Thổi “làn gió mới” vào hoạt động khuyến nông
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, gia súc, gia cầm… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Nhưng việc thực hiện đạt hiệu quả chưa cao, Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn nhiều người dân sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống.
Bàn về vấn đề này, ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề xuất, cần đổi mới cơ chế chính sách: Đối với dự án khuyến nông ưu tiên áp dụng hình thức “kéo”, lựa chọn những mô hình sản xuất đang thành công để xây dựng thành các đề án để hoàn thiện và mở rộng sản xuất đại trà. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm mô hình quỹ khuyến nông, tăng cường hợp tác quốc tế về khuyến nông để tạo nguồn lực đầu tư để ổn định và phát triển hoạt động khuyến nông.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ kiến nghị, cần tăng cường chính sách khuyến nông về hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản. Ngoài ra cần cải thiện chế độ tiền lương cho mạng lưới khuyến nông, bảo vệ thực vật cơ sở xã phường, giúp hệ thống này yên tâm phục vụ, tránh tình trạng thường xuyên nghỉ và chuyển công tác.
Con đường ngắn nhất thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mục tiêu của dự án tái cơ cấu nông nghiệp là nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân làm nông nghiệp. Để đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp cần xác định hai trụ cột quan trọng nhất, đó là khoa học và chuyển giao công nghệ, tổ chức lại sản xuất các ngành hàng công nghiệp.Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trên mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nông nghiệp bùng nổ mạnh mẽ. Trong đó, biến đổi khí hậu tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường và phát triển nông nghiệp thì việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế là một yêu cầu cấp thiết.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có nhiều tiến bộ và hiệu quả, TP Cần Thơ đã và đang tiến hành các bước tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020 nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Đào Anh Dũng nói thêm rằng, trong thời gian tới sẽ tập trung tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tuyên truyền nhân rộng mô hình góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao dân trí, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật luân canh cây trồng, vật nuôi đa dạng, phong phú thu hút nông dân và phù hợp với điều kiện thực tế của sản xuất.