Thụy Mười - nữ hoàng vai phụ

Nữ diễn viên Thụy Mười.
Nữ diễn viên Thụy Mười.
(PLO) - Trải qua hàng trăm vai phụ, gặp không ít sự bạc bẽo của nghề diễn, thậm chí đã từng suýt chết vì bệnh tim nhưng chưa khi nào ngọn lửa nghệ thuật trong diễn viên Thụy Mười bị dập tắt

Gặp Thụy Mười ngoài đời trông chị tươi trẻ và năng động khác hẳn với những vai diễn dữ dằn, đanh đá mà chị vẫn thường đảm nhận trên màn ảnh. Không sở hữu cho mình vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” nhưng ở Thụy Mười có cái “duyên” mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được.

Ngồi với chị một buổi chiều mưa Sài Gòn, mới thấy được rằng, người phụ nữ dù có bản lĩnh, mạnh mẽ đến mấy thì khi gặp phải chuyện tình cảm không như ý, họ đều yếu đuối như nhau. Lần đầu thấy chị mở lòng về “đàn ông” nhưng sao nghe câu chuyện của chị chua chát, đắng cay hơn là hạnh phúc, mãn nguyện. Với Thụy Mười, bây giờ tìm được người đàn ông đúng nghĩa, yêu người phụ nữ bằng cả trái tim nó... khó lắm.

“Nữ hoàng vai phụ”

Quê nhà ở Long An, xuất phát điểm của Thụy Mười không mấy thuận lợi khi gia đình khá khó khăn. Bố mẹ chị đều làm nghề nông nên cuộc sống “bữa no, bữa đói” là chuyện bình thường như “cơm bữa”. Trong kí ức tuổi thơ của chị là những ngày tháng làm lụng vất vả của cha mẹ để mưu sinh cho đàn con thơ bé.

Mười kể, cuộc sống gia đình khó khăn nhưng không “dập tắt” được đam mê cải lương của cô bé “nhà quê”. Năm ấy, Nhà văn hóa ở quê chị mở lớp kịch, chị thấy vui nên vào học chơi thôi, ai ngờ lại được đạo diễn lớp Sân khấu II “ngắm” thấy chị có năng khiếu nên mời chị đóng một vai trong vở kịch “Vụ án trộm trứng gà”.

Sau lần đó, chị cũng một nhóm bạn ở quên trốn gia đình lên Sài Gòn thi vào trường Sân khấu Điện ảnh. Đợt ấy, chị cùng 2 người bạn nữa thi đậu. Học xong 4 năm đại học, chị thất nghiệp hơn 3 năm. Nhiều bạn bè của chị bỏ nghệ thuật làm nghề khác để kiếm sống, riêng chị vẫn cố gắng bám trụ.

Những năm đầu mới ra trường, Thụy Mười làm đủ thứ nghề: từ thông tin lưu động, đi hát ở quán nghệ sĩ rồi đi múa ở các tụ điểm sân khấu... Mười tâm sự: “Bước ra làm nghề, không người thân thích, chẳng ai đỡ đầu, tôi phải tự mày mò từng bước đi. Với tôi ngày đó, chỉ cần được hoạt động nghệ thuật có đồng lương chân chính thì vất vả đến mấy tôi cũng cố được”.

Mười kể, thời gian bắt đầu chuyên tâm đi diễn hài chính thức, bản thân chị giống như một con thằn lằn bước đi, chậm rãi và sợ bị ngã. “Dù đã hoạt động nghệ thuật vài năm nhưng chỉ là ở những sân khấu nhỏ lẻ, đến khi được chính thức đi làm nghề, tôi run lắm, cảm giác giống như một người mới ra trường, tôi bị “khớp” sân khấu, không diễn theo kịp các “đàn anh, đàn chị”…”.

Nhưng nhờ bản lĩnh và sự quyết tâm không để mình bị kém cỏi, Thụy Mười đã học hỏi mọi người từng ngày, từng ngày một. Chị bảo, mỗi ngày chị “học lỏm” người này “mánh khóe” này, người kia “mánh khóe” khác, cộng thêm vốn sống ngoài xã hội, chỉ một thời gian ngắn, chị đã theo kịp mọi người trong đoàn. Mười đùa vui, nếu mọi người diễn được 10 thì mình cũng phải cố gắng diễn được 4, 5.

