Suốt cuộc đời này, chàng ngư dân Vũ Văn Hưng (46 tuổi, dân vạn chài trên sông Đào đoạn chạy qua xã Thụy Cơ, huyện Nam Trực; nay thuộc phường Ngô Quyền, thành phố Nam Định) thầm cảm ơn buổi sáng một ngày mùa thu năm 1991. Khoảnh khắc bắt gặp con cá sủ vàng khổng lồ nặng đến nửa tạ dưới đáy sông này đã giúp anh từ một ngư dân nghèo kiết xác thành tỷ phú.
Đổi đời nhờ giây phút may mắn
Con sông Đào là phân nhánh của sông Hồng, bắt đầu từ huyện Mỹ Lộc, chảy qua huyện Vụ Bản, huyện Nam Trực, hòa vào dòng sông Đáy rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Sáng một ngày đầu tháng 9/1991, như mọi ngày Hưng trở dậy từ lúc mờ sáng, chuẩn bị đồ nghề để trên chiếc thuyền câu rồi chèo thuyền ra khu vực giăng câu buổi tối hôm trước để kéo lưới, thu câu cho buổi chợ sáng.
Cũng giống như mọi lần, Hưng chèo thuyền đến khu vực thả câu giăng nhưng căng mắt tìm mãi mà không thấy những đường phao trắng nổi theo địa vực mình đã thả câu. Tiếp tục chèo thuyền xuôi dòng tìm kiếm, mãi sau anh mới thấy một đụn phao trắng đang lập lờ trôi theo dòng nước. Thận trọng kéo từng nút phao, chàng ngư dân thấy chiếc dây câu giăng bỗng căng như sợi dây đàn, nặng một cách bất thường. Chiếc thuyền câu bị kéo đi vun vút, chòng chành như muốn lật úp trong làn sương mù dày đặc.
Kinh nghiệm và linh tính mách bảo anh biết dây câu đã mắc được một loại cá rất lớn. Thả dây mặc cho “thủy quái” kéo đi, rồi sau hai tiếng vật lộn chiếc thuyền câu của anh thoáng cái đã tới khu bãi Bãi Hạ (thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực), cách xa khu vực ban đầu đến cả vài cây số. Lúc này con cá đã thấm mệt, nổi chiếc lưng như cánh cửa sổ, màu ánh bạc hiện dần trong làn nước xanh biếc.
Từ kinh nghiệm của những người dân vạn chài, anh biết đó là loại cá sủ vàng mà bất kỳ một ngư dân nào cũng khát khao một lần trong đời bắt được. Không chỉ thuộc loại cá quý, dân gian còn quan niệm ai bắt được loại cá này còn sẽ được may mắn cả đời. “Lúc đó sướng suýt ngất nhưng phải cố mà trấn tĩnh”, ngư dân này nhớ lại.
Sau khi “thủy quái” đã mệt, anh ngư dân cẩn thận thả tiếp những chùm lưỡi câu vây quanh con cá rồi nhẹ nhàng chèo thuyền ngược dòng về khu vực thành phố Nam Định. Khi chiếc thuyền vừa cập bến, anh gọi người cha ra xem có phải thực sự là cá sủ vàng hay không. Nhiều năm nghề sông nước, người cha biết người con trai mình đã bắt được loại cá quý hiếm.
“Đổi đời rồi con ơi”, ông lão reo khe khẽ. Thông tin chẳng mấy chốc đã làm xôn xao cả bến sông. Tấp nập lái buôn đến đòi mua, người sau trả giá cao hơn người trước nên cả nhà Hưng phát hoảng không dám bán vì sợ “bán hớ”.
Chỉ đến khi một chủ tiệm vàng trong thành phố vác cả túi vàng đến, con cá mới được trao tay. Đến bây giờ cũng không ai rõ sự thực con cá đã được bán với giá bao nhiêu tiền, hỏi Hưng thì anh cũng chỉ cười cười: “Ngày đó số vàng ấy ngang một gia tài”.
Lạ lùng loài cá biết “tự sát”
Ngư dân may mắn này cho biết, loài cá sủ vàng mang trong mình những sự kỳ lạ riêng mà không loài cá nào có. Cá này theo dân gian gọi là cá Bọt, cá vược hay cá sủ vàng; sinh sống chính ở biển nhưng cũng có thể sống ở cả vùng nước ngọt, mặn, lợ.
“Thông thường cá nước ngọt chẳng may lạc vào vùng nước lợ hay nước mặn sẽ nổ mắt mà chết, hoặc ngược lại; nhưng không hiểu sao loài cá này không hề hấn gì”, Hưng nói. Chúng cũng chỉ xuất hiện theo mùa trong năm, thường từ tháng 2 - 3 và tháng 9 – 10 âm lịch. Có lẽ trong mùa này, rươi và cá mòi thường bám ở các cửa sông là nguồn thức ăn ưa thích của chúng; do ham kiếm mồi mà chúng ngược theo dòng sông vào kiếm ăn.
