Cổ tức là một phạm trù của phương pháp nộp thuế 20%, cũng như khi áp dụng phương pháp 0,1%, ta không đánh thuế vào "chênh lệch giá" và các khoản "thưởng bằng tiền cho cổ đông".
Trong thời gian qua, người đầu tư chứng khoán rất bức xúc với việc thực thi sắc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ở nước ta về chuyển nhượng chứng khoán, họ cho rằng, thuế vừa đánh sai (người bị lỗ, không hề có "thu nhập" vẫn bị đánh thuế) và cũng lại vừa đánh thêm (trùng) một cách vô lý.
Theo tôi, ý kiến trên là xác đáng, chúng ta hãy xem xét cụ thể vấn đề này.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, người đầu tư chứng khoán có thể lựa chọn một trong hai phương pháp nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:
- Phương pháp 1: nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 20%.
- Phương pháp 2: nộp thuế TNCN theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán (thuế khoán).
Để có thể thực hiện theo phương pháp 1, người đầu tư phải thực hiện đăng ký thuế và có mã số thuế từ đầu năm, thực hiện chế độ kế toán hoá đơn chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế từ việc chuyển nhượng chứng khoán theo quy định và việc áp dụng thuế suất 20% tính trên tổng các loại chứng khoán đã giao dịch trong năm Dương lịch.
Đây là phương pháp không thể thực hiện được (không khả thi) nếu Tổng cục Thuế không ủy quyền cho CTCK xác định thu nhập, vì hiện nay, người đầu tư không dùng phiếu lệnh (thường qua trực tuyến hay điện thoại) nên không có chứng từ mua bán theo yêu cầu của cơ quan thuế, nếu có cũng rất nhiều; giá đặt lệnh có thể khác giá khớp lệnh và bao nhiêu rắc rối khác… Vì vậy, hầu như tất cả nhà đầu tư chọn phương pháp 2 để nộp thuế.
Một vấn đề nữa, theo lập luận của Tổng cục Thuế, thuế cổ tức là khoản thuế không trùng vì thuế đánh vào các chủ thể có thu nhập khác nhau. Một bên là DN, một bên là nhà đầu tư. Điều này đúng. Tuy nhiên, cách làm hiện nay tại Việt Nam lại bị trùng, trùng ngay trong chủ thể người đầu tư: nếu chọn phương pháp 2 (thuế khoán), thì thuế cổ tức thu như hiện nay đánh thêm vào một phần thu nhập của phương pháp 1, tức là "thuế vừa đánh theo phương pháp 2 và vừa đánh một phần theo phương pháp 1" chứ không phải "hoặc theo phương pháp 1, hoặc theo phương pháp 2", không phải "1 trong 2" mà Luật Thuế đã quy định. Như vậy, thuế đã đánh thêm vô cớ, không đúng quy định của Luật đối với người chọn phương pháp 2.
Chúng ta biết thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu được tính như sau theo phương pháp 1: thu nhập đầu tư cổ phiếu chịu thuế = cổ tức + chênh lệch giá (giá bán - giá mua - phí) + các khoản thưởng bằng tiền cho cổ đông.
Cổ tức là một phạm trù của phương pháp 1, cũng như khi áp dụng phương pháp 2, ta không đánh thuế vào "chênh lệch giá" và các khoản "thưởng bằng tiền cho cổ đông". Nếu các khoản thưởng bằng tiền nếu có (cho cổ đông) hoặc "chênh lệch giá" cũng bị đánh thuế, thì đây cũng là khoản thuế đánh trùng nữa nếu người đầu tư chọn phương pháp 2.
Nếu ứng thu thuế theo phương pháp 2 để cuối cùng tính, thanh toán thuế theo phương pháp 1 thì không trùng, bởi vì nếu đã thu theo phuơng pháp 2, thì khi tính theo phương pháp 1, số thu nhập từ cổ tức này sẽ phải loại bỏ, không tính hai lần. Như vậy, nếu đánh thuế cổ tức thì chỉ đánh vào người đầu tư áp dụng phương pháp 1 mà thôi. Những người áp dụng phương pháp 2 không phải trả khoản thuế này mới đúng tinh thần của Luật Thuế.
