“Nghệ sĩ chân đất”
“Tôi từ quê đi lên, sự chân chất hay gọi là quê mùa cũng được. Tôi thích nhìn vào cuộc sống, có sao nói vậy nhưng bằng ngôn ngữ tình thương chứ không phải ngôn ngữ thô thiển. Tôi thích cái danh xưng “nghệ sĩ chân đất” mà mọi người đặt cho tôi vì ngày nào họ cũng nhắc tới tôi, ngồi đâu họ cũng nói tới tên Quyền Linh, đó mới là cái đáng được trân quí. Bởi vậy khán giả sẽ là bằng cấp ưu tú hay nhân dân mà tôi ghi nhớ”, Quyền Linh mở đầu câu chuyện.
Luôn sống giản dị, hòa đồng, điềm đạm khiến mọi người có cảm giác Quyền Linh rất gần chứ không phải là một nghệ sĩ nổi tiếng, điều này toát ra từ chính cái tâm của anh chứ không phải anh cố tình tạo dựng cho mình một “vỏ bọc”, một tên tuổi ngôi sao. Chính vì lẽ đó, Quyền Linh được rất nhiều khán giả yêu mến. Điều này vô tình gây nên biết bao rắc rối đối với anh và với chính người hâm mộ.
Quyền Linh có nhiều khán giả nữ ái mộ, đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi. Từ mấy cô tiểu thư sang chảnh dọa “anh không đến gặp là anh em nhảy lầu” đến mấy cô, mấy chị nông dân chân lấm, tay bùn chốn miệt vườn. Trong một lần anh được mời làm đại sứ cho một chương trình tổ chức ở nông thôn, vì yêu cầu của chương trình, anh phải mặc một bộ vest chỉnh tề để dự hội nghị. Đang đi, bỗng nhiên có chị nông dân chạy một mạch từ dưới ruộng lên, ôm chầm lấy anh. Thế là bộ cánh tươm tất trong nháy mắt đã bê bết bùn. Lại có lần, anh bị một bà khán giả nhào vào, nhéo cắn ở mạng sườn chỉ vì “trông thân thương hệt như thằng út ở nhà.”
Quyền Linh trân trọng những tình cảm mà khán giả dành cho mình, anh coi đó là hành trang, là những kỷ niệm vui mà anh mãi mang theo trên mỗi bước đường sự nghiệp của mình.
Quyền Linh thời trẻ. |
Trăn trở trước những số phận
Từ khi đi làm chương trình “Vượt lên chính mình”, Quyền Linh được bà con nông dân đặt cho một biệt danh mới là “Hai Lúa” và “Thần tài”. Hình như chương trình đó được viết để anh làm, bởi nó quá hợp với tạng chân chất, mộc mạc của anh. Bà con nông dân ai cũng mong thần tài Quyền Linh đến với quê mình để mang lại may mắn cho những cảnh đời bất hạnh.
Anh kể rằng, trong hành trình làm chương trình này, anh đã phải bật khóc không biết bao nhiêu lần. Có rất nhiều những câu chuyện xúc động đã in sâu vào tâm trí anh. Chẳng hạn như câu chuyên về người phụ nữ thương binh, bị ung thư giai đoạn cuối, cuộc sống chỉ đếm bằng giờ bằng ngày nhưng khi gặp Quyền Linh, chị đã tâm sự: “Quyền Linh ơi, hãy giúp cho mình được một lần vượt lên chính mình, để khi mình lìa xa cõi đời này, mình có thể giúp gia đình có một số vốn và để chứng minh rằng mình gần chết nhưng vẫn có ích với xã hội, gia đình”.
Bằng hơi sức yếu ớt còn lại, chị đã cố gắng, đã vượt lên chính mình để chiến thắng. Chứng kiến sự gắng sức của chị, với một nỗ lực phi thường, biết bao người đã bật khóc, trong đó có Quyền Linh. Đó có lẽ là lần đầu trong đời anh khóc nhiều như vậy. Vui mừng chiến thắng, chị đã ôm Linh và thổn thức: “Tôi đã chiến thắng bản thân, bây giờ dù chết tôi vẫn mừng”. Mấy ngày sau đó, chị mất.
Gia đình hạnh phúc của Quyền Linh. |
Bóng dáng người bạn đời
Quyền Linh bảo, hiện anh đang rất giàu có, không phải nhờ tiền bạc, hay gameshow, mà nhờ... phụ nữ. Sau mẹ, giờ anh có thêm người vợ luôn đem đến cho anh cảm giác bình an. Dạ Thảo chính là chiếc bóng lặng lẽ “đứng sau” mỗi sự thành công của Quyền Linh. Chị kiệm lời, hỏi gì đáp đó, đôi khi ngập ngừng như muốn chia sẻ một nửa, nửa còn lại gói cho mình.
Cuộc gặp giữa Quyền Linh với Dạ Thảo như một sự xếp đặt của số phận. Lần ấy, Dạ Thảo đến studio của Quyền Linh để chụp hình lịch tặng khách hàng. Trong suốt quá trình giúp chị thực hiện bộ ảnh, không ít lần Quyền Linh quên mất nhiệm vụ mà chỉ đứng ngắm chị. Cuối buổi, anh lại gần chị khẽ nói: “Em dễ thương ghê” rồi... nín thinh. Về đến nhà, anh mạnh dạn nhắn tin hỏi han, rồi chị cũng nhắn lại. Mừng rỡ, cứ thế ngày nào anh cũng nhắn cho chị, riết thành quen, không thấy tin nhau là nhớ, là mong.
