'Tiệm cơm 1k' của các giám đốc, giảng viên

0:00 / 0:00
0:00
Anh Kiên và nhóm tình nguyện mở "Tiệm cơm 1k" để hỗ trợ gia đình các bệnh nhi ung thư nhưng sau đó quyết định miễn phí vì "dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn".

Gần trưa 4/11, chiếc xe bán tải chở hơn 100 suất cơm dừng ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ hàng người đang đứng chờ, chị Cao Thị Phương cùng vài người chạy ra bê đồ, chuyển đến khu vực bờ hồ đối diện. Bé Ngọc Diệp, con gái chị, giật nhẹ tay áo mẹ, hỏi nhỏ "cơm chú Kiên" hôm nay có món gì.

"Cơm chú Kiên" là cách gọi những suất cơm miễn phí do nhóm anh Trần Trung Kiên phát vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, chuyên để phục vụ các bệnh nhi và người nhà đang điều trị ở khoa ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bạch Mai.

Chị Cao Thị Phương cùng con gái Ngọc Diệp xuống nhận bảy suất cơm miễn phí cho cả phòng vào trưa 4/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Triển khai từ đầu tháng 10, "Tiệm cơm 1k" của anh Kiên phát được chín buổi thì mẹ con chị Phương đã ăn buổi thứ tư. Đưa con gái từ Hải Dương lên Hà Nội điều trị ung thư tụy gần hai tuần nay, người cùng phòng mách có nơi phát cơm thiện nguyện, mỗi suất có đến ba - bốn món mặn, chưa kể canh, bánh, sữa, hoa quả ăn kèm, chị đăng ký nhận.

"Từ ngày vào viện, đây là những bữa cơm ngon nhất tôi và con gái từng ăn", người phụ nữ 30 tuổi nói. Trưa 4/11, chị Phương nhận bảy suất cơm cho cả phòng.

Đứng sau mẹ con chị Phương hai hàng, chị Nguyễn Thị Khuyên, 28 tuổi, chờ tới lượt. "Cho phòng em lấy ba suất", chị Khuyên nói. Từ Nghệ An đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương gần ba tháng qua, hàng ngày chị Khuyên đều mua cơm trong bệnh viện hoặc ăn ngoài. Mỗi suất từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng nhưng ít đồ, hai mẹ con ăn một suất thì đói, mà hai suất lại không đủ tiền.

Anh Trần Trung Kiên (trái) và chị Vũ Mỹ Linh (giữa) cùng các thành viên của nhóm chuẩn bị đồ ăn trước khi đóng hộp, sáng 4/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Anh Trần Trung Kiên, 35 tuổi, trú tại quận Ba Đình. Ba năm trước, con gái bị chẩn đoán ung thư, anh xin xuất ngũ để đồng hành cùng con. Từ đó đến nay anh bắt đầu làm công việc thiện nguyện song hành với công việc kinh doanh tự do.

Thời gian chăm sóc con gái nằm viện, anh hiểu nỗi khổ của các gia đình cùng cảnh ngộ nên ấp ủ ý định mở "Tiệm cơm 1k". Lên ý tưởng từ hai năm trước, nhưng đến tháng 10 năm nay khi tìm được địa điểm nấu lâu dài anh mới bắt tay thực hiện.

Gần 20 tình nguyện viên của tiệm đều là người quen biết trước với anh Kiên qua những lần thiện nguyện xây trường cho trẻ vùng cao, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Anh Kiên giải thích về cái tên của tiệm, ban đầu cả nhóm tính thu tượng trưng mỗi suất cơm 1.000 đồng để người nhận được bỏ tiền mua và ăn trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Nhưng vì dịch bệnh và giãn cách, anh quyết định tặng cơm miễn phí.

Tuy vậy, người đàn ông 35 tuổi và các tình nguyện viên chỉ nhận mình là "ong thợ", giúp các nhà hảo tâm chuẩn bị những suất cơm nóng hổi, đủ chất đến những hoàn cảnh khó khăn. Muốn làm từ thiện đúng nơi, đúng người, anh chủ động liên hệ phụ huynh có con đang điều trị trong viện, nhờ lập danh sách những gia đình có nhu cầu ăn cơm trước một ngày, để chuẩn bị. Mỗi lần nhóm nấu từ 120 đến 160 suất, tùy thuộc vào lượng người đăng ký.

"Dù đang làm nghề gì thì vào tiệm cũng thành đầu bếp, người đóng cơm chuyên nghiệp", anh Kiên tếu táo. Gần 20 tình nguyện viên của quán đều là giám đốc, giảng viên, công chức, kỹ sư... Công việc bận rộn nhưng mọi người luôn sắp xếp đến quán nấu tuần hai buổi.

Nhiều người biết đến tiệm cơm của anh Kiên đã liên hệ đặt vài suất ăn thử nhưng trả từ 500.000 đồng cho đến vài triệu. Có người ủng hộ tiền, người lại gửi rau, xúc xích, thịt cá đến trước một ngày để nhóm sơ chế.

"Nói là hai buổi nhưng thực ra là bốn", anh Mầu Quang Minh, 44 tuổi, nhà ở quận Đống Đa, giảng viên khoa Tài chính Kế toán của một trường đại học, nói. Anh có lịch dạy từ thứ hai đến thứ bảy, riêng thứ năm anh nhờ đổi ca hoặc không nhận lịch dạy để đến làm việc ở quán cơm.

"Nay chốt 102 suất đến bệnh viện Nhi", anh Kiên hô lớn. Cả nhóm bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng, cố gắng 10h30 đóng hộp để gửi đến các bệnh viện.

Sau ba tiếng xào nấu, chị Vũ Mỹ Linh, 33 tuổi, ở quận Thanh Xuân bắt đầu chia thức ăn đóng hộp. Chị là nhân viên của công ty thoát nước Hà Nội, không thể nghỉ giữa tuần nên thường ghé tiệm cơm vào chủ nhật. Theo chị, suất cơm 0 đồng nhưng giá trị thực phải 40.000 - 50.000 đồng. Mỗi lần đóng hộp, các thành viên luôn cố làm đầy đặn để bố mẹ và các con có thể ăn chung.

"Nhưng chế biến không khó bằng việc lên thực đơn", anh Kiên nói. Từng đưa con gái đi điều trị ung thư, anh luôn chú trọng nấu các món ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Mỗi khi nấu món mới, anh đều đăng lên nhóm hỏi ý kiến của các bố mẹ xem có phù hợp, bởi mỗi bệnh lại có cách điều trị và chế độ ăn khác nhau.

Một suất cơm gồm bốn món chính, canh, sữa và hoa quả được chuẩn bị cho các bệnh nhi vào trưa 4/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Đến 11h30, hơn trăm suất cơm phát gần hết, dư sáu phần mang thêm, anh cùng hai tình nguyện viên tiếp tục chờ. Thấy người đàn ông chừng 40 tuổi dắt con trai tiến đến, anh Kiên vội hỏi: "Hai bố con ăn chưa, anh nhận cơm canh nhé". Người bố bước đến, nhận suất cơm muộn, miệng không ngừng nói cảm ơn.

Thấy cơm ngon, nhiều gia đình ngỏ ý muốn nhóm mở thêm ngày nấu, nhưng các thành viên đều có công việc riêng. Anh Kiên hy vọng sẽ duy trì hoạt động phát cơm trong nhiều năm, mong trao gửi được yêu thương đến nhiều người.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.