Vướng về mặt bằng
Hải Phòng là một trong số ít địa phương tranh thủ được nguồn vốn lớn từ trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Đây là nguồn lực quan trọng để đổi mới một bước cơ sở vật chất bệnh viện góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Song công tác giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ của Hải Phòng chỉ đạt mức trung bình của cả nước mà nguyên nhân chủ yếu từ khâu giải phóng mặt bằng.
Vướng từ mặt đất…
Theo kế hoạch, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng Hải Phòng, thành phố tổ chức khởi công xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp cơ sở 2 tại xã An Đồng, huyện An Dương, với tổng diện tích 18,6 ha. Bệnh viện hoàn thành gói thầu rà, phá bom mìn, chọn nhà thầu tư vấn, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán, giám sát thi công và hoàn thành gói thầu san lấp mặt bằng… Thế nhưng ngày đó đã qua, Bệnh viện Việt-Tiệp không thể khởi công xây dựng cơ sở 2 đúng hẹn vì liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Mặc dù thành phố đã vận dụng chính sách và tạo điều kiện mọi mặt thuận lợi nhất, song hộ ông Nguyễn Văn Điều vẫn chưa chịu di chuyển, bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân hộ ông Điều cho rằng mức hỗ trợ của thành phố còn thấp và yêu cầu bố trí diện tích đất tái định cư nhiều hơn mức thành phố quyết định cấp đất tái định cư cho gia đình ông.
Tương tự dự án xây mới Bệnh viện đa khoa quận Hải An sau hơn 2 năm triển khai vẫn nằm trên giấy. Theo quy hoạch, Bệnh viện đa khoa Hải An có tổng diện tích 1,7 ha, với tổng số tiền đầu tư xây dựng 20 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho dự án, UBND quận Hải An chọn vị trí đất được cho là “đắc địa”, gần trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền quận. Ban quản lý dự án y tế và địa phương thực hiện việc kiểm kê mặt bằng, trả tiền đền bù cho các hộ dân từ giữa năm 2009. Phó ban quản lý dự án y tế (Sở Y tế) cho biết: Các hộ đồng ý với mức đền bù, nhận tiền và nhiều hộ được thưởng vì sớm thực hiện kiểm kê, đền bù và giải phóng mặt bằng nhanh. Nhiều hộ dân nhận tiền tạm lánh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng xây dựng bệnh viện chưa bàn giao mặt bằng như đã cam kết. Nguyên nhân UBND quận Hải An mới bố trí tái định cư 6 hộ. Còn 44 hộ dân chưa nhận được đất tái định cư nên chưa bàn giao mặt bằng. Để giải quyết vấn đề mặt bằng thi công dự án, Ban quản lý dự án các công trình y tế (Sở Y tế) và đơn vị tư vấn thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch Bệnh viện đa khoa Hải An, bố trí tái định cư tại chỗ cho 36 hộ dân, với tổng diện tích hơn 2000m2. Như vậy, đến giữa tháng 7-2010, còn 8 hộ dân chưa được giao đất tái định cư, chưa bàn giao mặt bằng theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là khi vốn trái phiếu Chính phủ dành xây dựng các bệnh viện đa khoa quận, huyện sẽ kết thúc trong 2 năm tới, tại cuộc họp với lãnh đạo UBND thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Y tế đề xuất phương án “những hộ dân được nhận đất tái định cư tại chỗ, Ban quản lý dự án sẽ phát tích kê chứng nhận được cấp đất tái định cư”. Với diện tích đất là ruộng đã hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư có thể tiến hành khởi công từng phần theo quy định. Song ý tưởng này chưa nhận được sự đồng tình cao từ các cấp, ngành.
…đến vướng trên không
Không chỉ vướng mặt đất, nhiều dự án y tế còn bị “vướng” cả trên không. Nhiều bệnh viện đa khoa quận, huyện cho ngành điện chạy cáp qua như Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Thụy, Ngô Quyền, An Dương, An Lão, Hải An, Bệnh viện Việt-Tiệp cơ sở 2...
Vì vậy, để thi công dự án này, ngành Y tế phải giải phóng mặt bằng trên không, bằng cách “thương lượng” với ngành điện. Các giải pháp như ngầm hóa dây điện chạy qua các công trình y tế được cho là khả thi nhất. Song việc ngầm hóa này lại cần kinh phí và thời gian, trong đó, các bệnh viện phải bỏ kinh phí mua dây, chuyển cột…Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa quận Ngô Quyền cho biết: Để di chuyển đường điện 220V phục vụ thi công cho Khoa Khám bệnh, bệnh viện phải thương lượng với ngành điện, đóng tiền mua dây, di chuyển đường điện.
Song việc di chuyển đường điện 220V còn dễ, nhưng với những đường điện 110kV phức tạp hơn và kinh phí các bệnh viện phải đóng góp vào việc này không nhỏ. Trong trường hợp không ngầm hóa được đường điện, di chuyển đến vị trí nào không đơn giản, vì chẳng ai muốn bị đường điện chạy trên đầu. Tuy nhiên, việc di chuyển đường dây nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào ngành điện, sự phối hợp của các ngành liên quan, sự tham gia của chính quyền sở tại. Chính điều đó là một trong nguyên nhân khiến tiến độ triển khai dự án y tế vốn chậm lại càng ì ạch hơn./.
(Còn tiếp)
Hoàng Dũng