Thời gian đầu, Thụy Mười bén duyên với hài. Nhiều người nói, chị tố chất diễn hài, nhưng chị lắc đầu nói không tin, mặt mũi vậy sao mà diễn hài được. Thế nhưng, đến lúc này, chị thú nhận, chị cảm ơn đã đem chị đến với hài, vì ở nơi đó chị được là chính mình.

Đến khi làng hài suy yếu, Thụy Mười cũng như bao người khác, tất bật đóng phim, làm đủ công việc để sống và chờ cơ hội. Cũng may mắn, bây giờ các  game show hài “mọc lên như nấm”, nhờ đó mà chị và các đồng nghiệp cũng có nhiều cơ hội hơn.

Nói thế không có nghĩa là hài nào chị cũng nhận. Mười nói, những năm tháng trước, không biết bao nhiêu lần chị phải thay đổi nhóm hài vì không chấp nhận được kiểu hài dung tục nhan nhản ở các tụ điểm. Chị thà vay mượn tiền bạn bè để sống chứ không chấp nhận đi diễn chỉ để cho có. 

Nữ diễn viên Thụy Mười.
Nữ diễn viên Thụy Mười.

Thừa nhận, bản thân chị may mắn khi được Tổ nghề thương, đến tận bây giờ chị vẫn còn được đứng trên sân khấu, chứ những bạn bè cùng lớp với chị ngày xưa, họ bỏ nghề gần hết.

“Tôi không buồn hay than trách cuộc đời. Tôi thấy vui và sẽ nắm bắt cơ hội đến với mình. Rõ ràng, khán giả vẫn biết đến Thụy Mười với giọng nói oang oang, dáng dấp đàn ông, đó là đặc sản của tôi. Tôi sẽ làm giàu vai diễn bằng kinh nghiệm sống và tiếp cận người xem nhiều hơn thông qua các chương trình hài kịch và phim truyền hình”.

Sống trong nghề gần 20 năm, đến nay, Thụy Mười cũng đã “sở hữu” cho mình một gia tài khá đồ sộ hàng trăm vai diễn khác nhau từ sân khấu đến màn ảnh. Chị tham gia tích cực trên sàn diễn cũng như góp mặt trong nhiều phim truyền hình. Lúc thì thấy chị dữ dằn, đanh đá, khi thì ồn ào nhưng dễ thương  trong những tiết mục tấu hài vui vẻ mà chị diễn khắp các tụ điểm sân khấu hay quay kịch cho đài truyền hình. Chính nhờ thế mà Thụy Mười được khán giả và bạn bè yêu mến gọi là “nữ hoàng vai phụ”. 

Hỏi khi bị mọi người gọi như vậy, chị có buồn không, Thụy Mười đáp: “Nổi tiếng phải chờ duyên mà điều đó khó nói trước lắm. Vai chính hay vai phụ đôi khi không quan trọng bằng việc mình thể hiện vai diễn đó có tốt hay không. Bản thân tôi luôn quan niệm, có vai phụ mới có vai chính. Vai phụ dù chỉ vài phân đoạn nhưng gây được ấn tượng đôi khi còn được chú ý hơn cả vai chính. Với tôi, không quan trọng là có vụt sáng hay không mà quan trọng là trong lòng khán giả có mình là hạnh phúc rồi”. 

Thụy Mười nói, chị cảm thấy vui vì được khán giả yêu thương vì với chị được làm nghề đã là một niềm vui.  Bản thân chị luôn “biết mình biết ta” và ý thức được niềm đam mê làm nghề mạnh mẽ, thế nhưng đôi lúc sức khỏe không cho phép nên chị cũng mất đi nhiều cơ hội với nghề.

Đơn cử như năm 2011, Thụy Mười suy sụp khi phát hiện mình bị bệnh tim nhưng lịch diễn kín mít khiến chị không bỏ được và “thường xuyên phải truyền nước cầm cự tiếp tục bước lên sân khấu”.

