Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.
Bản dự thảo đề án của Chính phủ cho rằng, pháp luật đã có quy định về tiền điện tử nhưng chua đầy đủ, hiện còn chưa thống nhất dẫn đến việc nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ, bản đề án của Chính phủ đưa ra mục tiêu đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý để "quản" từng đối tượng.
"Các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí", bản dự thảo đề án nêu.
Trên cơ sở này Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017.
Đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ bản đề án của Chính phủ đưa ra mục tiêu đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý để "quản" tiền ảo, tiền điện tử... |
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu lập 3 nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ trong năm 2018. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.
Ngoài việc đưa tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vào khuôn khổ, Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật quản lý với các phát sinh trong bối cảnh mới, trên cơ sở học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản...
Cũng theo dự thảo đề án mà Chính phủ cùng các bộ, ngành đang hoàn thiện, sử dụng tiền ảo mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, khó bị làm giả… nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh; nhưng lại dễ nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu.
Việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến ở nhiều nước và trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, ví dụ như Bitcoin.
Ở Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… Nhưng việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.
Bộ Tư pháp nhận định, dù Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận, nhưng giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu của riêng Bitcoin là hơn 10 tỷ USD, kéo theo đó là những tranh chấp dân sự, thương mại, tội phạm... nên không thể nằm ngoài vùng quản lý, giám sát.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu