Yêu cầu cấp thiết
Trong mấy tháng gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực Vật Cách-Quán Toan (quận Hồng Bàng) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều học sinh Trường THCS Quán Toan có triệu chứng khó thở, buồn nôn, một số em bị ngất phải đi cấp cứu. Dư luận cho rằng, một trong những nguyên nhân là ô nhiễm môi trường do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất thép. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng kết quả kiểm tra chưa có kết luận chính thức. Một số giải pháp mà dư luận đưa ra như di chuyển trường học, ngừng hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thép, tiến tới di chuyển các nhà máy ra khu vực xa khu dân cư ...đều khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”.
Sự việc xảy ra ở khu vực Vật Cách-Quán Toan là một vụ việc điển hình về vấn đề ô nhiễm môi trường ở thành phố Hải Phòng. Cách đây không lâu, khi Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới chưa được xây dựng, người dân thành phố đã phải nhiều lần “chịu trận” hít bụi xi măng. Gần đây nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ở Tràng Cát (Hải An)…Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng được dư luận quan tâm, tăng cường bảo vệ môi trường trong tình hình hiện nay trở thành yêu cầu cấp thiết.
Với đặc điểm của thành phố công nghiệp phát triển, Hải Phòng luôn đối diện và phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường ngành công nghiệp khoáng sản, đóng tàu, sản xuất thép, hóa chất…Do đó, cùng với sự phát triển của thành phố, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng gây ra nhiều áp lực đối với công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Năm 2009, các đoàn kiểm tra liên ngành đã thanh tra, kiểm tra việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp. Từ đó, cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả đối với 18 đơn vị, kiểm tra sau đánh giá tác động môi trường 31 doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn các quận Kiến An, Hồng Bàng và các huyện Thủy Nguyên, An Dương. Cơ quan chức năng cấp 45 sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, 18 báo cáo đánh giá tác động môi trường và hướng dẫn 28 chủ dự án thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các dự án sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND thành phố.
Hướng tới phát triển bền vững
Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 23, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận khẳng định: Những kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2009 cho thấy, nền kinh tế thành phố ngày càng thể hiện rõ yếu tố bền vững ngay từ cơ cấu kinh tế. Chủ đề của năm 2010 được Thành ủy nhất trí cao: “ Tăng cường bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội”.
Giải pháp để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2010 được xác định rõ. Bên cạnh các vấn đề liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội đã được đặt ra và thực hiện từ năm 2009, thực hiện nhiệm vụ 2010 chú trọng bảo vệ môi trường. Đó là: “Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật một số khu đô thị, xây dựng nhanh một số dự án khu đô thị trọng điểm. Quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm nguồn lực khoáng sản được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Tích cực phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt khu vực phục vụ việc xây dựng các công trình, dự án, giải quyết một bước cơ bản tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, các khu đông dân cư; quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường trên các hồ, ao, kênh mương”.
Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Thành phố sẽ triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và tăng cường công tác quản lý môi trường ngay từ khi thẩm định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, các dự án đầu tư, giám sát chặt chẽ việc thực hiện để ngăn chặn ô nhiễm, xử lý kịp thời, kiên quyết, có hiệu quả các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu và giảm ô nhiễm, thay thế dần các công nghệ lạc hậu, đổi mới phương thức quản lý tiên tiến…đồng thời huy động các nguồn lực để đầu tư khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, tập trung đầu tư để xử lý chất thải rắn, nước thải ở các đô thị, trung tâm, công nghiệp, dịch vụ, các bệnh viện. Chủ đề hành động năm 2010 thể hiện rõ quan điểm của thành phố Hải Phòng trong sự nghiệp phát triển những năm tới, đó là phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn liền với an sinh xã hội./.
Việt Anh