Thức dậy sắc hương sen cổ trắng Huế trên hồ Tịnh Tâm

Những búp sen xanh gối tiếp loạt sen đang nở hứa hẹn một mùa sen trắng cổ Huế hồi sinh trên hồ Tịnh Tâm.
Những búp sen xanh gối tiếp loạt sen đang nở hứa hẹn một mùa sen trắng cổ Huế hồi sinh trên hồ Tịnh Tâm.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuối tháng 5 đầu tháng 6, nhiều người hồ hởi về hồ Tịnh Tâm (TP Huế, Thừa Thiên Huế) để ngắm sen trắng cổ Huế mới hồi sinh. Loài hoa làm say mê các nhiếp ảnh gia trước sắc trắng dịu dàng trên nền cảnh cổ kính của cố đô. Những người đam mê với “đệ nhất danh trà xứ Huế” cũng được dịp gói trọn tâm tình mang đến với thực khách mọi miền. 

Sức hút từ sắc hoa tinh khiết

Hồ Tịnh Tâm với chu vi gần 1500m tọa lạc giữa hai phường Thuận Lộc và Thuận Thành, TP Huế. Những ngày này hồ khiến cho nhiều người ngỡ ngàng trước sự “bừng giấc” của ngàn vạn búp sen trắng cổ Huế. Hoa sen trắng – bạch liên độc sắc bồng bềnh trên mặt hồ cùng các đảo thần tiên ở đây vốn là chữ Tâm trong lối kiến trúc xây dựng chú trọng hài hòa với thiên nhiên trở lại sau bao năm người yêu Huế chỉ xem đó là hoài niệm.

Từ 6h sáng, những cô gái Huế diện các bộ cổ phục triều Nguyễn hay áo dài truyền thống đến đây để chụp ảnh lưu giữ tuổi thanh xuân. Mặc áo màu nào phối với nền búp sen xanh, lá xanh, hoa trắng tinh khiết thì người phụ nữ cũng trở nên trang nhã và thanh tao hơn.

Những chiếc áo cổ phục nổi bật giữa đầm sen xanh
 Những chiếc áo cổ phục nổi bật giữa đầm sen xanh

Mấy năm trước, để nguôi bớt nỗi nhớ sen Tịnh Tâm người dân quanh hồ đấu thầu trồng sen hồng. Năm nay, nhằm phục hồi sen trắng Tịnh Tâm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp cùng một công ty chuyên về sản xuất hữu cơ địa phương lập kế hoạch thực hiện với nhiều tâm huyết. Qua đó, sau khi vớt hàng trăm tấn bèo, rau muống đồng thời nạo vét làm sạch cả bề mặt, tầng đáy hồ, các kỹ sư đã cấy vi sinh rồi gieo trồng, chăm sóc loài sen quý mang nét đẹp riêng Huế này.

“Chúng tôi trồng sen giãn cách theo từng đợt, để đợt sen này tàn thì có lứa sen khác nở làm đẹp cho di tích, qua đó phối hợp với người dân quanh hồ để bảo vệ sen”, chị Nguyễn Thị Huệ vui kể. Chị là người thủ lĩnh đã đạt giải ba trong cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với ý tưởng phát triển sen Huế gắn với phát triển chuỗi giá trị và du lịch sinh thái tham gia vào việc khôi phục sen trắng tại đây.

Nay đứng từ cầu Hồng Cừ nối đến đảo Bồng Lai hay cầu tre Bích Tảo qua đảo Phương Trượng không chỉ ngắm sen mà còn có thể đón nhận hương thơm dịu mát trong lành. Sen trắng quý hiện diện ở hồ dường đang trả lại không gian ngự uyển số một cố đô thời huy hoàng, nơi được vua Thiệu Trị ca ngợi là một trong 20 thắng cảnh đẹp nhất đất Thần Kinh.

Những chiếc thuyền chở hoa sen được chọn làm trà sáng sớm
 Những chiếc thuyền chở hoa sen được chọn làm trà sáng sớm

Anh Bùi Trần Nguyên Anh, phường Phước Vĩnh đến đây từ khi mới tan sương và say sưa sáng tác ảnh nghệ thuật với hoa sen, chia sẻ: “Sen trắng là cảm hứng nhiếp ảnh trong ánh sáng ban mai. Nếu sen hồng đẹp huyền bí thì sen trắng tinh khôi làm nổi bật thêm nét cổ kính, rất phù hợp nếu Huế bảo tồn sen trắng này cùng các di tích”.

Hương sen để dành gói … tâm tình xứ Huế

Sen trắng tô điểm cho cảnh đẹp hồ Tịnh Tâm còn là phong vị tạo nên “đệ nhất danh trà” xứ Huế. Anh Võ Đại Phong (43 tuổi, đường Lê Đình Thám, phường Trường An) bên cạnh công việc ở cảng Chân Mây, hai năm nay anh đã bén duyên thêm nghề bán trà sen nhờ sự hồi sinh của loài sen quý.

Gặp anh Đại Phong vào buổi sáng bên hồ Tịnh Tâm, anh vác bó sen to đầy nụ niềm nở chuyện trò về sen. Để tìm hiểu những công đoạn làm trà sen và cách người Huế gói trà trở thành món quà gửi đi cho khách phương xa, chúng tôi theo chân anh về tận nhà mới thấy hết công việc nghe ra thì tao nhã nhưng không ít công phu.

