Thực hư nghi án tham nhũng của cựu Tổng thống G. Arroyo

Cựu TT Gloria Macapagal Arroyo
Cựu TT Gloria Macapagal Arroyo
(PLO) -Sự có mặt của bà Gloria Macapagal Arroyo tại Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về chiến lược của chính phủ trong việc đàm phán với Trung Quốc xung quanh “vấn đề Biển Đông” hôm 27/7, với Tổng thống Rodrigo Duterte và 3 cựu tổng thống khác (Fidel Ramos, Joseph Estrada và Benigno Aquino) cho thấy vai trò của nữ Tổng thống thứ hai trong lịch sử Philippines. 

Hơn nữa, việc này diễn ra sau khi bà Gloria Macapagal Arroyo được trả tự do hôm 19/7, sau hơn 5 năm bị quản thúc tại một bệnh viện quân đội ở thủ đô Manila, vì bị cáo buộc phạm tội gian lận bầu cử và tham nhũng.

Từ nghi án tham nhũng

Với 11 phiếu thuận và 4 phiếu chống, 11 Thẩm phán của Tòa án Tối cao đã ra phán quyết bác bỏ vụ kiện trước đây đối với bà Gloria Macapagal Arroyo vì thiếu bằng chứng. Và ngay sau phán quyết hôm 19/7 của Tòa án Tối cao, nữ cựu Tổng thống đã trở về tư dinh dưới sự tháp tùng của chồng con, người thân và những người ủng hộ. 

Ngay sau khi nữ cựu Tổng thống thoát án tham nhũng, trang tin Rappler lập tức tiết lộ, trong số 11 thẩm phán bỏ phiếu thuận hôm đó, có tới 8 người từng được bà Gloria Macapagal Arroyo bổ nhiệm trước đây.

Tân tổng thống được coi là cứu tinh của bà Gloria Macapagal Arroyo bởi ngay khi khi nhậm chức, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố, không đủ chứng cứ để cáo buộc tham nhũng đối với nữ cựu Tổng thống và đề nghị tha bổng người phụ nữ này. Một trong những luật sư của bà Gloria Macapagal Arroyo, ông Raul Lambino cho biết, nữ cựu Tổng thống cảm kích vì quyết định của Tòa án Tối cao.

Trong khi đó, một luật sư khác của nữ cựu Tổng thống, ông Ferdinand Topacio tuyên bố, Tòa án Tối cao một lần nữa chứng tỏ rằng, pháo đài cuối cùng của công lý và pháp luật xác nhận những gì họ đã nói trong nhiều năm trước. 

Điều đáng nói là mặc dù bị quản thúc tại một bệnh viện quân đội ở thủ đô Manila, nhưng bà Gloria Macapagal Arroyo vẫn được tái bầu vào quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, cho dù không tham dự bất cứ phiên họp nào và chưa được bất cứ một tòa án xóa án.

Bà Gloria Macapagal Arroyo từng từ chối đề nghị tha bổng của tân Tổng thống Rodrigo Duterte với lý do "chỉ người có tội mới cần tha bổng". Bởi từ tháng 2-2016, khi đang tranh cử, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố, nếu được bầu làm Tổng thống, sẽ ra lệnh thả bà Gloria Macapagal Arroyo.

Trước đó, bà Gloria Macapagal Arroyo đã từ chối bào chữa tại một phiên tòa. Khi đó, nữ cựu Tổng thống đã ngồi im lặng trước Thẩm phán Efren dela Cruz, người đọc bản án cho rằng, bà đã tham nhũng 8,8 triệu USD trong giai đoạn nắm quyền (2001-2010).

Một trong những luật sư của bà Gloria Macapagal Arroyo, ông Ferdinand Topacio cho biết, thân chủ không xin bào chữa vì nhóm luật sư của nữ cựu Tổng thống đề nghị kiểm tra lại tính hợp pháp của việc bắt giữ bà. Bà Gloria Macapagal Arroyo còn phải hầu tòa trên xe lăn sau khi bị cáo buộc lạm dụng quyền lực và sử dụng sai mục đích nhiều triệu USD từ quỹ xổ số.

Tại thời điểm đó, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xổ số từ thiện nhà nước (PCSO) Manoling Morato, đã không có mặt tại tòa (bị tạm giữ tại Trung tâm y tế St. Luke).

Hơn 5 năm trước, vụ bắt giữ bà Gloria Macapagal Arroyo từng gây chấn động dư luận xã hội, cũng như chính trường Philippines. Bởi nữ cựu Tổng thống là bạn học với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, là con gái của Tổng thống thứ 9 Philippines Diosdado Macapagal và từng được tạp chí Forbes bình chọn (năm 2005) là nhân vật thứ tư trong danh sách những phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới.

Sau khi trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên và nữ Tổng thống thứ hai sau bà Corazon Aquino (mẹ của cựu Tổng thống Benigno Aquino), bà Gloria Macapagal Arroyo đã phải đối mặt với không ít cáo buộc trong 9 năm cầm quyền.

Tất cả cáo buộc đều không làm khó được bà Gloria Macapagal Arroyo, kể cả một số âm mưu đảo chính quân sự như “Binh biến Oakwood” hồi cuối tháng 7-2003, nhưng sau khi ông Benigno Aquino lên cầm quyền, mọi việc đã chuyển hướng 180 độ.

Đầu tiên, bà Gloria Macapagal Arroyo bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004 và sử dụng sai mục đích liên quan tới số tiền 366 triệu peso (khoảng 7,82 triệu USD) từ quỹ xổ số từ thiện quốc gia.

