Để viết bài này tôi không thể không dùng lại cái tên phim rất gợi của Đạo diễn tài hoa Đặng Nhật Minh. "Thương nhớ đồng quê!"
Vâng, một cái tên đơn giản mộc mạc thế thôi mà như nghe được cả tiếng gió thổi xôn xao trên cánh đồng, tiếng sáo diều vi vút trên triền đê, tiếng ru hời buồn vời vợi trong mái lá có khói lam chiều ngơ ngẩn bay lên, tiếng châu chấu đạp càng vào nỗi nhớ, tiếng sóng nước yên ả vỗ vào lau lách đìu hưu có đàn đom đóm bay nghiêng cho đỡ tối bờ ao, tiếng đôi trai gái thì thầm bên nhau giữa chiếu chèo đêm đông mà rằng, thế là từ nay em không còn lạnh nữa…
Thế là từ nay em không còn lạnh nữa! Em im lặng như cánh đồng mới gặt. Cuống rạ trời chiều…Buổi chiều ấy em tiễn tôi đi vào chiến trận. Áo nâu màu đất, đôi mắt ngợp buồn, mái tóc thả bay trong ngọn gió chia ly.
Hình ảnh em, mỏng manh cô thôn nữ một chiều chiến tranh, cái điếm canh đê, cái điếm giữa đồng cho hai đứa tránh mưa tránh nắng và gốc đa tình tự, ơ hay sao em hay giận hờn, nơi cổng làng cổ kính kia mãi là một hành trang thao thiết cho ta đi hết những trận đánh hiểm nghèo.
Đất có thổ thần, làng có thành hoàng, đã có biết bao những người con bước qua cổng làng ra đi, cũng đã có biết bao những người con bồi hồi bước qua cái cổng làng uy nghiêm, trầm mặc ấy trở về. Đêm bò rào trời đen đất đen đồng đội đen kẻ thù đen, chỉ có em và cảnh quê sâu thẳm là sáng lên dẫn tôi vào cứ điểm.
Còn sống trở về, lòng mong mỏi được em ra đón ở cổng làng, vẫn màu áo nâu non, khăn mỏ quạ, cây đa già nhưng cổng xưa đâu rồi, chỉ còn thấy một trụ sở hợp tác xã trắng xóa mọc lên, cây đa nữa, chả biết người ta chặt đi lúc nào hay đã bị bom thù đánh gục mà trống huơ trống hoác bụi bay rát mặt thế này và em nữa, mỏi mắt nhìn ma chẳng thấy đâu, chỉ có câu nói của mẹ buồn như trấu cắn: "Chờ đợi không được, lại có tin mày đã hy sinh nên nó lấy chồng rồi. Trước khi đi, nó sang với mẹ khóc một đêm. Thôi con ạ, đàn bà con gái xuấn sắc có thì…”.
Em không còn nữa! Cây đa bến nước sân đình thân thương vô hạn không còn nữa, cái hồn quê trong tâm tưởng người đi xa trở về sao tan hoang, trống vắng thế này?. Nghỉ với mẹ ít ngày, sang tháng đã lại trở về đơn vị rồi, cuộc chiến đấu ở biên cương Tây Nam vẫn chưa cho người lính được nghỉ ngơi. Trưa hè oi ả, tiếng bụi tre chuyển mình cọ lá vào nhau như khúc ca buồn kẽo kẹt.
Một mình tha thẩn ra đồng tìm lại ngọn gió kỷ niệm năm nào. Cuống rạ trời chiều. Em im lặng như cánh đồng mới gặt. Cảnh vật vẫn vậy, tiếng con cào cào đạp càng vào gốc rạ vẫn thế. Chỉ có em và ngôi điếm tránh mưa nắng giữa đồng là biến đâu cả rồi. Cánh đồng mênh mông chạy tới tận chân núi xa mờ, nắng như đổ củi đổ lửa, không có ngôi điếm và bát nước vối thanh tao mát rượi trưa hè thì quang cảnh này bỗng trở nên què cụt, xác sơ, tan hoang biết chừng nào.
