Thuốc giả, thuốc kém chất lượng đem tai họa đến cho người dân. |
“Bão” thu hồi
Theo số liệu của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, nếu như trong năm 2008 Cục chỉ ra quyết định thu hồi 93 lô thuốc không đạt yêu cầu thì trong năm 2009, số lô thuốc không đạt chuẩn đã lên tới 105 lô; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi.
Chỉ trong tháng 7/2011, hàng loạt các quyết định thu hồi thuốc kém chất lượng, không đạt chỉ tiêu được rào rào công bố. Cụ thể, ngày 6/7, Sở Y tế tỉnh An Giang đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều lô thuốc đông y giả chứa tân dược Paracetamol và Dexamethason để tiêu hủy. Số thuốc giả này gồm các loại thuốc viên hoàn mềm gói trong bao nilon, hoặc có vỏ hình cầu bằng nhựa cứng màu vàng, ngoài dán nhãn bằng chữ viết tay như thuốc trị tê nhức, bao tử, ăn ngủ, trật khớp...
Tiếp đó, ngày 12/7, Cục Quản lý Dược cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế TP. HCM thu hồi hàng loạt thuốc giả, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không đạt chất lượng... đang lưu hành trên thị trường. Ngày 26/7, Cục lại tiếp tục có quyết định đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi một loại thuốc điều trị bệnh ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn...
Đầu tháng 9/2011, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành và yêu cầu khẩn trương thu hồi 2 loại thuốc, bao gồm kháng sinh Ciprofloxacin Tab. 500mg số kiểm soát: E 122701, ngày sản xuất: 16/5/2011, hạn dùng 15/5/2014, số đăng ký: VN-6060-08 do Công ty Sungwon Adccok Pharm, Hàn Quốc sản xuất, Công ty CP Dược phẩm Bến Tre nhập khẩu và thuốc viên nang Omemax-20, số lô 11OME03, hạn dùng 12/1/2013, số đăng ký VN-10745-10 do Công ty Axon Drugs Pvt. Ltd., Ấn Độ sản xuất, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Điều đáng nói là chủ yếu các thuốc bị thu hồi từ đầu năm đến nay tập trung ở những loại thuốc trên thuộc dòng trị những bệnh rất phổ thông nhiều người mắc như viêm nhiễm hô hấp, dự phòng tái phát loét dạ dày, loét tá tràng...
“Lệnh” chỉ để... biết?!
Một chủ cửa hàng bán buôn tân dược trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Mỗi năm nhà thuốc nhận khoảng chừng trên dưới 50 công văn yêu cầu ngưng bán, thu hồi thuốc từ các nhà sản xuất và phân phối. Thế nhưng, hầu hết các loại thuốc có “trát” thu hồi đều đã phân phối gần hết cho các cửa hàng bán lẻ trong TP, thậm chí ở các tỉnh. Địa chỉ cụ thể các cửa hàng thuốc này như thế nào cửa hàng cũng không nắm được. Vậy thì thu hồi làm sao?
Còn chị H. (bán thuốc trên phố Định Công, Hà Nội) lại cho hay, chị cũng có nghe thông tin thu hồi một số loại thuốc trên báo, đài, chứ thực tế chưa bao giờ chị tiếp nhận được một văn bản đề nghị thu hồi thuốc nào từ phía cấp trên cả. Mà, dẫu có “lệnh thu hồi” cũng chỉ để “biết” thôi, chứ thuốc đã bán cho dân rồi, biết tìm họ ở đâu mà “đòi”...
Theo nhận xét của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm, với cơ chế quá thông thoáng trong việc cho nhập khẩu thuốc như hiện nay (với các thuốc trong nước có thể sản xuất được, thậm chí với các nước có điều kiện sản xuất thuốc còn kém hơn cả nước ta), việc gia tăng số thuốc phải đình chỉ và thu hồi là khó tránh khỏi. Mặt khác, theo quy định, khi có thuốc bị đình chỉ, cơ sở sản xuất và nhà phân phối gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ. Thế nhưng, quy trình thu hồi thuốc kém chất lượng hiện nay kéo dài cả tháng, thậm chí hơn thế nữa. Nên đến khi lệnh thu hồi đến được tay các cửa hàng thì “mọi chuyện đã rồi”.
Lỗi ở cơ quan chức năng?
Sở dĩ tình trạng thuốc dù “bị thu hồi vẫn trôi nổi trên thị trường và được mua bán, sử dụng” vì hiện nay khâu hậu kiểm thu hồi thuốc vẫn chưa được kiểm soát và có chế tài xử lý. Cụ thể, từ trước tới nay các loại thuốc bị đề nghị thu hồi nếu có nhà thuốc nào tiếp tục bán thì cũng chẳng sao vì có ai đến kiểm tra và xử lý đâu mà sợ?
Ngay cả các công ty nhập khẩu, phân phối cũng chỉ nhận được thông báo thu hồi thuốc chứ thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì thu hồi chậm nên việc họ kéo dài thời gian thu hồi để tiêu thụ thuốc kém chất lượng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, việc thu hồi thuốc mới chỉ được tiến hành trên lý thuyết, chứ thực tế không ai biết số thuốc đó trôi nổi ở phương trời nào? Và hậu quả là, mỗi năm hàng trăm vụ ngộ độc thuốc do phản ứng có hại của thuốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã xảy ra, trong đó không ít trường hợp đã phải mang cố tật suốt đời, thậm chí phải mất mạng. Lẽ nào, cơ quan chức năng không biết đến tình trạng này?
Hệ thống kiểm nghiệm dược chưa đủ mạnh
Theo TS.Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược thì các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt những chỉ tiêu như công bố. Nhưng, thực tế có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, có khi phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện vấn đề. Thậm chí có thuốc khi phát hiện phản ứng gây hại nhưng sau khi cân nhắc với lợi ích thuốc mang lại thì vẫn được chấp nhận. Cũng có loại thuốc phải cảnh báo và thu hồi ngay. Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn là với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước. |
Hải Long
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu