Ngoài các công ty, tổ chức lớn như bảo hiểm, khách sạn, quỹ tài chính… thì các doanh nghiệp nhỏ lẻ như thẩm mỹ viện, shop bán hàng, thậm chí là cả… dịch vụ mai táng cũng liên tục ra chiêu “khủng bố” các chủ thuê bao điện thoại di động. Chị Ngân Linh nhà ở quận 10, TP HCM than phiền, gần hai tháng nay, chị liên tục nhận được các cuộc gọi từ các thẩm mỹ viện, với nội dung mời đến chăm sóc da.Dịch vụ... bực mình Một trong số đó là thẩm mỹ viện Dermalogica, địa chỉ 638 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP HCM. “Không biết bằng cách nào, họ có được số điện thoại và tên của tôi, sau đó nhân viên của trung tâm này thay phiên nhau gọi, mời đến khám da. Nếu tôi từ chối nghe, họ sẽ gọi đi gọi lại cho đến khi nào tôi đồng ý mới thôi”, chị Linh cho hay. Mỗi ngày chị Linh đều nhận được điện thoại nhắc. Nếu lỡ hứa mà không tới được, thì tiếp theo sẽ là nhưng cuộc gọi đổi từ ngọt ngào sang rủa sả, khiến chị “chết đứng”.
Cuối năm là lúc các doanh nghiệp mở rộng chiến dịch "khủng bố" khách hàng qua tin nhắn, điện thoại. (Ảnh: Đình Sơn) |
Mặc dù liên tục bị làm phiền nhưng các chủ thuê bao điện thoại không biết làm cách nào thoát khỏi sự “đeo bám” này, vì họ thường sử dụng máy điện thoại cố định hoặc sim di động khuyến mãi và đổi số liên tục để “spam” khách hàng, nên không thể chặn cuộc gọi. Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mới sử dụng chiêu tiếp thị bực mình này, mà ngay cả ngân hàng, khách sạn 5 sao, công ty bảo hiểm lớn cũng liên tục làm phiền khách hàng. Anh Khảo, nhân viên một công ty tại quận 1, nói rằng, liên tục bị nhân viên của khách sạn 5 sao Caravelle Sài Gòn gọi điện mời sử dụng dịch vụ làm thẻ VIP của khách sạn. “Mình có tiền đâu mà sử dụng đến dịch vụ ở đó. Đã từ chối nhiều lần, mà họ cứ gọi đến bực cả mình”, anh cho biết. Nhân viên của Công ty Prudential Việt Nam cũng liên tục mời tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, cũng bằng cách trên, thậm chí chào mời cho vay... lãi suất cao, khiến nhiều người “chóng mặt”. Còn tin nhắn giới thiệu dịch vụ, bán nhà… cũng liên tục xuất hiện như “khủng bố” người dùng.Dễ gom dữ liệu Chỉ cần một danh sách khách hàng, mua một hộp đọc sim cùng phần mềm chuyên dụng là hàng nghìn, thậm chí hàng triệu tin nhắn ngay lập tức được gửi đi. Giám đốc Công ty truyền thông N.B ở TP HCM, nói rằng, công ty anh có một database (kho dữ liệu) khoảng 20.000 khách hàng, giờ có thể bán khoảng 30 triệu đồng. Kho thông tin này anh phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau, như trao đổi với đối tác, gom namecard tại các hội thảo, thậm chí mua lại từ một số công ty, tổ chức… Mình đi gom lại làm dữ liệu khách hàng, để dùng hoặc bán cho doanh nghiệp cần. Bây giờ nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lắm. “Có vợ đi sanh, về đến nhà là công ty sữa gọi tới tấp. Thậm chí nhà mới có người mất thì lập tức công ty mai táng gọi để tiếp thị dịch vụ… hậu sự”, vị này khẳng định. Thông tin khách hàng hiện nay đa số là lộ, vì khi đăng ký thông tin làm thành viên của một diễn đàn, trang mạng nào đó, ngay lập tức những thông tin đó đã bị “rò rỉ” ra ngoài. Một nguồn dữ liệu khác, là các nhà mạng bán ra. Tuy nhiên, chuyện này chưa ai khẳng định, chỉ có doanh nghiệp truyền tai nhau. Có được doanh sách khách hàng, các công ty sẽ thực hiện chiến dịch “spam” bằng tin nhắn, email, hoặc “sale telephone”… Bất kỳ nơi đâu có thông tin về khách hàng, là có thể kiếm tiền, để mặc thượng đế phát hoảng vì bị “khủng bố”.
Theo Đình Sơn
Đất Việt
Đất Việt