Vâng! Đã đành rằng cuộc sống phải luôn tiến lên phía trước, cuộc đời phải luôn lấy cái cơm no áo ấm làm trọng chứ chẳng thể cứ ngồi đó mà khư khư ôm lấy những dáng nét xa xưa cũ kỹ để rồi kiếp người mãi lầm than lam lũ. Đã đành con người phải vận động tìm ra cho được những vỉa quặng mới để mưu sinh chứ chẳng thể đứng im mà nhấm nháp những giá trị tồn tại bên ngoài tiếng gào trống rỗng của những chiếc dạ dày. Đã đành…
Vâng nhiều cái đã đành lắm song có một cái không thể đành được, đó là thời gian là vô cùng, không gian là vô tận, hết mưa trời lại nắng, hết chiến tranh rồi sẽ thái hòa, đông tàn xuân tới, nghèo rồi sẽ thành giàu, cuộc sống trắc trở nhưng cuộc sống cũng bươn chải đi lên, khi đó con người sẽ làm gì?. Đủ rồi chả lẽ muốn đủ hơn, ổn rồi chả lẽ lại muốn tất cả là thiên đường, vật chất rất dễ thỏa mãn nhưng các giá trị tinh thần quý giá mất rồi liệu có lấy lại được không?.
Nông thôn đang thành thị hóa, đường bê tông thay cho đường gạch chỉ, mai này tất cả khá lên, đi xe hơi về quê làm gì còn được thấy lại những cái cổng làng u tịch, những triền đê ngát gió, những tán đa che rợp bóng nông phu, những mái đình ẩn chứa bao điều huyền hoặc, những bến nước rêu phong cả đời mẹ gánh về tưới mát cho tâm hồn đàn con ngỗ ngịch, những rặng mồng tơi đón mùa thu chùng chình đi qua ngõ, những mặt ao sóng sánh bèo tấm và làm gì còn thấy lại được em, cô thôn nữ thập thình giã gạo dưới ánh trăng!.
Hồn làng, hồn quê, hồn dân tộc đó. Trải qua bao cuộc chiến tranh của hàng ngàn năm ái quốc, kẻ thù có thể phá hoại được tất cả nhưng không thể xóa được hồn quê. Làng xã còn là dân tộc còn. Cái cụm từ Cây đa bến nước sân đình tưởng như bình dị, tưởng như đôi lúc không cần thiết ấy đã lặn vào mạch máu dân Việt, đã hóa thành điểm tựa tinh thần, điểm tựa tâm linh cho con người đi xa về gần, cho bách tính những khi lâm vào đại họa, chính vì thế chẳng thể mỗi lúc mà nhổ lên, mà bứng đi đâu được.
Vậy chả lẽ cuộc mưu sinh ngổn ngang hôm nay, cuộc hội nhập mù mịt đất trời lúc này đã xóa được nó đi? Thế thì buồn quá, trống trải quá, cuộc sống no đủ, thậm chí giàu sang mà làm gì một khi trong lòng ngột ngạt muốn trở về ngâm mình xuống dòng sông quê, muốn thả hồn vào bóng dáng cổ xưa của những dáng nét đã đi vào điệu ru của mẹ để tìm một chút yên hàn, thảnh thơi, để tắm rửa linh hồn đã nhuốm quá nhiều bụi bặm mong đắp đổi cho thế giới tâm hồn đang bị cạn kiệt một chút phù sa nhưng lại không có.
Mất mát này mới là cái mất mát không gì bù đắp được. Như mất em chứa cả một trời hoài niệm. Như sống giữa đất trời mà hồn vía chẳng có chỗ đậu vào, nương tựa.
Như nỗi niềm thương nhớ đồng quê. Cuống rạ trời chiều. Em buồn như cánh đồng mới gặt. Làng tôi.
Chu Lai