Sinh ra không được may mắn, “cửa sổ tâm hồn” vĩnh viễn phủ bóng tối, nhưng họ vẫn cố gắng vượt lên mưu sinh bằng những nghề lương thiện. Oái ăm thay, công sức và nhân phẩm của họ đã và đang bị xâm phạm bởi các tệ nạn xã hội. Trong đôi mắt sâu thẳm của họ, lúc nào cũng rớm nước.
Nỗi lòng người khiếm thị
Trung tuần tháng 4, chúng tôi có mặt tại cơ sở massage A.D ở quận 10, TP.HCM. Sau khi thanh toán tiền vé xong, chúng tôi được hướng dẫn lên lầu 2 để nhân viên khiếm thị nam xoa bóp. Qua ánh đèn mờ mờ là những vị khách nam đứng choàng tay nhau và có những cử chỉ âu yếm, còn những người thanh niên đứng một mình thì luôn nở nụ cười chớp mắt đầy tình tứ. Chúng tôi đang phân vân, một thanh niên đon đả tiến lại “hình như gặp cưng ở đâu rồi, cho anh xin lại số liên lạc đi?”. Khi chúng tôi trả lời vài câu xã giao và từ chối…, thì nhân viên massage khiếm thị gọi chúng tôi vào phòng.
Thắc mắc về cử chỉ, hành động của những vị khách, anh nhân viên massage khiếm thị tên N. quê Đồng Nai cười, nói: “Chắc anh mới vào lần đầu, chứ 10 người nam vào đây là có 9 người “đam mê tửu sắc” của đàn ông rồi. Lần sau anh có đến thì mua vé vip cho an toàn. Khổ lắm anh ơi, có hôm mình đang xoa bóp cho khách, thì mấy ổng mở cửa vào sờ, mó nên bị khách đánh đòn. Mình làm cho khách giường bên này, 2, 3 ông ở giường bên cạnh tình tứ với nhau cùng một lúc là chuyện bình thường, thậm chí họ trốn vào nhà vệ sinh để quan hệ tình dục tập thể. Nên ở đây có một công ty dịch vụ phòng ngừa HIV xin đặt một thùng bao cao su và trả cho bà chủ mỗi tháng 300.000 đồng”.
“Vậy khách bình thường hay vào không?", “Khách bình thường ít vào lắm, dường như họ vào mấy chỗ có nhân viên nữ sáng mắt phục vụ, còn mấy ông này mục đích đến đây là để tìm bạn tình. Mấy ổng mua vé massage 50 ngàn thì mình hưởng được 15 ngàn cũng đỡ, nhưng ngược lại vào là mua vé xông hơi 30 ngàn rồi đi khắp các phòng để quấy rối nhân viên và khách”, nhân viên N. kể lại.
Còn anh Đ. quê ở Kiên Giang, cũng là nhân viên massage, trầm ngâm nói: “Mình không thấy đường, có những lúc đang ngủ thì mấy ổng lén vào giở trò, hoảng quá la lên thì mới chịu buông ra. Lúc mình massage thì mấy ổng cũng không để yên đâu, khách bình thường là thích đấm bóp lưng và tay chân cho đỡ mỏi, còn mấy ổng vào là nằm ngửa yêu cầu massage bụng và mở chiến dịch khơi gợi “massage gần” rồi cho tiền bo. Mình giải thích với họ là ở đây chỉ massage cho khỏe chứ không có làm mấy chuyện đó, những trường hợp quá đáng thì mình phải gọi chị chủ lên can thiệp. Chưa hết đâu, có những đêm khuya đang ngủ thì họ gọi điện thoại rủ rê “Đi khách sạn với anh nha, giá bao nhiêu em nói đi?”, mình giải thích thế nào thì họ vẫn quấy rối, cuối cùng phải trả lời đại là “đi thì 2 triệu” thì họ mới chịu buông tha.
Anh Đ. là con út trong nhà có 5 anh em, bị cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh” cướp đi ánh sáng của đôi mắt, mọi suy nghĩ về tương lai sụp đổ, con đường học vấn ước mơ trở thành thầy giáo đã tan vỡ. Được sự an ủi gia đình, bạn bè, anh theo học khóa massage theo phương pháp y học cổ truyền dành cho người khiếm thị để sau này tự lo cho bản thân. "Những ngày mới vào làm gặp những ông khách sàm sỡ như vậy mình sợ lắm, nhiều lúc buồn quá ngồi tâm sự với mẹ, mẹ an ủi và khuyên về quê để sớm hôm gần với gia đình. Mình nghĩ nếu về quê thì biết làm gì. Người mù không đi bán vé số thì chỉ có nghề này là mưu sinh được”, anh Đ. chia sẻ.
