[links()]Nhằm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua nhiều chính sách được Nhà nước tập trung hỗ trợ cho khu vực này, trong đó có tín dụng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cho thấy nghịch lý, ở nhiều khu vực, tín dụng chính sách lại có lãi suất cao hơn tín dụng thương mại.
Nhiều hộ làm muối ở Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi muốn vay vốn hộ cận nghèo để đầu tư làm muối nhưng còn e ngại lãi suất cao. Ảnh: Trần Việt |
Theo quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp nông thôn, một cơ chế tín dụng thông thoáng đã được “mở” cho khu vực này, trong đó, các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Dù vậy, Nghị định 41 cũng quy định những cá nhân, hộ nông dân này phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng nơi họ nhận vay vốn.
Ông Dương Viết Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi): Cần kịp thời hạ lãi suất và hướng dẫn thống nhất rà soát đối tượng Cho hộ cận nghèo vay vốn là một chính sách hợp thời, hợp lòng dân. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai bước đầu ở địa phương, chúng tôi thấy lãi suất hiện khá cao so với mặt bằng lãi suất chung. Chúng tôi đề nghị Chính phủ đã quan tâm tới hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách rồi thì tiếp tục quan tâm hơn nữa, tìm cách giảm dần lãi suất. Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn thống nhất về việc rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, để các đối tượng này kịp thời được thụ hưởng các chương trình chính sách. Việc rà soát phải được tiến hành thường xuyên, để các đối tượng được vay vốn đúng lúc, mang lại hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn. Sản xuất nông nghiệp còn có mùa, có vụ. Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn mỗi năm rà soát một đợt cuối tháng 10, người dân không được vay kịp thời, vừa mất cơ hội làm ăn mà hiệu quả đồng vốn lại không cao. Nghị định 41 không phân biệt các đối tượng cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là hộ nghèo, cận nghèo, mà chỉ quy định trong số tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại… Vô hình trung, cả NHCSXH và ngân hàng thương mại đều có chung một nhóm đối tượng phục vụ là hộ nghèo, hộ cận nghèo. |
Thực tế thực hiện ở nhiều địa phương cho thấy, khi vay vốn theo Nghị định 41, hộ vay vốn vay theo lãi suất của ngân hàng thương mại thực hiện chương trình, mà đa phần là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất. Trước đây, khi mặt bằng lãi suất cao, kể cả được hỗ trợ 50% lãi suất thì mức lãi suất hộ nông dân phải trả vẫn cao hơn lãi suất ưu đãi thực hiện trong các chương trình tín dụng chính sách.
Giờ đây, lãi suất thương mại được giảm đáng kể trong một thời gian ngắn, trong khi lãi suất chính sách vẫn giữ mức cũ thì cán cân ưu thế lại đang nghiêng về lãi suất thương mại. Bởi, từ một phép so sánh đơn giản, bất kỳ người nông dân nào cũng phân vân thiệt - hơn khi lãi suất tín dụng chính sách chương trình cho vay hộ nghèo là 0,65%/tháng, chương trình cho vay hộ cận nghèo là 0,845%/tháng lại đang có phần “nhỉnh” hơn lãi suất cho vay thương mại có hỗ trợ theo Nghị định 41 là khoảng 0,37%/tháng (vay ngắn hạn) và 0,54%/tháng (vay dài hạn).
Dù mức lãi suất thấp này không ổn định và có thể tăng lên khi mặt bằng lãi suất thị trường tăng, nhưng lúc này khi nền kinh tế còn đang nỗ lực hồi phục khỏi khó khăn thì người nông dân cũng không khỏi phân vân khi lãi suất tín dụng chính sách – vốn được đưa ra nhằm mục tiêu an sinh xã hội – lại cao hơn lãi suất thương mại.
Trên thực tế, không ít người lựa chọn khoản vay có lãi suất thấp trước mắt, dù rằng họ có thể phải đối mặt với tình trạng điều chỉnh lãi suất khi mặt bằng lãi suất chung tăng lên.
