Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Xuất bản, trong đó sẽ ban hành danh mục tiêu chí in ấn vàng mã theo hướng không cho phép mô phỏng, sao chụp tiền đồng và ngoại tệ dưới mọi hình thức.
Cục trưởng Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Kiểm nói: “Không có quốc gia nào lấy tiền đang lưu hành làm mẫu in vàng mã như Việt Nam”. Tình trạng này khá phổ biến thời gian qua, khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm cách quản lý tiền của… “người âm”. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội tiêu thụ trên 400 tỷ đồng cho phong tục này. Thượng tọa Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) cho biết, kinh Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố nên ông luôn nhắc nhở phật tử nên hạn chế đốt vàng mã. Trụ trì Chùa Liên Hoa (TP HCM) đã vận động người dân thành lập quỹ không đốt vàng mã, trong giai đoạn 1998 - 2008 thu được hơn 3,3 tỷ đồng và 25 tấn gạo để ủng hộ người nghèo, trẻ em mồ côi…
Theo ông Nguyễn Kiểm, nhiều năm nay, Cục Xuất bản đã cấp phép in gia công lượng lớn vàng mã cho thị trường đảo Đài Loan và Hàn Quốc nhưng chưa hề phát hiện vi phạm nào. Tiền “âm phủ” của họ chỉ in hình Quan Công, thần thánh, với những họa tiết đơn giản. Khi hỏi sao không đặt in nhái một số ngoại tệ thì họ lắc đầu: “Chuyển loại “tiền” đó về nước sẽ bị cảnh sát bắt ngay”.
Tiền vàng mã "nhái tiền thật sẽ bị cấm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng vàng mã giống tiền đồng và một số ngoại tệ như USD, EUR… khá phổ biến. Ông Dương Trung Thông, Phó trưởng Phòng Quản lý in, Cục Xuất bản, xác nhận, mặc dù ghi chú rõ ngân hàng địa phủ trên đồng USD và in trên giấy bản, nhà sản xuất vàng mã ở nhiều địa phương vẫn “hồn nhiên” thiết kế gần như nguyên gốc, trong đó ảnh Tổng thống Mỹ “y chang” tiền thật. Tiền vàng mã nội tệ cũng trong tình trạng tương tự.
Thượng tá Đỗ Đức Quang, Phó trưởng Phòng cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội, cho biết xảy ra vụ trẻ con dùng tiền “polymer âm phủ” mệnh giá cao mua quà rồi vô tư đến mức đứng chờ chủ quán thối lại nên bị phát hiện. Nguy cơ sử dụng tiền vàng mã để lừa đảo hoàn toàn có thật. Ông Kiểm cũng cho biết nhận được phản ứng từ Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về tình trạng sản xuất tiền vàng mã “nhái” đồng USD.
Sao chép, mô phỏng đều vi phạm
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Dương Kỳ Lân nhận xét, Nghị định 105/2007 và Thông tư 04/2008 hướng dẫn của Bộ Thông tin - Truyền thông quy định cơ sở in vàng mã phải đăng ký với Sở Thông tin - Truyền thông, đảm bảo không vi phạm Luật Quảng cáo và các quy định pháp luật khác (xuất bản, ngân hàng, văn hóa, bản quyền). Tuy nhiên, Bộ này chưa hướng dẫn cụ thể về loại vàng mã nào được phép in để tiêu thụ trong nước, loại nào được phép gia công cho nước ngoài, khiến cấp sở lúng túng trong quản lý. Do đó, Nghị định 56/2006 cho phép phạt 1,5 - 3 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hàng mã, song cơ quan chức năng vẫn khó xác định cơ sở sản xuất tiền “âm phủ” giống hoặc gần giống tiền đồng, ngoại tệ có vi phạm không?
Ông Thông phân tích, Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nghiêm cấm sao chụp tiền đồng, song không nêu rõ tiền vàng mã nhái tiền thật có phải là sao chụp không, sao chụp đúng 100% nguyên mẫu hay chỉ một phần? Ông Kiểm cho biết, dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Xuất bản đang được Bộ Thông tin và Truyền thông gấp rút hoàn thành, có thể sẽ giải quyết những vướng mắc này; theo đó, sẽ ban hành danh mục tiêu chí in ấn vàng mã theo hướng không vi phạm các quy định quản lý về xuất bản, quảng cáo, tiền tệ, trái thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, không cho phép tiền âm phủ mô phỏng, sao chụp tiền đồng và ngoại tệ dưới mọi hình thức…
Nguồn : Báo Đất Việt