Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, đến nay đại bàn có 2.323 ca mắc bệnh tiêu chảy (tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2009), trong đó có 13 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Nguyên nhân của dịch tả được xác định hầu hết là do ăn thức ăn hàng rong, rau sống… Trước cổng Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3) cảnh kẻ bán, người mua hàng rong tấp nập không khác cái chợ. Phụ huynh, học sinh tranh thủ mua xôi, bánh mì, bánh ướt… để ăn sáng. Tương tự, tại THCS Hồng Bàng (quận 5), học sinh cũng vây kín các xe đẩy, quầy bán nước, bánh mì, xôi. Cách đây không lâu, đã có hai ca mắc tả được xác định do ăn thức ăn của một người bán hàng rong trước cổng trường này.
Sở Y tế khuyến cáo người dân buôn bán, sinh hoạt trên sông không nên tắm sông hoặc sử dụng nước sông chưa qua xử lý (ảnh chụp tại lưu vực cầu Tân Thuận, quận 7, TP HCM). Ảnh: Tây Đô |
Một phụ huynh cho biết: “Qua báo chí, tôi cũng có biết các trường hợp mắc tả do ăn phải thức ăn không vệ sinh. Nhưng chúng tôi đưa con đi học, rồi phải đi làm nên không có thời gian nấu đồ ăn sáng. Vào quán thì mắc, bởi vậy đành cho con ăn bụi!”. Còn các học sinh, khi được hỏi thì trả lời vô tư: “Tụi em ăn suốt, có thấy bị sao đâu”. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM hiện tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân điều trị tiêu chảy. Điều tra dịch tễ cho thấy, phần lớn bệnh nhân này đều có ăn, uống ở các quán hàng rong, vỉa hè. Trong khi đó, tại các cổng trường, bệnh viện hàng quán rong không đảm bảo vệ sinh mọc lên rất nhiều nhưng không ai kiểm soát.
Theo bác sĩ Lê Hoàng San, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện nay bệnh tả ở khu vực phía Nam diễn biến phức tạp. Tỉnh có số mắc tả cao nhất là Bến Tre, An Giang. Hiện có 6 địa phương có bệnh nhân tả là An Giang, TP HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu với hơn 100 ca mắc bệnh. |
Cuối tháng 8, Bệnh viện Nhiệt Đới lại tiếp nhận bệnh nhân tên V. (43 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) mắc bệnh tả. Theo các bác sĩ, trước đó vài ngày, sau khi ăn rau sống cùng chồng, chị V. bị tiêu chảy, nôn ói, trụy tim mạch. Bệnh nhân cho biết, do công việc buôn bán trên sông nên chị thường xuyên lui tới khu vực Rạch Đĩa, Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Kể từ lúc mắc bệnh, chị đi vệ sinh nhiều lần xuống sông. Trong tháng 7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam 20 tuổi, sống trên ghe ở Phước Kiểng bị bệnh tả do ăn rau sống và đại tiện xuống sông. Đại diện ngành y tế huyện Nhà Bè cho biết mặc dù trước đó đã ra quân kiểm soát chặt chẽ các điểm ghe thuyền thường buôn bán, neo đậu để kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên vẫn không kiểm soát được các ca mắc tả. Bác sĩ Khoa nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, tả là bệnh tiêu chảy cấp do ruột bị một loài vi khuẩn có tên khoa học là Vibrio Cholerae tấn công. Vi khuẩn tả phát tán nhanh trong môi trường nước. Do đó, nếu không kiểm soát nguồn bệnh, vi khuẩn có thể đi theo nước sinh hoạt, nước tưới rau và nếu không nấu chín mà ăn vào thì chắc chắn mắc bệnh. Biểu hiện lâm sàng nặng của dịch tả là tiêu chảy ồ ạt, nôn ói, bệnh nhân bị mất nước nhanh chóng dẫn đến sốc giảm thể tích, suy thận. Nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể tử vong trong vài giờ. Khi người bị bệnh làm dính phân, dịch nôn ói mà không vệ sinh kỹ, người khác vô tình dính tay vào rồi cầm thức ăn thì cũng lây bệnh. Do đó, điều cần thiết là rửa tay sạch trước khi ăn, tốt nhất là không nên ăn, uống ở hàng rong, vỉa hè.
Theo Tây Đô
Đất Việt
Đất Việt