Những ngày gần đây, nhiều xã viên Hợp tác xã (HTX) Quảng Nhâm (xã Quảng Nhâm) đứng ngồi không yên khi cây sâm bố chính héo chết hàng loạt với diện tích lớn. Đây là diện tích do HTX Quảng Nhâm liên kết Cty TNHH SBC Hoàng Gia (TP Huế) đưa vào trồng theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Sơn Thủy...
Ông Hồ Chiến cho biết, cây sâm sau khi đủ thời gian thu hoạch trừ chi phí đầu vào, nhân công thì bình quân mỗi sào thu lợi từ 30 - 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng sắn.
Cây sâm được người dân trồng từ đầu năm 2023 và sắp đến thời kỳ thu hoạch lấy củ. Thời gian gần đây nhiều diện tích bị héo úa rồi chết dần không rõ nguyên nhân. Bà Hồ Thị Nai cho biết, từ 2022 hưởng ứng chủ trương của huyện, bà cải tạo vườn, chuyển đổi diện tích trồng chuối già lùn trước đây sang trồng sâm bố chính. Vụ đầu tiên, cây sâm phát triển tốt, củ đạt chất lượng kích cỡ, được bao tiêu thu mua sản phẩm, nên gia đình rất yên tâm, đầu tư mở rộng diện tích lên hơn 1ha.
Từ tháng 5, nhất là cuối tháng 6 đến nay, cây sâm bắt đầu xuất hiện bệnh vàng héo lá, thối gốc dù mới trồng được 4 - 5 tháng. Theo chu kỳ sinh trưởng của cây phải từ 8 tháng đến 1 năm mới thu hoạch được nên khi cây đổ bệnh, bắt đầu chết hàng loạt, người trồng không biết xoay xở thế nào. Nhiều hộ đành phải thu hoạch non mong vớt vát chút tiền vốn, nhưng số lượng sâm thu được rất ít và đa phần bị thối, không đạt chất lượng.
Nhiều hộ xã viên thuộc HTX Quảng Nhâm cũng trong tình cảnh “ngồi trên đống lửa” khi vườn sâm bị chết diện tích 50 - 60%. Để có được những vườn sâm dược liệu này, người dân phải đầu tư tiền mua giống cây, phân bón, bỏ công sức làm đất và chăm sóc đúng theo hướng dẫn kỹ thuật. Tuy nhiên, dịch bệnh lây lan nhanh trên cây sâm khiến người trồng cây sâm không kịp trở tay.
Theo Giám đốc HTX Quảng Nhâm, ông Nguyễn Hải Teo, đến nay đã có hơn 70% tổng diện tích trồng cây sâm của bà con xã viên HTX bị héo, chết. Sau khi phát hiện cây sâm bị nhiễm bệnh, HTX đã báo cáo đến chính quyền địa phương và DN để có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục. Dù đã sử dụng chế phẩm sinh học được hỗ trợ từ phía DN để phun, xử lý những diện tích sâm bị bệnh, nhưng vẫn không hiệu quả.
Ông Teo cho biết, vụ sâm năm 2023, toàn HTX trồng được hơn 2,3ha sâm và được liên kết bao tiêu sản phẩm với DN. Mô hình liên kết này được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế khi DN hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân và bảo đảm đầu ra ổn định với sâm dược liệu.
“Mới đây, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan, phía DN đề nghị người dân thu hoạch những diện tích sâm bị chết để sấy khô, cất trữ nhằm có hướng tiêu thụ. Những diện tích sâm còn sống thì phải chờ đến thời gian thu hoạch theo cam kết thì DN mới có thể thu mua. Tuy nhiên, nếu đợi thêm vài tháng để thu hoạch thì số diện tích cây sâm bị chết sẽ tăng lên, thiệt hại của nông dân càng lớn”, ông Teo nói.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết, toàn huyện có gần 8,2ha sâm bố chính. Trong đó, diện tích liên kết với Cty TNHH SBC Hoàng Gia là 3,3ha. Trước thực trạng nhiều diện tích trồng sâm bị chết, đơn vị cũng đã cử cán bộ trực tiếp các vườn sâm để kiểm tra. Nhận định ban đầu, cây sâm bị nhiễm các loại nấm bệnh do ảnh hưởng thời tiết.
“Phòng đã mời chuyên gia của một viện nghiên cứu ở Hà Nội vào Huế để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp khống chế sự lây lan dịch bệnh, bảo vệ những diện tích sâm còn lại của người dân. Đồng thời, cũng đã đề nghị kịp thời thu mua củ sâm tại các vườn sâm sắp thu hoạch để hạn chế thiệt hại cho nông dân”, ông Lập cho hay.