Trong khi lãi suất thương mại tăng, giảm linh động theo vận động thị trường thì lãi suất của các chương trình tín dụng chính sách lại bị “đóng khung” bởi các quyết định của Chính phủ. Và để có thể thay đổi các mức lãi suất này, cơ quan hữu trách phải thực hiện một quy trình nghiêm ngặt, qua nhiều cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến những “độ trễ” có thể khiến người thụ hưởng hóa ra thua thiệt.
Lãi suất thương mại thấp, người nông dân có nhu cầu vay vốn được lựa chọn ngân hàng, nơi lãi suất thấp hơn, hạn mức cho vay cao hơn để trình dự án làm ăn và được phục vụ nhu cầu về vốn. Nhưng, nghịch cảnh này cũng làm mủi lòng những đối tượng nhạy cảm – những người nông dân nghèo hoặc cận nghèo không có đủ điều kiện vay tín chấp theo Nghị định 41, vì phải nộp sổ đỏ cho nơi cấp vốn.
Bởi thực tế không ít hộ gia đình nông thôn có nhà chui ra chui vào nhưng không có sổ đỏ vì nhiều lý do. Và, họ “đành” phải vay tín dụng chính sách – nơi ưu đãi về thủ tục hơn, trong khi lòng vẫn “vấn vương” vì cảm giác thiệt thòi mỗi khi nghĩ đến số tiền lãi phải nộp.
Tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 41 hay tín dụng chính sách được thực hiện qua NHCSXH đều nhằm mục đích phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế, xã hội khu vực này. Nhưng, nếu giải quyết được nghịch lý lãi suất chính sách cao hơn lãi suất thương mại, hoặc có cơ chế thống nhất áp dụng cho cùng một nhóm đối tượng, thiết nghĩ, hiệu quả các chương trình tín dụng sẽ cao hơn, cả về lý và tình.
Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam: Sẽ đề xuất Chính phủ giảm lãi suất một số chương trình tín dụng chính sách Khi thiết kế lãi suất cho vay hộ cận nghèo, chúng tôi cũng thiết kế theo dạng tịnh tiến, mức thu nhập của hộ cận nghèo bằng 130% mức thu nhập của hộ nghèo, nên lãi suất cũng được đặt tương đồng, bằng 130% lãi suất cho vay cùng loại đối với hộ nghèo. Tuy nhiên, thời gian vừa rồi đưa vào áp dụng, chúng tôi cũng nghe nhiều phản ánh của cử tri, các nhà kinh tế, nhà hoạt động xã hội rằng đây là mức lãi suất cao. Chúng tôi đang tích cực ghi nhận để phản ánh với Chính phủ trong thời gian tới. Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại đưa ra các gói tín dụng 8,5%/năm, 7,75%/năm, thậm chí 7,55%/năm. Các doanh nghiệp với cả hệ thống sản xuất đang được tiếp cận với gói tín dụng ngày càng hạ. Trong khi đó, hộ cận nghèo còn rất nhiều khó khăn kinh tế, nguy cơ tái nghèo cao lại đang chịu lãi suất 10,14%/năm, cao hơn rất nhiều so với lãi suất của doanh nghiệp. Với xu thế hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước, chúng tôi đang lập đề án trình Chính phủ giảm lãi suất cho các chương trình có lãi suất tiệm cận với lãi suất thị trường, trong đó có chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo. Hiện nay chúng tôi đang dự kiến trình Chính phủ đưa lãi suất của chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo từ 10,14%/năm xuống còn 9,36%/năm, tức là giảm 0,78%/năm. Như vậy với lãi suất 9,36%/năm thì lãi suất cho hộ cận nghèo sẽ bằng 80% lãi suất trung và dài hạn cùng loại của các ngân hàng thương mại nhà nước. |
Hoàng Thủy