Ông Trần Đại Phong, một người đam mê với trà sen trắng cổ Huế nâng niu từng búp sen làm trà.
 Ông Trần Đại Phong, một người đam mê với trà sen trắng cổ Huế nâng niu từng búp sen làm trà.

Gian nhà nhỏ đầy hương, anh Phong lật cánh sen cận thận và nói: “Tôi chỉ dùng sen trắng cổ Huế để ướp trà. Dù trời rất nóng nhưng tôi không bật quạt vì hiểu loài hoa này một chút gió sẽ đổi màu bay hương”, mồ hôi lấm tấm, anh Phong vừa luôn tay vừa trò chuyện. Anh nhẹ nhàng cho trà vào bên trong với lượng chỉ vừa đủ lấp đầy khoảng trống giữa các lớp cánh với đài và nhụy, rồi vuốt lại những cánh hoa theo trình tự trong trước, ngoài sau.

Để chọn sen làm trà người Huế thường chọn những búp sen đang độ “tiếu đàm” tức là vừa hé môi cười, chọn những búp to nhất ở hồ mới đủ hương để làm trà.

Những búp sen trắng Tịnh Tâm được ủ, gói nâng niu trong từng chiếc lá sen và dùng lạt buộc chặt để giữ đúng hương vị ướp xổi. Sen ướp xong đem cắm qua bình nước sạch qua một đêm là có thể thưởng thức mà vẫn giữ được tinh dầu và dược tính. Ấm trà từ sen trắng cổ thường thơm nhẹ nhàng chứ không nồng như sen các vùng miền khác, vị trà chát dịu, ngọt hậu, có hương thơm thanh mát.

“Tôi gói trà sen bằng cả tâm tình bởi thế hương vị trà sen tự nhiên như sen giữa hồ làm người ta càng uống càng nhớ, càng uống càng lưu luyến. Khách từ miền Bắc vào Nam đặt, tôi ướp trà rồi hút chân không gửi đến người nhận như gửi cho người thân. Khách giới thiệu khách, tôi làm không kịp bán”, anh Phong phấn khởi.

Thiếu nữ tươi xinh hòa mình vào không gian sen trắng cổ Huế
 Thiếu nữ tươi xinh hòa mình vào không gian sen trắng cổ Huế 

Anh Phong thu mua khoảng 200 búp sen loại 1 từ các hồ sen Hương Thọ và hồ sen Tịnh Tâm mỗi ngày. Tuy là nghề tay trái, nhưng việc làm trà sen trắng mang lại thu nhập khá cho anh. Cứ hai ngày làm trà, anh sẽ có khoảng 4 triệu đồng tiền lãi, thu nhập tăng thêm khoảng 60 - 80 triệu đồng/vụ sen. Theo ông Thể, một người dân ở gần hồ, mỗi ngày trung bình ông được trả 150.000 – 200.000 đồng nhờ việc coi sóc vựa sen, bán sen cho những người làm trà như anh Phong, một số người mua sen để cắm hay dẫn người ra chụp ảnh.

Sen trắng hồi sinh đã làm hoàn chỉnh thêm việc chỉnh trang thắng cảnh hồ Tịnh Tâm. Khôi phục những giống cây bản địa như giữ gìn tính cách và tâm hồn Huế được phát huy, phát triển trong không gian sống hài hòa với thiên nhiên. Sen trắng cổ Huế trên hồ Tịnh Tâm thực sự cho thấy giấc mơ Huế thật gần gũi.

Ở đó, bàn tay xây đắp giấc mơ Huế thành hiện thực chính là những người con xứ Huế như anh Phong, như chị Huệ với bàn tay kiến thiết của những cô gái, chàng trai biết quý thương một loài hoa mà tên gọi gắn với danh tiếng xứ sở quê hương.

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh Hội nghị

Lai Châu đề xuất xây dựng cảng hàng không

(PLVN) -   Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải sớm đề xuất đầu tư cảng hàng không Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Hà Giang: Khởi sắc trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội
(PLVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Hà Giang. Kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc trên các lĩnh vực.

Lạng Giang (Bắc Giang): Điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang

Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Lạng Giang được đầu tư đồng bộ
(PLVN) -  Bằng sự quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt “mục tiêu kép”; vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra mắt Phòng họp không giấy E-cabinet
(PLVN) - Chuyển đổi số là một xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên.

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương

Hoàn thành mô hình 3D Vườn Quốc gia Cúc Phương
(PLVN) - Ngày 5/7, tại Ninh Bình, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả tham vấn "Xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương".

Khảo sát, thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Ba Bể sang huyện Na Hang

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn tại tỉnh Tuyên Quang
(PLVN) -  Ngày 3/7, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do ông Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn để thống nhất phương án hướng tuyến giao thông kết nối huyện Na Hang (Tuyên Quang) sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu khen thưởng cho cá nhân đạt thành tích trong Hội thao PCCC
(PLVN) -  Chiều ngày 4/7, Công an tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công bố Quyết định khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ II, vòng loại năm 2022 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đại tá Lê Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì lễ trao thưởng.