Tại Điều 21 dự thảo, Bộ GTVT đề xuất, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây: Không hướng dẫn hành khách sử dụng các thiết bị chữa cháy, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm và thoát hiểm; Không thực hiện biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, thu gom, lưu trữ và chuyển chất thải đến nơi tiếp nhận để xử lý theo quy định; Thuyền trưởng không trực tiếp bàn giao nhiệm vụ cho thuyền phó hoặc người được ủy quyền khi rời phương tiện;….
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm giao người không đủ điều kiện về sức khỏe, tuổi, không có chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định thay mình điều khiển hoặc lái phương tiện; Thuyền trưởng không trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa và các trường hợp khác theo quy định; Thuyền viên không phải là thuyền trưởng mà trực tiếp điều khiển phương tiện khi qua cầu, âu tàu, ra, vào cảng, bến thủy nội địa hoặc trong các trường hợp khác theo quy định thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện;…
Đáng chú ý, về mức xử phạt đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang trong ca trực mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng, Bộ GTVT đề xuất, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/01 lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi của thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.
Bên cạnh đó, tại Điều 22 của Dự thảo, Bộ GTVT cũng đề xuất quy định về sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện.
Trong đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với thuyền viên, người lái phương tiện không mang theo chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ chuyên môn không phù hợp với loại phương tiện theo quy định hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ chuyên môn.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền viên không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn quá thời hạn theo quy định hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng tư;
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với thuyền viên theo quy định phải có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng hạng ba, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng hạng ba;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn, tẩy xóa, sửa chữa giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hoặc kê khai không đúng sự thật để được cấp, cấp lại, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hoặc sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng giả.
Về hình thức xử phạt bổ sung, Bộ GTVT đề xuất, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi cho thuê, cho mượn chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này;
Ngoài ra, tịch thu giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng chứng chỉ chuyên môn đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hoặc kê khai không đúng sự thật để được cấp, đổi chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng hoặc sử dụng chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng giả theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.