Nhớ đến khoảng thời gian đó, Thụy Mười chia sẻ: “Cứ diễn xong là tôi sốt liên tục cả tuần không khỏi, bước lên vài bậc cầu thang cũng thấy khó thở, mệt mỏi, da dẻ thì tím tái. Tôi quyết định đến phòng khám, lúc bác sĩ tính chi phí cuộc phẫu thuật thay van tim lên đến hai trăm triệu đồng, tôi hoàn toàn bất lực.

Bao nhiêu năm gắn với nghề, tôi không còn lại gì ngoài những vai diễn và hai bàn tay trắng. Tinh thần tôi xuống dần, phần vì kinh tế khó khăn, không có đủ kinh phí để thực hiện ca phẫu thuật, phần hoang mang không biết liệu nếu phẫu thuật thành công thì liệu có theo được nghề nữa hay không. Lúc đó, bản thân tôi sợ phải rời xa sân khấu vì mình chưa kịp làm được gì, bỏ lúc này thì sớm quá”.

Trong những ngày tháng khó khăn và bế tắc nhất, chị may mắn nhận được sự giúp đỡ lớn từ các anh, chị em đồng nghiệp, đặc biệt là danh hài Hoài Linh. “Anh nói bằng mọi cách sẽ cứu sống tôi. Rồi anh vận động mọi người tổ chức đêm nhạc, quyên góp được 250 triệu đồng cho tôi. Anh bảo tôi giữ vững tinh thần, quan trọng phải lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Anh nói tôi cứ yên tâm phẫu thuật, nếu thiếu tiền cứ gọi điện để anh lo. Với anh, tôi có ơn nghĩa rất lớn. Anh là vậy, tốt với bất kỳ ai mà không đòi hỏi phải đáp lại...”, nữ diễn viên tâm sự.

Thụy Mười bảo, chị sống được đến ngày hôm nay và tiếp tục làm nghề cũng nhờ có Hoài Linh và các anh, chị em đồng nghiệp cũng như các khán giả đã luôn ở bên cạnh động viên, giúp đỡ mọi mặt. 

“Đàn ông đúng nghĩa bây giờ khó kiếm lắm”

Tình hình sức khỏe tiến triển khả quan nên một năm sau khi phẫu thuật khán giả đã thấy Thụy Mười tái xuất trên phim trường trong bộ phim “Giọt lệ bên sông”.

Mười kể, đây là vai diễn phản diện đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của chị nhưng do chị chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên diễn chưa được “đã” lắm. Trong phim, chị vào vai một trùm xã hội đồng tính ở trong tù. Có đoạn, chị chạy vượt ngục, cũng có đoạn chị dùng sức đá chảy máu một bà bầu. Thụy Mười nói, vì chị diễn “hăng” nên khi đạo diễn hô “Cắt” là chị khiến cả đoàn phim “hết hồn hết vía” vì mặt mũi chị xanh lè, và cảm thấy khó thở.

Cũng từ lần đó, chị dặn bản thân không được làm việc quá sức cũng như không được xúc động mạnh, vì như thế dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi sau cơn bạo bệnh, với chị bây giờ là điều quan trọng nhất.

Vậy nên, khi nhận lời tham gia gameshow “Cùng nhau tỏa sáng” cùng với NSƯT Tú Sương và ca sĩ Quốc Đại, chị đắn đo mãi. Chị lo, sức khỏe chị không tốt, nếu diễn không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến đồng đôi, còn diễn quá sức thì khiến tim rất mệt, nhưng vì đam mê quá nên chị phải cố. Những cố gắng cuối cùng cũng đem lại Giải Nhất chung cuộc cho chị và 2 người đồng nghiệp. Với chị, giải thưởng là sự ghi nhận của khán giả và ban tổ chức đối với người nghệ sĩ.

Thụy Mười và ca sĩ Quốc Đại trong một đêm thi của gameshow “Cùng nhau tỏa sáng”.
Thụy Mười và ca sĩ Quốc Đại trong một đêm thi của gameshow “Cùng nhau tỏa sáng”.

Sau cuộc thi, lời mời đi hát cũng như đi diễn với chị nhiều hơn nhưng Thụy Mười không tham lam đóng phim theo kiểu phim nào cũng đóng, đóng vì đạo diễn đó nổi tiếng hay đóng phim để kiếm tiền... bản thân chị dù chỉ là những vai phụ, “chạy qua màn ảnh” thôi chị cũng đều có sự chọn lọc. Chị chẳng ngại ngần từ chối nếu vai diễn, nhân vật đó không phù hợp với bản thân chị, hoặc khi chị không yêu thích nó...

