Tết đã cận kề, vậy nhưng chuyện “thưởng Tết” vẫn nóng lên từng ngày. Mới đây nhất, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã có báo cáo về mức thưởng Tết. Dù chưa đầy đủ, nhưng những con số ấy cũng nói lên bao điều...
Làm việc vất vả cả năm, người lao động chỉ mong nhận được tiền thưởng Tết kha khá. |
Mức thưởng cao hơn năm ngoái
Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện có 131 doanh nghiệp (30 DN 100% vốn Nhà nước, 22 DN có cổ phần vốn góp Nhà nước, 44 DN dân doanh, 30 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ) đã báo cáo về tiền lương năm 2010 và thưởng Tết 2011, trong đó có 116 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Nhìn chung, mức lương năm 2010 ở nhiều doanh nghiệp tăng hơn so với năm ngoái.
Theo đó, tiền thưởng Tết năm nay cũng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mức thưởng Tết năm nay cao nhất thuộc về Công ty TNHH VBL Đà Nẵng (doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh bia rượu) có trụ sở tại KCN Hòa Khánh, với mức thưởng khoảng 244 triệu đồng/người, cao hơn hẳn so với năm ngoái (năm 2010, thưởng Tết cao nhất là 148,4 triệu đồng). Doanh nghiệp FDI lĩnh vực công nghiệp xây dựng có mức thưởng Tết thấp nhất là 700 ngàn đồng/người. Công ty ITG Phong Phú được xem là có mức tiền lương cao nhất “bảng” với khoảng 75 triệu đồng/người, trong khi đó khối này có mức tiền lương thấp nhất là 1,19 triệu đồng/người.
Về khối doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, đơn vị có mức lương năm 2010 thấp nhất với 1,19 triệu đồng/người, mức lương cao nhất thuộc về Công ty CP Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn với mức 62,2 triệu đồng/người, bình quân 8,2 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết cao nhất là 45 triệu đồng/người của Công ty TNHH du lịch biển Vinacapital Đà Nẵng, bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất với 615 ngàn đồng/người là của Công ty Dewoon Caltavil. Khối doanh nghiệp cổ phần vốn góp Nhà nước có mức lương thấp nhất là 880 ngàn đồng, cao nhất khoảng 35,8 triệu đồng (bình quân khoảng 3,5 triệu đồng).
Kế hoạch thưởng Tết 2011 đối với khối này, cao nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất là 500 ngàn đồng (bình quân 3,1 triệu đồng). Và đây được xem là mức thưởng Tết thấp nhất trong “bảng xếp hạng” năm nay, nhưng lại “vượt xa” năm ngoái (năm 2010 thưởng Tết thấp nhất chỉ có…71 nghìn đồng/người). Tiền lương năm 2010 của người lao động ở 30 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mức cao nhất khoảng trên 26 triệu đồng (thuộc về Công ty TNHH MTV Xăng dầu khu vực 5), mức lương thấp nhất thuộc về Bưu điện Đà Nẵng: 880 nghìn đồng/người, tính bình quân là 4,36 triệu đồng/người.
Về tiền thưởng Tết có sự khác biệt, bình quân tiền thưởng cho người lao động thuộc các doanh nghiệp Nhà nước là khoảng 4,3 triệu đồng/người. Thưởng Tết cao nhất khoảng 30 triệu đồng/người của Công ty Hoa tiêu Khu vực 4 (Cục Hàng hải Việt Nam). Ngược lại, thưởng Tết của khối doanh nghiệp này thấp nhất là 1 triệu đồng.
Nếu nhìn lại số liệu năm 2009 thì mức chi thưởng của khối doanh nghiệp Nhà nước năm nay cao gấp nhiều lần so với năm ngoái (mức thưởng cao nhất của khối này là 10 triệu đồng/người). Mức lương cũng cao hơn so với năm ngoái (năm ngoái mức lương cao nhất là 12 triệu đồng/người). Theo đánh giá chung, năm nay, lương và thưởng đều vượt hơn so với năm trước. Mặc dù con số về tiền thưởng Tết nêu trên chưa đầy đủ nhưng cũng cho thấy tình hình khủng hoảng kinh tế được cải thiện, sản xuất kinh doanh được khôi phục.
Vẫn còn chênh lệch
Không chỉ doanh nghiệp Nhà nước có sự chênh lệch về chuyện thưởng Tết mà đối với doanh nghiệp dân doanh cũng có sự chênh lệch. Tiền lương năm 2010 mà các doanh nghiệp dân doanh trả cho người lao động mức thấp nhất là 880 nghìn đồng/người, mức cao nhất khoảng 82 triệu đồng/người, như vậy mức bình quân là 3,4 triệu đồng/người. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, mức thưởng Tết cao là sự động viên lớn đối với người lao động và khiến người lao động gắn bó với cơ sở hơn. Mức thưởng Tết cao nhất ở các doanh nghiệp dân doanh là hơn 82 triệu đồng/người, bình quân gần 2,9 triệu đồng/người. Trong khi kế hoạch thưởng Tết thấp nhất của khối này chỉ khoảng 500 ngàn đồng/người. Đó là chưa kể đối với những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thì Tết thực sự là nỗi lo, bởi lương còn chưa trả đủ, còn nợ BHXH thì nói gì đến chuyện thưởng Tết cho người lao động.
Khoảng cách lương và thưởng Tết giữa các doanh nghiệp cao nhất và thấp nhất khá lớn. Điều đó cho thấy sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế cùng sự phân hóa giàu nghèo ngày một rõ nét trong xã hội. Do vậy, người ta không lạ gì khi Tết đến mà một số công nhân vẫn phải ở lại nơi đất khách quê người. Về phía các doanh nghiệp, thưởng Tết không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý. Nếu nhìn xa hơn thì đây cũng là dịp để “giữ chân” người lao động làm việc lâu dài. Tuy nhiên, do khó khăn nên một số doanh nghiệp chỉ thưởng cho có thưởng. Sự chênh lệch trong thưởng Tết giữa các doanh nghiệp thường mang đến 2 thái cực vui và buồn giữa những người lao động.
Bài và ảnh: Phương Trà