Đối ngoại biết vị thế
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là ngoại giao cần “mạnh dạn đột phá, dám nghĩ dám làm, để có hành động và suy nghĩ đạt tầm quốc tế”. Chúng ta cần mạnh dạn, tự tin vào thực lực của mình vì liên hệ với hoa sen là “trong đầm gì đẹp bằng sen”; Còn với cây tre là:
"Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.
Sự tự tin gắn với hình tượng những cây tre là “gốc vững và quyện vào nhau, thân chắc, cành uyển chuyển”, thể hiện vị thế của đất nước. Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra ngày nay Việt Nam đã có “khí thế mới, xung lực mới”; là “tâm thế, vị thế Việt Nam bây giờ rất khác”; là “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay”.
Tác giả Trần Văn Việt, Chuyên viên, Ban Kinh tế Trung ương |
Biết vị thế cũng bởi là “vì lợi ích quốc gia”, chủ quyền và an ninh quốc gia là cái gốc và là bất biến, “gốc vững và quyện vào nhau, thân chắc”. Và cũng vì thế mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói là "đằng sau lưng các nhà ngoại giao có cả toàn đảng, toàn dân và toàn quân, toàn hệ thống chính trị". Một cách tương đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thường nhấn mạnh với Ngành Ngoại giao là “lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng”; và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì từng nói “một người yêu nước không sợ gì hết!”.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần “hiểu chuyện”, biết khiêm tốn với “thân tre gầy guộc và lá mong manh”, khi “lực vật chất chưa mạnh. Khiêm tốn và sự “hiểu chuyện” là vô cùng quan trọng vì ngoại giao chính là kết tinh của trí tuệ, là nâng cao “lực tinh thần” trong khi “lực vật chất chưa mạnh” – như chia sẻ và mong muốn của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Thực tế 6 nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đều có tính “trí tuệ”, đó là: phải “nắm chắc tình hình...”, “quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập…”, “phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước...”, “nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn…”, và “tổ chức đào tạo…”
Vì tính trí tuệ đó mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói là “"chỉ sợ không biết, chứ đã biết thì không sợ!", để nhắc nhở công tác đối ngoại “phải hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực...”
Về điều này,Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy của tất cả vì có trí tuệ uyên bác, ngôn ngữ phong phú, sinh động và sắc bén. Theo đó đã kế tục bởi các thế hệ học trò với thương hiệu lẫy lừng như “Ngoại giao Sáu Dân” của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngoại giao “phá vây” của Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch...
Chinh phục bằng lòng nhân ái và giá trị nhân văn
Giá trị nhân văn nền ngoại giao Việt Nam được phát triển trên nền tảng văn hóa ngoại giao “tâm công” của cha ông ta, hay “ngoại giao công tâm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Người luôn dùng lòng chân thành để đối đãi, ứng xử với bạn bè, đồng chí, nhân dân và cả kẻ thù.
Liên hệ với cây Sen là đại diện cho Việt Nam vì nó có ý nghĩa “thanh lọc”, vì khi lớn lên, sinh sôi nẩy nở sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát. Hay trong trường phái “ngoại giao cây tre”, nội hàm nhân văn được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh, "đoàn kết nhân ái, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái".
Ngoài ra, hoa sen là sự cao cả, yêu thương và chia sẻ. Búp Sen như một quả tim hồng mang đầy nhiệt huyết, biết quan tâm, yêu thương và chia sẽ với muôn loài hoa lá cỏ cây của thiên nhiên.
Trong mặt trận đối ngoại, đó là một nền ngoại giao “có trách nhiệm”, đóng góp vì cái chung, nhất quán nguyên tắc “bình đẳng và cùng có lợi”, trái với bối cảnh thế giới nổi lên của chủ nghĩa đơn phương và thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều này, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là tính “trách nhiệm trong quan hệ quốc tế”; còn Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ là Việt Nam không "chọn bên" mà chọn lẽ phải lớn của thời đại, là phải “bình đẳng và hợp tác cùng phát triển”…
Vì thế nhân ái và nhân văn là “thương hiệu” trên trường quốc tế của con người và văn hóa Việt Nam. Nên mới có thương hiệu “Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình”. Nên mới nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960).
Một cách tương đồng, gần đây trong hội nghị US-ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao “chân thành” trong hợp tác quốc tế. Trong bài phát biểu quan trọng đó, Thủ tướng dùng tiêu đề “Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn” để truyền tải thông điệp với bạn bè quốc tế trên thế giới.
