Ai đã đọc tác phẩm Tiếng Việt của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ, đã nghe Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy đều không khỏi xúc động và tự hào trước hai chữ giản dị song rất đỗi thiêng liêng: Tiếng Việt. Thế nhưng, điều đáng buồn là bấy lâu nay, phần lớn dòng nhạc trẻ đang ngày ngày làm những người yêu tiếng Việt phải xấu hổ, xót xa khi chứng kiến sự trong sáng của tiếng Việt trong con mắt của rất nhiều người trẻ đang bị mờ dần.Điều tất yếu của sự phát triển... Ca từ chọn lọc trong các ca khúc trẻ bấy lâu nay đã khó thấy, để tìm được mỹ từ lại càng khó khăn hơn. Đó là một trong những hệ quả tất yếu khi loài người đang sống trong sự bùng nổ thông tin, của công nghệ số, tốc độ số... Cũng vì thế mà vốn từ vựng và cách diễn đạt của người Việt cũng có nhiều thay đổi, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó khi nghe những ca khúc nhạc trẻ, “nhạc hot” đang có mặt trên khắp các web âm nhạc, các diễn đàn, trên điện thoại của giới trẻ, thậm chí là trên xe bus, trong quán cà phê...
Một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay, nhất là những cô cậu học trò đang ở tuổi teen, đa phần sự chọn lựa của họ là những bài hát về tình yêu, nhưng không phải là “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” (Phượng hồng), không phải “Ngày xưa tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ” (Mối tình đầu) nữa, chỉ thấy khắp nơi: “Yêu một người là dại khờ, thà cứ sống như người tham lam. Cứ yêu hai ba người không còn em ta còn người khác” (Yêu một người là dại); “Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người. Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn ba người nữa. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao... Em yêu một lúc bốn người sao?” (Ngã tư tình)... Nhiều người sáng tác nói rằng: Người trẻ hiện nay là thế, yêu thì nói là yêu, “nói thẳng vào sự thật chứ không khoa trương bằng mỹ từ như những ca khúc ngày xưa”. Và họ chứng minh bằng việc đưa vào ca khúc của mình hàng loạt ngôn ngữ đời thường: “Qua bao ngày gian truân, ngày xưa kia, giờ đây mới được em yêu kề bên anh, mà ngu sao làm chi để vụt bay, mất tình sẽ đau...” (Tình yêu trong lo âu); “Ở bên người ấy xin đừng nhớ đến tôi. Ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi. Người ấy và chính tôi trong cuộc tình chúng ta, em phải nhận ra một người thôi” (Người ấy và tôi em phải chọn).Ngụy biện cho sự non kém? Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta có rất nhiều câu răn dạy: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”... Trong khi đó, dường như những gì là tinh hoa, là kinh nghiệm mà cha ông ta đúc rút ngàn đời lại bị dòng nhạc trẻ xem thường, thậm chí là làm ngược lại. Trong đánh giá của dư luận, nhạc vàng vẫn là nhạc “sến”, song cái chất “sến” đó cũng hơn hẳn nhạc trẻ hiện nay, ít nhất ở phương diện ca từ - giản dị chứ không giản đơn, thô mộc chứ không thô lậu. Điều này không thể đổ lỗi cho yếu tố thời đại, cho sự phát triển của xã hội bởi ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy và là công cụ để biểu đạt nó. Khi lời được nhạc sĩ viết ra, được ca sĩ thể hiện “hồn nhiên, vô tư” trên sân khấu, chúng ta cần đặt một dấu hỏi lớn cho vốn ngôn từ, tư duy và quan điểm thẩm mỹ của họ. Nếu là người chịu khó đọc, chắc chắn vốn từ không bao giờ dừng lại ở ngôn ngữ đời thường, nếu là người sáng tác theo đúng nghĩa, không bao giờ họ viết ra những dòng ngô nghê, tối nghĩa một cách dễ dãi như thế. Điều đáng quan tâm nhất ở đây: Dòng nhạc trẻ là sản phẩm của giới trẻ và phục vụ giới trẻ. Những ca từ này khi được phổ biến rộng rãi sẽ ảnh hưởng lớn đến thói quen trong nói năng, giao tiếp của một bộ phận không nhỏ trong xã hội dẫn đến cái nhìn lệch lạc về những giá trị của cuộc sống. Xa hơn nữa, với ca từ nhạc trẻ hiện nay, sự trong sáng của tiếng Việt còn bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ là những câu nói thẳng thừng, bốp chát, thậm chí xỉ vả lẫn nhau trong các bài hát mà còn là sự lai căng, lộn xộn: “Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em/ Thì hôm nay I won’t crying for you/ Thì hôm nay I won’t missing for you/Baby I love you I waiting for you” (Mất em)... Tiếng Việt và sự trong sáng của tiếng Việt đang mờ dần trong một phần không nhỏ những người Việt trẻ. Điều đó phản ánh phần nào sự giảm sút tình yêu tiếng Việt, ý thức, trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; rồi xu hướng lai căng, sính ngoại, thích thể hiện “cá tính”, “đẳng cấp”; sự thiếu hụt tri thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng của một phần giới trẻ. Với nhạc trẻ hiện nay, chúng ta không thể áp dụng những biện pháp như cấm lưu hành, xuất bản nhưng các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát, kiểm duyệt với ít nhất là những bài hát được phát trên truyền hình, được biểu diễn trước công chúng...
Theo Huy Viên
SK&ĐS
SK&ĐS