“Tôi không đặt ra cho mình môt quy tắc nào về một vai diễn mà với tôi, điều quan trọng là nhân vật ấy có tạo cho mình sự hứng thú hay không. Đặc biệt, tôi phải cảm thấy nó phù hợp với chất riêng của mình và có đất để bộc lộ tính cách nhân vật, sau đó tôi mới quyết định nhận lời tham gia hay từ chối. Tôi muốn các vai diễn của mình có chiều sâu hơn để đáp lại tình cảm và sự tin tưởng của mọi người dành cho, và tự thân tôi thấy mình cũng có thể diễn tốt. Nếu cứ nhận hoài những vai thoáng qua màn ảnh, thiếu chiều sâu là tôi tự đào thải chính mình!”

Với những người trong nghề, Thụy Mười là một người chăm chỉ, hết lòng vì bạn bè nhưng điều đó không có nghĩa là chị đánh mất đi cá tính, con người của mình.

Vốn là người kín tiếng trong chuyện tình cảm và gia đình, có hỏi thì cũng tránh né không trả lời hoặc lái sang chuyện khác, nhiều người cho rằng Thụy Mười thật khó tính. Tuy nhiên, trong một buổi chiều Sài Gòn thư thả, lần đầu tiên tôi thấy chị mở lòng về tình yêu, về đàn ông. Nhưng sao nghe câu chuyện của chị chua chát, đắng cay hơn là hạnh phúc, mãn nguyện. 

Không nhắc quá nhiều đến chuyện cũ nhưng thi thoảng tôi thấy Thụy Mười vẫn thở dài nuối tiếc khoảng thời gian đã qua. Bản thân chị, đã trải qua một vài mối tình, đến lúc này, chị thực sự “sợ” tình cảm. Khi quyết định chọn cho mình một cuộc sống tự do, chị cũng đã không ít lần phải rơi nước mắt vì... chuyện tình cảm. 

“Trời sinh ra cho tôi cá tính quá mạnh mẽ về mọi mặt nhưng lại quá yếu đuối trong tình cảm. Tôi đã từng “mắt thấy tai nghe” những người đàn ông mình yêu thương nói ra những câu mà đến giờ nghĩ lại tôi cũng không thể tưởng tượng được tại sao họ lại có thể nói ra những lời cay nghiệt đến vậy. Đàn ông hay đàn bà, rốt cuộc cũng cần có sự bình đẳng, mà sao những gì tôi nghe được khiến tôi thực sự mất lòng tin ở đàn ông. Họ vừa phản bội mình cũng không tôn trọng mình. Đàn ông như vậy đâu có xứng đáng để yêu thương”.

Thụy Mười thẳng thắn, đàn ông bây giờ ít người tin được lắm. Bởi họ đều tham lam và phũ phàng giống nhau. Để tìm được một người đàn ông tốt đúng nghĩa, yêu người phụ nữ bằng cả trái tim nó... khó lắm.

Hỏi Thụy Mười, sao chị không tìm cho mình một chỗ dựa như con cái để nương tựa về già chẳng hạn. Chị thủng thẳng đáp: “Bệnh tình của tôi thế này, có con càng thêm khổ. Tôi tâm niệm, sống sao cho trọn vẹn, để ra đi không nuối tiếc. Tôi yêu trẻ con lắm nhưng có con là điều không thể. Tôi sống một mình nên ra đi sẽ nhẹ nhàng hơn. Xã hội bây giờ vốn phức tạp, người lớn không sao, nhưng con trẻ không có mẹ, tội nghiệp lắm”.

Nói chuyện với chị, đôi lúc tôi nghĩ, phụ nữ sao thiệt thòi quá. Bởi người phụ nữ dù có mạnh mẽ, bản lĩnh đến đâu thì khi gặp phải chuyện tình cảm không như ý cũng chỉ giống như một cành cây bị bão tố quật ngã, cũng dễ dàng rơi nước mắt.

