“Tú còn có gia đình, có anh chị em, còn tôi thì từ nay mất hết gia đình của mình rồi. Cái phần cái số nó đến đây là hết, tôi chỉ đành chấp nhận. Giờ đây chỉ còn biết dồn hết sức để lo cho cha và mẹ mà thôi”, anh Tuấn nói.
Cuộc gọi lúc 5 giờ sáng
Anh Tuấn ngồi bần thần khi nhắc lại cuộc gọi ám ảnh lúc 5 giờ sáng mà cả cuộc đời anh sẽ không thể nào quên. Rạng sáng 22/11, anh Tuấn đang trên đường chở trái cây từ quê lên Bình Phước, khi xe chạy đến huyện Hóc Môn (TP HCM) anh nhận được một cuộc gọi. Đường dây bên kia là giọng nói hốt hoảng: “Út ơi!... nhà Út cháy rồi”. Lúc mới nghe, anh cứ đinh ninh nguyên nhân chắc là do chập điện, nhưng sau nghe kĩ thì mới biết là do xe bồn đâm vào phát hỏa.
Lúc này, trong lòng anh tự nhiên lại thấy tuyệt vọng nhưng cố trấn an bản thân, anh kêu đứa cháu: “Con leo rào ra được con đi kiếm Út (chị Tú) coi Út ở đâu”. Một lúc sau đứa cháu gọi lại: “Cháy hết trơn rồi... chắc Út với em chết hết rồi”. Nghe đến đây, tay chân anh bủn rủn. Trời lúc rạng sáng lạnh xé da thịt nhưng trong anh như bừng bừng lửa đốt. Anh cố gắng cầm cự để chạy về tới nhà.
Đến hơn 6 giờ sáng anh mới đến nơi, lúc này xác vợ và con anh đã được chuyển ra ngoài huyện. Cơ thể chị Tú cháy đen không còn nhận ra. Từ quần áo, tóc tai cho đến hình hài đều bị thiêu rụi. Chỉ có thể nhờ vào hàm răng quen thuộc để anh Tuấn có thể nhận ra được vợ mình.
Hơn mười ngày trước, chị Thắm (38 tuổi, bạn thân chị Tú) lên chơi và ở lại phụ chị Tú buôn bán, trông nom các bé. Đêm đó, cũng như mọi ngày, hai người phụ nữ tranh thủ dọn dẹp cửa tiệm sau một ngày dài tất bật với công việc. Khi cánh cửa của ngôi nhà sập xuống, cũng là lúc chị Tú, chị Thắm và hai bé (con chị Tú) cùng nhau an giấc.
Khoảng hơn 4 giờ sáng, một tiếng nổ kinh hoàng đánh thức những người dân trên QL13 (ấp 3B, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Người ta hốt hoảng khi thấy lửa tràn vào nhà và mùi xăng dầu nồng nặc. Lửa cháy dữ dội và nhanh chóng lan rộng. Trong tích tắc, 19 căn nhà chìm trong biển lửa, nhiều hộ gia đình may mắn thoát ra kịp từ cửa sau.
Tuy nhiên, trong đó có hai ngôi nhà bị thiêu cháy hoàn toàn và có 6 người xấu số không thể chạy ra ngoài, nhà chị Tú cũng nằm trong số đó. Vài phút trước, chiếc xe bồn chở xăng dầu đang lưu thông với tốc độ cao (96km/giờ) thì bất ngờ xảy ra va chạm với một xe ba gác chạy cùng chiều. Tài xế xe bồn trở tay không kịp nên chiếc xe leo lên con lươn rồi đâm vào trụ điện và lật trở lại. Vụ tai nạn làm 10 khối dầu, 4 khối xăng đang chứa trên xe bồn tràn vào khu vực nhà dân, họng dầu đổ thẳng vào nhà chị Tú.
Chiếc xe bồn nằm chắn ngang cửa chính và cũng là lối thoái hiểm duy nhất của nhà chị. Vì nhà chị Tú không có cửa hậu nên những người bên ngoài không thể nào ứng cứu được. Ngọn lửa càng lúc càng bùng mạnh, bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Biết không thể nào thoát ra được, hai người lớn ngồi ôm chặt và che chắn cho hai đứa trẻ.
Cho đến lúc ngọn lửa bị dập tắc, mọi người phá cửa xông vào. Cảnh tượng trước mắt khiến ai cũng phải đau lòng. Hình ảnh 4 người ngồi ôm nhau trong góc nhà, thi thể cháy đen không còn nhận ra. Nghe nói, trước ngày xảy ra vụ tai nạn một ngày, đáng lẽ chị Thắm đã định về nhà nhưng sau đó lại quyết định ngủ lại thêm một đêm nữa. Có lẽ, chính chị cũng không thể ngờ rằng, đó đúng là “đêm cuối cùng” của chị. Chị Tú cũng không biết được cánh cửa đêm đêm chị sập xuống, sáng ngày mai nó sẽ không còn được kéo lên nữa.
Mái ấm “ngày hôm qua”
Tuy không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo nhưng hoàn cảnh gia đình anh Tuấn cũng là trường hợp khó khăn tại địa phương. Hơn hai năm trước, nghe bạn bè mách hai vợ chồng anh có tay nghề nếu lên Bình Phước chịu khó làm ăn thì chẳng bao lâu gia đình sẽ khấm khá. Nghe có lý, vợ chồng anh bàn bạc nhau khăn gói lên vùng đất miền Đông lập nghiệp. Cả gia đình, hai vợ chồng dẫn theo hai đứa con nhỏ rời quê tới xứ người. Thuê được căn nhà, anh chị dành phía trước để bán trái cây, phần phía trong thì chị mở một cái tiệm làm tóc nho nhỏ để kiếm đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống.
Giao cho vợ quán xuyến việc buôn bán tại nhà, anh Tuấn thuê một chiếc xe tải để chạy chở trái cây từ miền Tây lên Bình Phước bán để kiếm thêm tiền lo cho con ăn học. Anh cứ bôn ba trên những nẻo đường như vậy, rồi dăm ba hôm anh lại về nhà một lần. Ngỡ như cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ cứ thế bình lặng trôi qua nhưng rồi biến cố đã làm thay đổi tất cả. “Thần chết” gõ cửa lúc trời tờ mờ sáng và tai họa đột ngột ập đến.
Trận hỏa hoạn cướp mất của một con người ngôi nhà che nắng che mưa, cướp mất của một người chồng người vợ đầu ấp tay gối, cướp mất của một người cha hai đứa con thơ. Tìm ở đâu tiếng cười nói, tìm ở đâu bữa cơm ấm cúng hay chỉ có hương khói lạnh lùng. Người ta hỏi anh về cảnh nhà tan hoang sau vụ cháy, anh khẽ cười buồn: “Cháy không còn gì hết”. Một câu nói đơn giản, nhưng sao lại nghe đau đến tột cùng. Nhà cháy, cùng lắm là mất đi một cái nhà, còn mất vợ, mất con rồi... khác nào mất tất cả.