Đoàn liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Phiên họp và đối thoại với các thành viên Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc về việc thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam.
Nhân sự kiện này, Báo PLVN khởi đăng loạt bài về việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ ba và kết quả thực thi Công ước ICCPR trong những năm qua tại Việt Nam.
Công ước ICCPR là điều ước quốc tế do Đại hội đồng Liên Hợp quốc và các quốc gia thành viên thông qua ngày 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976, trong đó quy định về các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người.
Các quốc gia thành viên phải tôn trọng các quyền được quy định tại Công ước, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp hòa bình, quyền tự do lập hội, quyền bầu cử, quyền bình đẳng trước pháp luật...
Điều đó được ghi nhận tại khoản 1 Điều 2 Công ước ICCPR: “Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”.
Theo khoản 1 Điều 40 Công ước ICCPR, “các quốc gia thành viên của Công ước này cam kết sẽ đệ trình báo cáo về những biện pháp mình đã thông qua để tăng hiệu lực của các quyền được xác nhận trong Công ước và về những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền đó”.
Thực hiện cam kết của mình khi gia nhập Công ước ICCPR ngày 24/9/1982, Việt Nam đã xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR tới Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc vào cuối năm 2017.
Báo cáo lần này đã cung cấp những thông tin một cách đầy đủ và toàn diện về tình hình thực thi Công ước ICCPR từ năm 2002 đến tháng 9/2017 tại Việt Nam, gồm những thông tin chung khái quát về hệ thống các cơ quan nhà nước, khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền con người ở phạm vi quốc gia, thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người thách thức đối với Việt Nam và những thông tin chi tiết về tình hình thực thi các quy định cụ thể của Công ước.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng tập trung vào những Kết luận quan sát của Ủy ban Công ước nêu ra sau khi xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam đệ trình năm 2002.
Sau khi Việt Nam nộp Báo cáo lần thứ ba nêu trên, tháng 6/2018, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc đã đưa ra Danh mục các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo lần thứ ba của Việt Nam. Tháng 10/2018, Việt Nam có Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền, trong đó làm rõ thêm những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền con người và quyền công dân, đồng thời khẳng định việc tuân thủ các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dự kiến, tại Phiên họp ngày 11-12/3/2019 tới đây, Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp quốc sẽ tiến hành xem xét Báo cáo lần thứ ba của Việt Nam về việc thực thi Công ước ICCPR và sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với Đoàn Việt Nam về những nội dung của Báo cáo.
Để chuẩn bị cho việc tham gia Phiên họp này, trong vai trò là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo để tham vấn các ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, mới đây nhất là tổ chức 2 Phiên giả định tăng cường kỹ năng trả lời trước Ủy ban Nhân quyền về Báo cáo lần thứ ba tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Bà Sarah H. Cleveland – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đến Việt Nam với tư cách là chuyên gia hỗ trợ, giúp hiểu rõ hơn về quy trình, thủ tục tại Phiên họp xem xét Báo cáo; cách thức điều hành, các nhiệm vụ của Ủy ban Nhân quyền, đồng thời chia sẻ kỹ năng đối thoại và một số lưu ý về danh sách các vấn đề quan tâm của Việt Nam.
Báo cáo lần thứ ba của Việt Nam đã bao quát một cách toàn diện việc thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam với những kết quả, số liệu thống kê cụ thể về từng vấn đề đặt ra tại Kết luận quan sát của Ủy ban Nhân quyền.
Tại các Phiên giả định vừa diễn ra tại Việt Nam, bà Sarah H. Cleveland đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam và hy vọng rằng việc đối thoại về Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam tại Ủy ban Nhân quyền trong tuần tới tại Thụy Sỹ sẽ diễn ra tốt đẹp.
(còn tiếp)