Từ lập luận trên đây, chúng tôi đề nghị:
Một là, khoản thuế đánh vào cổ tức ở ta đang thực hiện đối với người đầu tư chọn phuơng pháp nộp thuế TNCN theo phương pháp 2 là khoản thuế trùng, sai với tinh thần Luật Thuế, đề nghị Tổng cục Thuế chấm dứt ngay việc thu khoản thuế này và hoàn trả lại số thuế đã thu vô lý cho người đầu tư cổ phiếu.
Hai là, nên bỏ sắc thuế cổ tức trong lần sửa đổi Luật Thuế TNCN tới đây để khuyến khích toàn dân mua cổ phiếu, góp phần phát triển TTCK, tạo điều kiện cho việc huy động vốn phát triển kinh tế được dễ dàng hơn và nên nhớ rằng, thu hút tiền vào TTCK cũng là giải pháp tốt để giảm thiểu lạm phát.
Ở nhiều nước (và ở ta trong tương lai gần), đầu tư cổ phiếu rất phổ biến với những người nghèo, như người lao động nghỉ hưu, tầng lớp lao động nghèo thay vì gửi tiết kiệm sẽ mua cổ phiếu để hưởng cổ tức và thuế cổ tức như vậy đánh vào người nghèo, vì không phải tất cả mọi người đều đi khai thu nhập để được khấu trừ. Chính vì điều này mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã từng hứa với người đầu tư (2003) là sẽ loại bỏ khoản thuế này tại Mỹ. Nếu đánh thuế cổ tức như hiện nay thì sẽ có hàng triệu người sở hữu cổ phiếu phải làm thủ tục hoàn thuế, như công nhân lao động trong các CTCP, người nghèo, người nghỉ hưu có cổ phiếu... Trong hoàn cảnh đó, liệu cơ quan thuế có thể thực hiện không?
Thật vất vả cho những người hưởng lương hưu, có cổ phiếu. Vì họ phải đưa sổ lương hưu, chứng nhận thu thuế cổ tức để hoàn lại khoản thuế này. Trong thời gian qua, trong khi TTCK thế giới phát triển, tăng điểm, thì TTCK Việt Nam lại èo uột, mất điểm, không thu hút được dòng tiền nhàn rỗi, góp phần vào các yếu kém đó có việc thực thi sắc thuế này.
Ba là, trong những năm TTCK suy thoái (như năm 2008, 2010), nên miễn thuế chuyển nhượng chứng khoán để khuyến khích phát triển thị trường. Bởi vì đại bộ phận người đầu tư bị lỗ và Tổng cục Thuế chắc cũng hiểu rằng năm 2010 đã đánh thuế vào thu nhập âm (-), vì người đầu tư bắt buộc phải chọn phương pháp 2. Đây là hành động trái với tinh thần của Luật Thuế TNCN, không có thu nhập vẫn đánh thuế. Chúng ta nên hiểu rằng, khoản thuế này là không nhiều đối với một quốc gia, ngược lại, khi TTCK phát triển thì khoản chênh lệch giá khi chúng ta cổ phần hóa 1 - 2 DNNN sẽ bù đắp ngay khoản thu này.
Bốn là, nên sửa lại cách thực thi sắc thuế chuyển nhượng cổ phiếu, nên ủy quyền cho CTCK nơi nhà đầu tư mở tài khoản tính toán lãi lỗ cho người đầu tư để áp thuế theo phương pháp 1. Bởi hầu hết người đầu tư cổ phiếu đều muốn thực thi thuế TNCN theo phương pháp 1 cho năm 2010 nhưng không thể.
Năm là, những người làm chính sách thuế nên tham gia đầu tư cổ phiếu, chí ít cũng nên tham gia học tập, đào tạo về chứng khoán để hiểu thêm thực tế khi xây dựng chế độ. Đồng thời, công tác tuyên truyền phổ cập kiến thức về chứng khoán và TTCK cần được tăng cường thêm, đặc biệt là đối với các cán bộ, cơ quan xây dựng chính sách liên quan đến TTCK.
Theo TS. Tôn Tích Quý
ĐTCK