu chiến binh ở xã nhưng cuối cùng cũng không có đất canh tác. Còn Ban chấp hành Hội CCB huyện Bến Lức thu tiền của các hộ nông dân ở khu C này thì chẳng biết họ sử dụng ra sao, đồng tiền đó đi về đâu?”.
Ngày 28/12/2007, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức tiếp đại diện các hộ dân có đơn tố cáo các cán bộ huyện, tỉnh chiếm đất của dân tại Dự án 773 và đơn đòi chia đất tại tuyến dân cư Dự án 773.
Theo danh sách tố cáo một số cán bộ chiếm dụng đất Dự án 773 thì có một số cán bộ đã chết, về hưu, chuyển công tác... Theo quy định của pháp luật, huyện sẽ tiếp nhận đơn, giải quyết đối với cán bộ thuộc thẩm quyền của huyện quản lý và đề nghị các hộ dân khẳng định lại nội dung tố cáo là tố cáo ai, con người cụ thể, họ tên, địa chỉ rõ ràng; hành vi vi phạm của họ là gì, cung cấp chứng cứ kèm theo để UBND huyện xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Đối với đơn xin phân chia đất Dự án 773, Ban Tiếp công dân huyện Bến Lức đề nghị các hộ dân trình bày rõ nội dung yêu cầu, kiến nghị; lập lại danh sách cụ thể từng công dân yêu cầu có chữ ký, địa chỉ rõ ràng. Do đơn gửi là đơn tập thể, đề nghị các hộ dân có văn bản cử đại diện làm cơ sở các cơ quan chức năng mời những người đại diện...
Chủ tịch huyện Bến Lức Trần Văn Tươi cũng giải thích thêm, riêng phần 12,8 tỷ đồng của Dự án 773 đã đầu tư 34 công trình xây dựng các kênh, đê và các công trình lớn (kênh cấp 1)...để hình thành các phân khu A, B, C, D trong dự án. Số tiền trên phân bổ phục vụ cho toàn bộ việc đầu tư hạ tầng, kênh mương, bồi đắp, cống thoát nước của dự án; có quyết toán đầy đủ do Sở Tài chính thực hiện. Phần tiền trên không chi cho cá nhân nào, không có vấn đề tham nhũng như phản ánh của các hộ dân. Dự án 773 đã kết thúc năm 2000. Nội dung tố cáo cán bộ chiếm đất của dân, đề nghị các hộ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tiếp công dân huyện, UBND huyện sẽ xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Xin nhắc lại cụm từ trong văn bản thẩm định của Trung ương nhấn mạnh: “Khắc phục mọi biểu hiện bao chiếm buôn bán đất đai trong vùng dự án khiến hộ nghèo không có đất”.
Thực trạng của Dự án 773 đầu tư khai thác sử dụng đất hoang hóa phát triển nông, lâm nghiệp vùng Thạnh Hòa Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thời gian qua xuất hiện rất nhiều biểu hiện tiêu cực đã được cảnh báo. Thiết nghĩ, một cuộc thanh tra toàn diện của tỉnh Long An về dự án này sẽ góp phần nhằm khắc phục những hệ lụy kéo dài suốt nhiều năm qua.