Trở lại Đoàn C57, Vùng D Hải quân (Trường Sa), chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của Đoàn sau một năm thực hiện xây dựng đơn vị điểm. Doanh trại từ cơ quan đến đơn vị được xây dựng chính quy, hiện đại, nhiều công trình phục vụ đời sống bộ đội đưa vào sử dụng, góp phần tạo thêm sức mạnh của một đơn vị làm nhiệm vụ phòng thủ, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là Đoàn đã quy hoạch, xây dựng được khu tăng gia tập trung cung cấp rau xanh, thực phẩm cho bộ đội với mục tiêu thực hiện “4 không” trên vùng cát hoang hóa bạc màu và sình lầy chua mặn.
Chiến sĩ Đoàn C57 thu hoạch rau tại khu tăng gia của đơn vị |
Thiếu tá Đàm Quốc Trượng, Phó chủ nhiệm Hậu cần Đoàn C57 cho biết: Để quy hoạch được khu tăng gia sản xuất rộng hơn 14.000m2, đơn vị đã huy động hơn 4000 ngày công của bộ đội. Trong thời gian này, toàn đơn vị như một công trường đang bước vào mùa xây dựng, mỗi cán bộ, chiến sĩ là một “công nhân” trên công trường ấy. Ai cũng hăng say lao động, với mong muốn bằng bàn tay khối óc của mình, bắt mảnh đất cỗi cằn này đơm hoa kết trái và cho quả ngọt.
Huy động công sức bộ đội để cải tạo, xây dựng khu tăng gia sản xuất thì dễ, nhưng vốn đầu tư ban đầu cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mua cây giống, con giống thì vô cùng khó khăn, vì Đoàn C57 là đơn vị huấn luyện chiến đấu, kinh phí rất hạn hẹp, sự đầu tư của trên chỉ mức độ nhất định... Bài toán nan giải ấy tưởng chừng như không thể giải quyết nhưng với ý chí quyết tâm, với tinh thần “tay không bắt giặc”, Đoàn thực hiện thành công với số vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn 44 triệu đồng. “Ngay sau khi khu tăng gia cho thu hoạch những sản phẩm đầu tiên, chúng tôi mới thấy chủ trương của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với đặc điểm cũng như tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”. -Thiếu tá Đàm Quốc Trượng nói.
Giờ đây, vườn trồng rau xanh có diện tích trên 6000m2 được kè móng và làm rãnh thoát nước kiên cố đã bắt đầu cho thu hoạch mùa nào thức nấy. 8 ao thả cá có diện tích trên 8000m2 với đủ loại: cá chép, cá mè, cá rô phi, cá trôi, cá chim trắng... đều sinh trưởng tốt. Khu chuồng nuôi lợn có diện tích 192m2 bình quân mỗi năm nuôi 250 đến 300 con với nhiều thế hệ: lợn thịt, lợn nhỡ, lợn con, lợn nái... Nuôi nhiều lợn, đơn vị tận dụng nguồn phân để làm khí Bioga phục vụ cho việc đun nấu và bảo vệ môi trường. Đơn vị còn nuôi gia súc, gia cầm như; bò, dê, chó, gà, ngan, vịt... Hiện tại, Đoàn có gần 100 con bò và trên 120 con dê; các đàn gia cầm lên tới hàng trăm con...
Bên cạnh mô hình vườn-ao-chuồng, Đoàn C57 còn đầu tư xây dựng được 1 cơ sở sản xuất nước mắm, khu sơ chế, giết mổ và chế biến đậu phụ cung cấp thực phẩm cho bộ đội. Do tính toán kỹ lưỡng và đầu tư hợp lý, đến nay, đơn vị thực hiện tốt “4 không”, đó là không mua nước mắm, không mua giá đỗ, không mua đậu phụ, không mua rau xanh. “4 không” này vừa góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bộ đội, vừa giảm được giá thành so với thị trường. Đơn cử như việc sản xuất nước mắm: Nếu mua ngoài thị trường, nước mắm mua cho bộ đội ăn phải trên 30.000 đồng/lít nhưng khi đơn vị sản xuất được, giá thành chỉ có 10.000 đồng/lít, rẻ hơn 20.000 đồng/lít.
Từ khi khu tăng gia sản xuất tập trung đi vào hoạt động, đời sống bộ đội của Đoàn được cải thiện rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2009, tổng giá trị lãi từ tăng gia sản xuất chế biến đạt bình quân 673.500 đồng/ người/ năm; đưa vào bữa ăn thêm ngày lễ, Tết và bữa ăn thường xuyên cho bộ đội được 403.805 đồng/ người/ năm.
Không dừng lại ở việc nuôi trồng như hiện nay, Đoàn C57 đang có dự định trồng đa dạng hóa các sản phẩm để ngoài việc đưa vào bữa ăn thường xuyên của bộ đội, còn có thể cung cấp các loại củ, quả phục vụ bộ đội và nhân dân đang sống và làm nhiệm vụ trên huyện đảo Trường Sa và các tàu trực dài ngày trên biển.
Ông cha ta thường nói “thực túc binh cường”, đời sống bộ đội có khá thì khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội mới cao. Đoàn C57 đang mạnh dần lên cả trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng như lao động sản xuất, đó là niềm vui, là động lực để cán bộ, chiến sĩ nơi đây gắn bó, yêu mến và cống hiến cho đơn vị.
Trịnh Văn Dũng