Các dự án mang tính nền tảng
Sáng 13/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tiếp bà Mette Ekeroth, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và ông Anders Runevad, Chủ tịch Tập đoàn Vestas (Đan Mạch), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt tua bin điện gió. Tại cuộc tiếp, bà Mette Ekeroth khẳng định việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để hai nước nâng quan hệ hợp tác lên tầm cao mới trong phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Về phần mình, Việt Nam mong muốn Đan Mạch hỗ trợ về công cụ, chuyên gia, công nghệ, giải pháp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, phát triển tối đa năng lượng tái tạo... Đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Đan Mạch triển khai các dự án năng lượng tái tạo, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất nhiên liệu xanh.
Trong khuôn khổ buổi đón tiếp, ông Anders Runevad cho biết ông đánh giá cao ưu tiên phát triển ngành năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII, ông Anders Runevad cho biết Vestas đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, lắp đặt thành công khoảng 1.400MW tua bin điện gió. Vestas mong muốn tiếp tục đóng góp vào chiến lược đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo của khu vực, với sự tham gia của các công ty sản xuất thiết bị và các nhà phát triển dự án điện gió.
Có thể thấy, thời gian qua Việt Nam đang tích cực triển khai Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trên cơ sở hợp tác với các nước G7, Đan Mạch và các đối tác quốc tế. Trọng tâm là chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng… Trong đó, các dự án mang tính nền tảng như năng lượng điện gió đang được Chính phủ thúc đẩy triển khai.
Tiềm năng phát triển hàng đầu khu vực
Theo một số nghiên cứu, Việt Nam có tiềm năng hàng đầu khu vực về năng lượng tái tạo ngoài khơi. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2001 chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó tiềm năng của Việt Nam đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512GW. Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây.
Được đánh giá có lợi thế rất lớn về gió, với bờ biển dài hơn 3.000km và nhiều hải đảo với vận tốc gió thổi trung bình quanh năm từ 5m/s trở lên, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, Việt Nam hội tụ đầy đủ các tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với nhiều tiềm năng đang chờ được khai phá.
Tuy nhiên, đối với các đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển; vấn đề về đầu tư (chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài) và vấn đề quy hoạch theo pháp luật về Quy hoạch. Đây là những khó khăn được đề cập phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì chiều 13/3.
Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan làm căn cứ triển khai thực hiện như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, một số quy hoạch có liên quan, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực này.
Đối với vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi để có thể triển khai được ngay trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.
Năng lượng gió được đánh giá có vai trò trong việc thực hiện cam kết không phát thải ròng vào năm 2050 tại Việt Nam. Không chỉ vậy, năng lượng gió được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam bắt kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu điện trong cả ngắn hạn và dài hạn, với những ưu điểm như khả năng mở rộng cao, tính linh hoạt có thể dự đoán được, tác động thấp đến môi trường.
Hôm nay (15/3), tại Hà Nội diễn ra họp báo công bố Chương trình “Đại hội năng lượng thế giới lần thứ 26” với chủ đề “Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh”. Họp báo được tổ chức nhằm giới thiệu về Hội đồng năng lượng thế giới (WEC); hoạt động của Uỷ ban Việt Nam - Hội đồng năng lượng thế giới, sự kiện Đại hội Năng lượng Thế giới lần thứ 26 dự kiến diễn ra vào tháng 4/2024, đồng thời là cơ hội kết nối giao lưu và trao đổi các thông tin mới nhất của Hội đồng Năng lượng Thế giới hiện nay với các thành viên của Ủy ban Quốc gia tại Việt Nam.