Nhìn xa về lịch sử, với hơn 4.000 năm trong đau thương chiến tranh và hoạn nạn, tính nhân văn được hun đúc trong chính văn hóa quân sự Việt Nam là: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
Hội nhập với chí can trường
Một nền ngoại giao “có trách nhiệm” với cái chung của thế giới thì cũng đồng nghĩa với quyền đòi hỏi cũng như sự “kiên định” và ý chí can trường vì lợi ích quốc gia, chủ quyền và an ninh là bất biến, không được phép thỏa nhượng, mà như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói là “lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là “đối ngoại phải bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân”. Hay như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nói về cụm từ “miễn dịch”, “cán bộ, đảng viên ở nước ngoài phải có khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng cao, luôn tỉnh táo, không để bị tác động, lôi kéo…”
Điều này chính là hình tượng cây tre Việt Nam, vì dù sống ở đâu thì vẫn cứ tươi tốt, dẫu cho đất đá có khô cằn thì cây tre vẫn xanh. Đất đá kia bạc màu không dưỡng chất nhưng tre vẫn xanh tươi vì rễ kia siêng tìm nguồn dinh dưỡng.
“Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.
Chí can trường với hoa sen là mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi nó để hướng đến mặt trời mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn để tỏa hương thơm ngát như gói gọn tất cả sự tinh túy của đất trời. Cũng giống như một người được sinh ra trên thế giới, tồn tại giữa cuộc đời nhưng đã vượt thoát đời để hướng tới sự nhẹ nhàng, thanh thoát, cùng với dáng vẻ khoan thai, bình yên.
Với con người và dân tộc Việt hàng ngàn năm đô hộ cùng chiến tranh cũng không làm lung lay đi ý chí kiên cường. Tâm hồn và khí phách Việt mãnh liệt - kiên cường này là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, là “rũ bùn đứng dậy sáng lòa…”, từ bao đời đã được ca ngợi thành bài ca dao quen thuộc:
“Trong đầm gì đẹp bằng Sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Chí can trường ở khía cạnh khác, Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng cũng đúc kết bài học về “xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”. Với cây tre đó là các khóm tre san sát bên nhau, bao bọc lấy nhau trước những sóng gió nắng mưa của đất trời:
“Bão bùng thân bọc lấy thân Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm Thương nhau tre không ở riêng Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”.
Trích dẫn tương tự, gần đây Tổng Bí thư nói trong Hội nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao;” “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thì gây ấn tượng rất mạnh với bạn bè quốc tế về tinh thần đoàn kết, thể hiện từ những tuyến bố mạnh mẽ như “Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19”; cho đến “chiến lược ngoại giao vaccine” để “xoay chuyển tình thế” cho Việt Nam, đưa chúng ta “đi sau về trước” về tiêm chủng để thoát ra khỏi Đại dịch Covid-19.
Tinh thần đoàn kết đó được thổi vào chiến lược caccine để “cả hệ thống chính trị vào cuộc”, để các cấp lãnh đạo Việt Nam đã tích cực “chắt chiu” từng cơ hội, vận động mua, xin chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vaccine giúp đất nước thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thể hiện tinh thần tương thân – tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ứng xử linh hoạt
Ngoại giao ứng biến linh hoạt của Việt Nam là trên cơ sở “hiểu chuyện”, khác với ngoại giao thiếu bản sắc và không có cá tính theo kiểu “lươn lẹo - gió chiều nào theo chiều nấy” hay ngoại giao thiếu hiểu biết, dễ thỏa hiệp hoặc bất hợp tác theo kiểu “bất cần”.
Ứng biến linh hoạt như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; kiên định nguyên tắc và linh hoạt về sách lược”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói là phải “biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.
Với cây tre Tổng Bí thư phân tích, đó là “cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được”. Để minh họa thêm, Tổng Bí thư trích dẫn:
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”.
Lối ứng biến linh hoạt trong chiến lược ngoại giao vaccine gần đây, như Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ là “lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc xin”. Điều này minh chứng cho sự linh hoạt trong những hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu.
Hay về với đường lối đổi mới mà Đảng ta đã định hình sau hơn 35 đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh tính thích ứng là “hướng tới các chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập”, “không chọn là nền kinh tế đóng”, “xây dựng quan hệ kinh tế tương thuộc với mọi đối tác”.