Từ miền Trung, Dạ Thảo vào Sài Gòn lập nghiệp, tằn tiện làm đủ việc để trả tiền sách vở, nuôi mình và nuôi hai em ăn học, cắm cúi học để nhận bằng được hai tấm bằng đại học. Chị quyết tâm thoát khỏi cái nghèo. Chị cũng yêu cái đẹp, vậy là tập tành kinh doanh, bắt đầu từ cửa hàng quần áo thời trang và đã thành công.
Lớn lên từ nghèo khó nên chị thương cái nghèo, biết giữ mình và quý trọng nghĩa tình. Nhận lời yêu Quyền Linh nhưng Dạ Thảo giữ mình kỹ đến mức đi xem kịch, ca nhạc, ăn kem với nhau mà bao giờ cũng kè kè thêm mấy người bạn. Ngày đầu tiên Quyền Linh dắt Dạ Thảo về quê, lòng Dạ Thảo thắt lại khi gặp người mẹ quê mùa nghèo khổ và bốn đứa em nheo nhóc của Quyền Linh. Trong ngôi nhà không che nổi mưa nắng, chị thấy xót xa nhưng mà thân quen như chính quá khứ nghèo khổ của gia đình mình.
Hồi Quyền Linh quen Dạ Thảo, mới sáu tháng anh đã đòi xin cưới. Phải nói chị hoảng đến mức nào, chưa hiểu nhau sao cưới được. Anh cười xuề xoà, nói chắc như đinh đóng cột: “Không, nhìn em là anh biết đời anh... dừng lại được rồi”.
Và thế là đôi uyên ương đi mua đất, xây nhà, cưới nhau và sinh con. Lọ Lem ra đời xinh như công chúa, Hạt Dẻ hai năm sau chào đời thừa hưởng cặp mắt sâu, đôi lông mày rậm giống bố và lúm đồng tiền của mẹ.
Quyền Linh tìm thấy ở Dạ Thảo một nửa yêu thương của đời mình, một người con gái hiền lành, thùy mị và giỏi giang, một thân một mình trên đất lạ, tay trắng làm nên sự nghiệp. Anh còn tìm thấy sâu thẳm nơi Dạ Thảo một nhân cách, một tấm lòng quá đỗi hồn hậu.
Anh vẫn nhớ ánh mắt đầu tiên Dạ Thảo nhìn mẹ anh, nhìn các em của anh. Ánh mắt ấy không giống ánh mắt của bất kỳ người con gái nào trước đó. Và vì vậy, dù không có vương miện lấp lánh trên tóc, dù chị chẳng rực rỡ kiêu sa, nhưng anh đã yêu quý chọn chị.
Quyền Linh tự hào có một người vợ tận tụy, thầm lặng hi sinh vì chồng con. Chị lo cho anh từng bữa cơm, ly nước, ủi cái quần, giặt cái áo, ân cần đón chồng đi xa về. Người vợ tự tay chăm sóc đứa con nhỏ. Biết anh đào hoa, nhưng chị chưa từng gợi lại những tình cảm riêng trong quá khứ mà đặt trọn niềm tin thủy chung nơi chồng, dù biết công việc khiến chồng mình có không ít những nhan sắc vây quanh. Và đó còn là nàng dâu, chị dâu thảo hiền luôn biết lo lắng cho mẹ và các em chồng như những người ruột thịt.
Thoáng chút ưu tư, Quyền Linh tâm sự, do mải mê công việc, mà cốt yếu cũng chỉ là kiếm tiền vun đắp cho gia đình đã khiến anh nhiều khi có lỗi với Dạ Thảo và các con. Một lần, anh trở về sau mấy tháng bôn ba khắp miền Trung để quay “Vượt lên chính mình”, bị gió Tây Nam “cắt nám mặt”, bé Hạt Dẻ nhìn thấy mặt bố đen thui liền khóc thét lên, không cho ẵm bồng, không chịu chơi chung.
“Nhớ con lắm mà bồng lên là nó khóc, thương con rồi mới giật mình, tại vắng nhà nhiều quá. Thế là, dù muốn kiếm lưng vốn kha khá để lo cho con, nhưng buộc mình kể từ đó phải ưu tiên việc gần gũi con cái lên hàng đầu”, Quyền Linh xúc động kể.
Sài Gòn nắng bụi đầy đường, đi đâu cũng thấy làm đường, lô cốt nhưng Quyền Linh vẫn đưa các con đi lại bằng xe máy. “Xót con lắm nhưng chả nhẽ cả đời chúng sẽ chỉ biết đi xe hơi thôi sao?”, anh lý giải. Hễ có dịp là anh lại đưa con về quê để con biết quê mình còn nghèo lắm, đưa con cùng đi làm từ thiện để con biết mình may mắn hơn vạn lần những mảnh đời bất hạnh trong cuộc đời…Quyền Linh rèn cho các con tính tự lập, lòng cố gắng, kiên trì từ nhỏ và muốn con hiểu rằng để trở thành cô Lọ Lem đáng yêu, có ba hạt dẻ, ba điều ước thì các con phải lao động chăm chỉ.
“Hai Lúa” tâm sự, anh muốn con lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, để ít ra chúng có thể cảm nhận được những điều giản dị, những khó khăn mà thời thơ ấu bố mẹ chúng đã trải qua, để các con anh có thể có được một trái tim nhân hậu, biết sẻ chia, dù được sinh ra trong giàu có, ấm no và hạnh phúc đủ đầy.