Đợt tăng cao nhất, giá gas tăng thêm 17.000 đồng, kéo theo giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của nhiều hãng lên tới 500.000 đồng/bình loại 12kg. Trong khi đó, giá xăng cũng gần 25.000 đồng/lít.
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất cũng vấp phải nhiều khó khăn do cơn "bão giá" từ các mặt hàng như xăng, dầu, gas cho đến thực phẩm.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thay đổi phương thức hoạt động, linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và tính toán lại các khoản chi phí đầu vào. Nhiều cửa hàng phải chuyển từ bếp gas công nghiệp sang dùng bếp điện và bếp than. Tuy nhiên, cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nhiều nhà hàng có tần suất sử dụng nhiều thì giá điện tính ra cũng không hề rẻ, chưa kể, nhiều món ăn muốn ngon thì phải được chế biến trong điều kiện nhiệt độ cao nên bếp gas công nghiệp vẫn là sự lựa chọn tối ưu.
Bà Kim Huyền, chủ một quán ăn trên đường Trần Nguyên Đán (TP. Huế) cho biết: “Với 2 bếp gas công nghiệp, trung bình mỗi tháng, quán sử dụng hết 1 bình ga 45kg. Giá gas liên tục tăng trong khi không thể tăng giá thức ăn do dịch bệnh vì thực khách đều thắt chặt chi tiêu. Nếu tăng giá sẽ rất dễ mất khách”. Do đó, chị chuyển sang dùng nồi điện hầm xương, chỉ dùng bếp gas vào việc làm nóng các món ăn để tiết kiệm chi phí.
Còn anh Ngô Ngọ, chủ một xưởng mộc ở khu Bàu Vá (TP. Huế) có 5 nhân công, ăn ở làm việc tại chỗ. Trung bình, mỗi tháng xưởng sử dụng hết 1 bình gas 6kg để nấu ăn cho công nhân. Ngay sau khi có thông báo ga tăng giá, anh Ngọ đã chuyển đổi sang dùng bếp từ. “Tính ra, mỗi tháng cũng chỉ hết khoảng 100.000 - 150.000 đồng tiền điện, bằng 1/3 tiền gas lại an toàn hơn, nhất là với xưởng gỗ dễ cháy nổ như xưởng của tôi”, anh Ngọ nói.
Là một nhân viên shipper, liên tục di chuyển bằng xe máy, mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Thành Nhân (phường Kim Long, TP. Huế) tiêu tốn khoảng 100.000 đồng tiền xăng. Anh Nhân cho biết, so với trước khi xăng tăng giá thì mỗi ngày anh phải bù thêm 30.000 đồng chi phí xăng xe, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng bị cắt giảm chừng đó.
Giá xăng, dầu tăng trực tiếp tác động đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa nên hiện nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng 5-7% so với trước. Chỉ một vài ngày khi giá xăng dầu, gas tăng, một số mặt hàng rục rịch tăng theo. Hiện giá các loại rau xanh, giá thịt lợn tại các chợ đang nhích giá, trong đó, nguyên nhân được cho là một phần do phí vận chuyển tăng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hoà (phường Tây Lộc, TP. Huế) than phiền về việc thịt cá, rau củ thứ gì cũng tăng. "Trước đây tiền chợ mỗi ngày chỉ khoảng 150.000 đồng là đủ ăn cho cả gia đình, nay dù chi tiêu dè sẻn lắm cũng hết 230.000 đồng/ngày" – chị Hoà cho biết.
Đại diện một cửa hàng bếp điện, từ trên đường Phan Đăng Lưu (TP. Huế) chia sẻ, sau thời điểm giá xăng dầu, gas tăng mạnh, lượng người tìm đến cửa hàng mua bếp điện từ cũng tăng theo. Lượng hàng bán ra thời điểm này tăng 20% so với trước đó. Một số cửa hàng khác cũng cho hay, khách hàng mua sắm chủ yếu quan tâm đến dòng bếp điện phân khúc từ 4-8triệu đồng/cái. “Hiện nay, các loại bếp có giá từ 6-8 triệu đồng/cái đang được khách hàng chọn mua nhiều”.
Giá xăng, dầu, gas tăng kéo theo thị trường hàng hóa bán lẻ tăng theo và chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình sẽ bị đội lên, gây khó khăn trong cân đối chi tiêu khi dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều người bị giảm sút.