Thế nhưng muốn bắt được loại cá sủ vàng này là chuyện không hề đơn giản vì loại cá này rất hiếm gặp, chúng đi ăn không theo một quy luật nào và “khôn ngoan”. Trước hết, người thả câu phải biết được nơi cá thường sinh sống là những nơi vụng nước tương đối yên tĩnh. Đồ nghề bắt cá cũng phải thuộc loại “đặc chủng”, là loại dây cước to bền từ 1 - 2 mm; cũng thể dùng lưỡi câu chùm sâu 4 – 5m, chiều dài từ 400 – 500m, phía trên là hệ thống phao.
Ngoài ra, ngư dân có thể giăng câu bằng cách dùng con tôm còn sống, khéo léo mắc lưỡi câu từ phẩn đuôi con tôm thả xuống “đánh lừa” loài cá này tưởng con mồi còn vận động (kiểu câu này như mắc lưỡi câu vào lưng con cá cờ cắm cần câu cá quả) mà đớp mồi.
Khi cá đã mắc lưới thì ngư dân vẫn chưa hết mệt mà còn phải có mẹo. Đó là thả hết dây, chờ cho đến khi cá mệt mới tiếp tục dùng những chùm lưỡi có buộc loại dây dù bủa vây xung quanh mắc chặt lấy con cá và nhẹ nhàng kéo về. “Vì loài cá này ở dưới nước rất khỏe, nếu không để nó mệt sẽ rất khó bắt.
Trong quá trình này cũng phải hết sức cẩn thận bởi nếu tác động mạnh, nó sẽ “ức” mà đưa bóng lên mồm tự chết như như hành động tự sát. Khi đó bóng cá sẽ không còn giá trị gì nữa và con cá quý lúc đó chỉ bán ngang với giá cá vụn”, Hưng giải thích. Có những kinh nghiệm này vì trước đó anh từng có lần bắt được một con cá khoảng 15 kg, nhưng do chưa có kinh nghiệm mà để cá bị chết. Bóng cá khi cá còn sống là thứ quý giá nhất đã mất, thế nên mang con cá chết đi bán chưa đổi được vài cân thịt lợn.
Thông tin chàng ngư dân may mắn đổi đời nhờ cá sủ vàng khiến cả làng chài “sốt xình xịch”, người ta hò nhau ra lặn lội bờ sông mong một lần “thần may mắn” tìm đến, thế nhưng cả năm ấy người ta sục sạo mà cũng chỉ bắt được một vài con cá sủ vàng nặng khoảng vài cân. Con cá sủ vàng mà Hưng bắt được vẫn giữ “kỷ lục”: Nặng hơn nửa tạ, riêng khối lượng bóng của nó đã nặng đến 2,8 kg.
Có được số tiền lớn mà cả cuộc đời, thậm chí cả vài đời làm ngư dân cũng không kiếm được, Hưng bất ngờ tuyên bố bỏ nghề. Số tiền may mắn có được từ việc bán cá, anh biếu bố mẹ và người thân mỗi người một ít, số còn lại anh làm vốn kinh doanh. Cùng thời điểm ấy, kinh tế phát triển nhu cầu, về vật liệu xây dựng ngày càng lớn, anh thuê đất bãi làm nơi kinh doanh vật liệu xây dựng rồi cung cấp đi khắp thành phố.
Chẳng hiểu có phải vì con cá “khủng” mang đến may mắn hay không mà gã ngư dân nghèo kiết xác ngày nào nay “phất như diều gặp gió”, đến nay anh đã có một cơ ngơi khang trang giữa thành phố Nam Định cùng với đội tàu thủy chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng đi khắp nơi. Kể về lần bắt được con cá sủ vàng năm nào, đôi mắt Hưng vẫn ánh lên niềm sung sướng.
Những khi rảnh rỗi, Hưng vẫn thường lang thang dọc theo đê tả sông Đào đến khu Bãi Hạ ngày xưa, gặp những đồng nghiệp cũ vẫn đang sinh sống bằng nghề giăng câu thả lưới. Đã lâu lắm rồi không còn ai bắt được cá sủ vàng nào nữa. Nguyên nhân chính có thể là cá đã bị vây bắt ngay từ ngoài biển nên không còn lạc vào các con sông trong nội địa, cũng có thể do nhiều thuyền bè đi lại, cùng với việc một số ngư dân dùng kích điện đánh cá tôm nên nguồn thức ăn cho loài cá này cạn kiệt dần. Lâu lắm rồi không thấy ai may mắn như Hưng ngày xưa.
Cá Sủ kép vây vàng hay còn có nhiều tên khác như cá Đường (miền Nam), cá Thủ vây vàng, cá Sủ Giấy... có tên khoa học là "Otolithoides biauritus", thuộc họ cá Vược, là loài cá đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường thế giới. Bong bóng loài cá này được dùng làm chỉ khâu vi phẫu thuật nên giá đắt như vàng. Phân bố của loại cá sủ vàng này trên thế giới chỉ có ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc. |
Doãn Kiên