Thụy Mười bảo tôi, suy cho cùng, chị cũng chỉ là phụ nữ, mà người phụ nữ không gặp may mắn trên đường tình cảm, thì sự tủi thân, nỗi cô đơn càng lớn và day dứt bấy nhiêu.

Chị nói, cuộc sống của mỗi người, ai rồi cũng sẽ phải trải qua những tháng ngày thăng trầm. Mỗi người một hoàn cảnh, một tư duy khác nhau. Thế nên cách xử lý của mỗi người trong một hoàn cảnh giống nhau sẽ khác nhau. Thụy Mười tự nhận, bản thân chị thuộc tuýp người không ủy mị. Trong mọi chuyện chị luôn quyết liệt đến cùng, dám nghĩ dám làm, dám vượt qua. 

Với nữ diễn viên này thì cách giải quyết xì-trét hiệu quả nhất là ngồi cà-phê suy ngẫm một mình hoặc đi du lịch để giải phóng những u uất trong tâm hồn. Cũng có đôi khi, chị tới chùa, không phải ngày rằm hay mùng một chỉ để lòng mình được thanh thản, được tĩnh tâm. 

Với Thụy Mười, hạnh phúc có được hay không là do chính bản thân mình. Chị không quan trọng đó là tình yêu gì, cũng không cần phải theo quy luật chung. Bản thân chị có thể bất chấp tất cả, bất chấp dư luận, bất chấp xã hội, miễn sao mình được hạnh phúc là đủ rồi. “Tôi vốn là một người tin vào duyên phận. Thế nên hạnh phúc đến chắc chắn tôi sẽ đón nhận, không quan trọng đó là tình yêu gì. Bởi cuộc sống này có được là bao, cứ sống vui cho mình, cho ngày hôm nay là đủ rồi”.

Những khó khăn, gian truân, Thụy Mười gần như đã trải qua tất thảy. Bệnh tật không quật ngã được chị thì cũng không có “miệng lưỡi” thế gian nào có thể làm chị qụy xuống được. Trên đời này, ai cũng xứng đáng được hưởng hạnh phúc và Thụy Mười cũng vậy, chị xứng đáng có được cho mình một hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc ấy sẽ đến với một chị sớm thôi! Tôi tin như vậy!

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi nhảy Dalat Best Dance Crew 2024 hứa hẹn sôi động, hấp dẫn.

'Đại tiệc' âm nhạc xuyên suốt dịp lễ 30/4-1/5 tại Đà Lạt

(PLVN) - Ngoài 2 chương trình lễ hội âm nhạc chính diễn ra từ 27 đến 30/4, tại các khu du lịch, phòng trà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có các chương trình ca hát để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm nay.

Đọc thêm

200 nghìn bông hoa bách hợp khoe sắc tại Khu vườn âm nhạc

Tuần lễ hoa bách hợp gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội (ảnh Duy Tiến)
(PLVN) -  “Tuần lễ hoa bách hợp 2024” với chủ đề “Khu vườn âm nhạc - tinh khôi bách hợp tháng 4” diễn ra từ 19 - 28/4 tại bán đảo Skyline (Hà Nội) mong muốn gìn giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật về một loài hoa đặc trưng của người Hà Nội cùng nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc...

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM

Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM
(PLVN) - Sáng 19/4, Lễ Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 - năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức đã chính thức diễn ra. Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện với vai trò Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024-2025.

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội

“Thần tượng Bolero” Tô Ngọc Hà chìm đắm sắc màu Hà Nội (ảnh V.H)
(PLVN) -  Từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, là học trò của nữ ca sĩ Anh Thơ, Tô Ngọc Hà lại chọn theo dòng nhạc Bolero, trữ tình, lãng mạn…Với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào nữ ca sĩ thể hiện tình yêu Hà Nội qua những sắc màu thời gian.

Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Qua 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm tham gia 02 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. (Ảnh: Bảo Châu)
(PLVN) - Sáng ngày 17/4/2024, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức Trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024).

Các nghệ sĩ, tiktoker tránh phạm luật khi quảng cáo

Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đã quảng cáo cho FXT Token, một loại tiền hoạt động dưới hình thức đa cấp tại Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn).
(PLVN) - Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, người nổi tiếng, tiktoker giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, không đúng công dụng, các ngành chức năng đã tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ vi phạm.

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.