Để thỏa mãn nhu cầu của mình, những người có lối sống lệch lạc đã vô tình biến những cơ sở massage của những người khiếm thị trở thành điểm hẹn hò của họ.
Nước mắt tủi nhục
Không chỉ các nhân viên massage khiếm thị nam kêu cứu, mà các nhân viên khiếm thị nữ cũng nấc nghẹn trong nước mắt, để kể lại những ngày tháng mưu sinh khắc nghiệt trong bóng tối của mình. Nhân phẩm của họ đã và đang từng ngày bị chà đạp, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành cắn răng chịu đựng.
“Cuộc sống, công việc của người khiếm thị có lẽ là một bi kịch”, đó là những lời mà cô nhân viên M. quê ở Đồng Nai hiện đang làm ở cơ sở massage T.C ở quận Gò Vấp thốt lên. Khoác trên mình chiếc áo blue trắng trong ngành y cùng với cặp kính đen để che đi đôi mắt phủ đầy bóng tối. Lúc lên 3 tuổi, căn bệnh ban đã cướp đi vĩnh viễn ánh sáng của đôi mắt. Bố mất sớm, M. chỉ còn cảm nhận hình ảnh của mẹ mỗi khi áp tay bà lên mặt và nắm chặt bàn tay chai sạn của bà.
M. nói: “Mắt mù nhưng chân, tay vẫn lành lặn, nên cố gắng làm để tự lo cho bản thân, và gặp những người bạn đồng cảnh ngộ để chia sẻ với nhau về số phận. Làm nghề massage nó cũng cay nghiệt lắm, em không nhớ mình đã khóc hết nước mắt bao nhiêu lần. Ngày trước em làm khu vực Dầu Giây nhưng ít khách quá nên nghỉ, rồi đi bán vé số thì bị giật dọc và bị khách lừa lấy hết vé. Sau đó lên TP.HCM làm lại massage ở cơ sở T.B ở đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp. Làm ở đó cơm thì tự túc, phòng trọ phải thuê bên ngoài, mỗi khi khách nam say xỉn vào là “quấy rối” đòi hỏi.
Hoảng quá em nghỉ rồi xin vào cơ sở massage P.T ở quận 10. Vào đây làm tuy thời gian không bao lâu, nhưng dường nhưđã nếm đủ sự khắc nghiệt trong cuộc đánh vật mưu sinh của người khiếm thị. Làm ở đây cũng phải thuê phòng trọ bên ngoài, 10 ngày được phát lương một lần, nếu nghe điện thoại trong giờ làm thì bị phạt 100 ngàn và giam điện thoại 10 ngày. Điều em sợ nhất là mỗi khi các vị khách có “máu 35” vào massage là đòi hỏi, sàm sỡ. Nhiều lúc tức quá, em khóc và giải thích với họ là mình không đáp ứng được. Họ không những không cảm thông với mà ngược lại đi ra cáu gắt với bà chủ là em làm khách không hài lòng... Thế là bao nhiêu lời trách móc từ chủ cho đến quản lý cứ dội vào mặt. Lúc đó chỉ biết thanh minh bằng những giọt nước mắt, và những câu nói trong tiếng nấc “không phải em làm không tốt, mà do khách đòi hỏi quá đáng, anh, chị không tin thì kiểm tra tay nghề của em đi”.
Anh Q. là người khiếm thị, hiện là thành viên của Hội người mù ở TP.HCM trải lòng: “Qua thông tin của những người bạn và học trò kể lại, thì tôi nhiều lần xâm nhập vào các cơ sở massage ở quận 12, quận Gò Vấp, Củ Chi, quận 11, và một số nữa ở Long Thành, Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, dường như các nhân viên khiếm thị ở đây đã và đang từng ngày bị khách xúc phạm. Vì miếng cơm manh áo đè nặng, người mù muốn kiếm tiền bằng nghề chân chính. Họ không thấy đường, không chạy thoát nổi những cạm bẫy nếu ai đó cố tình. Xin mọi người đừng để những tệ nạn xâm phạm đến họ, hãy đem lại cho họ niềm tin và hi vọng trong cuộc sống”.
Thọ Lang