Nhiều công trình hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng bão, lũ, áp thấp nhiệt đới. Do đó, từ năm 2009 đến nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp.
Qua các trận bão, lụt gần đây, do ảnh hưởng của triều cường làm bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền. Triều cường cũng làm các công trình kè chống sạt lở biển bị xâm thực, uy hiếp nhiều nhà dân ở những khu vực này.
Đơn cử, như tại bờ biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) vào cuối tháng 10/2020, do ảnh hưởng không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và đới gió đông gây sóng lớn, triều cường nên bờ biển xã này tiếp tục bị nước xói lở sâu vào 50m, dài 1km, uy hiếp tỉnh lộ 21 và hàng trăm hộ dân, khả năng mở cửa biển mới rất cao.
Các trận mưa lũ liên tiếp trong thời gian qua cũng đã làm hàng chục công trình thủy lợi từ miền núi đến đồng bằng hư hỏng, xuống cấp nhiều điểm với tổng giá trị thiệt hại nhiều tỷ đồng. Công ty TNHH nhà nước một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế (Công ty Thủy lợi) cho biết, tại huyện miền núi A Lưới, với khoảng 80 công trình thủy lợi lớn nhỏ đã được đầu tư nhiều năm, qua các trận mưa lũ liên tiếp với đặc điểm địa hình núi dốc, lượng nước chảy lớn đã làm nhiều công trình xuống cấp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thông tin, đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại 58/80 công trình toàn huyện, về lâu dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Để phục vụ sản xuất trước mắt, các xã huy động nhân lực, cho tiến hành sửa chữa, khắc phục một số công trình nhỏ. Đối với các công trình lớn, hư hỏng nặng địa phương đang đề xuất kinh phí để sửa chữa.
Ở khu vực đồng bằng, các trạm bơm tại huyện Quảng Điền - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế, hệ thống kênh mương cũng hư hỏng nặng. Các trạm bơm Hạ Lang, Hạ Cảng, Lai Hà, Vinh Phú đều hư hỏng, xuống cấp sau mưa lũ.
Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lũ đã làm hư hỏng, xuống cấp nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh do công ty quản lý với giá trị ước thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tập trung khắc phục một số công trình đáp ứng nhu cầu sản xuất trước mắt. Về lâu dài, đơn vị đang đề xuất kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình lớn xuống cấp.
Hiện trên địa bàn tỉnhThừa Thiên - Huế có hơn 1.000 công trình thủy lợi, ngoài các công trình vừa mới xây dựng đưa vào sử dụng, các công trình đầu tư đã lâu do ảnh hưởng của thời tiết nên đã xuống cấp. Theo đó, hệ thống kênh mương nội đồng có hơn 1.000 km xuống cấp, các trạm bơm phục vụ tưới tiêu có hơn 300 cái, hệ thống đê bao nội đồng còn hơn 400 km đê đất chưa được kiên cố, có hơn 100 km đê ven phá chưa được đầu tư nâng cấp.
Cần hơn 1.300 tỷ đồng
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài triển khai các giải pháp trồng cây ngập mặn ven phá, cây chắn sóng ven biển, đầu tư xây dựng hệ thống kè, đê biển, sông được xem là giải pháp tối ưu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Tuy nhiên, chọn giải pháp này đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.
Trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư khoảng 71km kè bờ sông góp phần ổn định được cuộc sống người dân, bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã tiến hành nạo vét các sông, hói tiêu úng và thoát lũ cho các công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư 176,3 tỷ đồng. Đồng thời, đã xây dựng hoàn thành các cống thoát lũ, ngăn mặn trên đê, trên sông… Các công trình phát huy hiệu quả rất lớn, ổn định đời sống của người dân, phòng chống thiên tai.
Trước tình hình nguồn lực đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu khó khăn như hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ sông, biển cho các đoạn xung yếu trong thời gian tới với kinh phí khoảng 1.336 tỷ đồng.
Được biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập quy hoạch thủy lợi từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, cân đối nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kè trong thời gian tới nhưng hiện nay nguồn lực của tỉnh đang còn khó khăn. Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã rà soát các công trình thủy lợi để đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bố trí quy hoạch sử dụng đất ven sông và ven biển hợp lý để tránh tình trạng sạt lở xảy ra gây ảnh hưởng đời sống người dân.
Tổng lực tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Rào Trăng 3
Liên quan đến công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, ngày 23/11, lực lượng cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục tìm kiếm 11 nạn nhân mất tích còn lại dưới lòng sông Rào Trăng 3, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.
Theo dự báo trong những ngày tới ở Huế có mưa vừa, mưa to và rất to, nên Ban chỉ đạo cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã huy động tổng lực lực lượng, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân. Với phương châm khẩn trương nhất, hiệu quả nhất, song phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia cứu nạn.
Ban chỉ đạo đã huy động 6 máy múc; 4 máy hút nước công suất lớn và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm theo nhiều hướng, nhiều khu vực, hướng tìm kiếm theo bờ sông lên; hướng tìm kiếm theo bờ sông xuống; hướng từ hiện trường sạt lở xuống bờ sông (trong đó tập trung đào và tìm kiếm khu vực dưới lòng sông).
Đến 16h ngày 23/11, các lực lượng vẫn không tìm thấy thêm một nạn nhân nào, tuy nhiên trong quá trình tìm kiếm đã phát hiện được một số hiện vật như: áo, quần, gối, chiếu, màn, phản, giường sắt cá nhân; trụ nhà, tường nhà, kèo nhà, sắt thép xây dựng và một số phương tiện máy móc cơ giới.
Lê Chín