Gần 3 năm trước, chính phủ của Tổng thống Benigno Aquino chính thức đưa ra cáo buộc đối với bà Gloria Macapagal Arroyo và 21 cựu quan chức chính phủ vì phạm tội tham ô, sử dụng sai mục đích quỹ phúc lợi Malampaya từ năm 2009. Theo cáo trạng, 900 triệu peso (khoảng 20,74 triệu USD) của quỹ này đã bị “bốc hơi”.

Trước đó, nữ cựu Tổng thống bị cảnh sát bắt sau khi bị buộc tội biển thủ công quỹ trong thời gian nắm quyền. Đó là lần thứ 3 bà Gloria Macapagal Arroyo bị điều tra về tội tham nhũng. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi bà Gloria Macapagal Arroyo nộp tiền bảo lãnh và được tại ngoại hồi tháng 7/2012.

Ngày 15/11/2011, bà Gloria Macapagal Arroyo bị bắt ở sân bay khi đang làm thủ tục rời Philippines để chữa bệnh. Đến tối 18/11/2011, nữ cựu Tổng thống nghe đọc lệnh bắt trên giường bệnh tại bệnh viện St. Luke ở Manila.

Dư luận Philippines đã có phản ứng khác nhau sau khi Ủy ban bầu cử Philippines quyết định khởi tố bà Gloria Macapagal Arroyo với tội danh phá hoại bầu cử hôm 18/11/2011. Khi đó, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Sixto Brillantes cho biết, quyết định kể trên khiến nữ cựu Tổng thống và cựu Đệ nhất phu quân Jose Miguel Arroyo không thể bay sang Singapore để chữa bệnh. 

Cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo rời quân y viện sau 5 năm bị quản thúc để lên xe trở về nhà
Cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo rời quân y viện sau 5 năm bị quản thúc để lên xe trở về nhà

Tới “đi đêm” với Bắc Kinh

Giới chuyên môn cho rằng, mặc dù nữ cựu Tổng thống thoát cáo buộc tham nhũng gần 8 triệu USD, nhưng vẫn đang phải đối mặt với cuộc điều tra về cáo buộc nhận hối lộ trong hợp đồng Internet băng thông rộng trị giá 329 triệu USD với công ty Trung Hưng - ZTE của Trung Quốc năm 2007.

Gần 5 năm trước (tháng 9-2011), WikiLeaks từng tiết lộ thông tin động trời - nữ cựu Tổng thống đã hối lộ để cho Trung Quốc thăm dò chung khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong).

Và thông tin này được trang web của tờ Tribune (Phlippines) đăng tải. Trong một bức điện do bà Kristie Kenney, Đại sứ Mỹ tại Philippines, gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/4/2008 có đoạn nói về cách thức Trung Quốc “mua” chính quyền của bà Gloria Macapagal Arroyo.

Việc này được thực hiện qua công ty ZTE - trúng thầu với những điều kiện bất thường. ZTE là hãng chuyên cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc, từng cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ. Và cựu Đệ nhất phu quân Jose Miguel Arroyo đã nhận hàng triệu USD hối lộ từ công ty Trung Hưng. 

Thượng viện Philippines đã mở nhiều cuộc điều tra để nghe báo cáo về cáo buộc tham nhũng từng gây rúng động nước này. Do đó, sau khi tuyên bố nhậm chức, Tổng thống Benigno Aquino đã mở cuộc điều tra nhằm vào người tiền nhiệm Gloria Macapagal Arroyo. Việc thành lập “Ủy ban sự thật” do cựu Bộ trưởng Tư pháp Davide đứng đầu khi đó tập trung vào 3 chủ đề chính.

Thứ nhất, làm rõ những cáo buộc bà Gloria Macapagal Arroyo gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004.

Thứ hai, các đồng minh của nữ cựu Tổng thống đã thu lợi bất chính từ một thỏa thuận băng thông rộng trị giá 329 triệu USD của Philippines với công ty ZTE của Trung Quốc.

Thứ ba, các đồng minh của bà Gloria Macapagal Arroyo đã sử dụng sai mục đích một quỹ trị giá 728 triệu peso (khoảng 15,68 triệu USD) của Chính phủ. Khi đó, phe đối lập nghi ngờ bà Gloria Macapagal Arroyo đã hành động không phù hợp khi thông qua hợp đồng đầy tai tiếng với ZTE bất chấp mọi khuyến cáo. \

Và để ngăn chặn sự chống phá của phe đối lập và sức ép dư luận, thân tín của bà Gloria Macapagal Arroyo đã chi hơn 120 triệu peso (khoảng 2,7 triệu USD) từ công quỹ để lót tay cho 190 nghị sĩ và 48 tỉnh trưởng được mời tới dinh Tổng thống hôm 11/10/2008.

Phong bì được gửi với danh nghĩa quà biếu của nữ Tổng thống, nhưng sau khi có người tố cáo vấn đề này, bà Gloria Macapagal Arroyo lập tức ra lệnh cho Ủy ban chống tham nhũng điều tra “vụ hối lộ” kể trên. 

Tuy là Tổng thống thứ 14, nhưng bà Gloria Macapagal Arroyo lại là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống và Tổng thống ở Phillipines. Hơn 12 năm trước, tại đảo Cebu, bà Gloria Macapagal Arroyo đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống đầu tiên của Philippines làm lễ nhậm chức ở đây.

Nhưng sau khi rời chiếc ghế quyền lực, bà Gloria Macapagal Arroyo đã phải trả giá cho trò gian lận bầu cử để trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2004.

Ngày 10/6/2005, cựu Phó Giám đốc Văn phòng điều tra quốc gia (NBI) Samuel Ong tiết lộ, sở hữu những cuộn băng gốc về cuộc nói chuyện giữa bà Gloria Macapagal Arroyo với một viên chức Ủy ban Bầu cử - đã gian lận khoảng 1 triệu phiếu trong cuộc bầu cử năm 2004.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.