Phiên tòa dù đông người dự khán, nhưng không khí thật lặng lẽ. Ai nấy thở dài não nuột bảo, họ không bao giờ ngờ, càng không bao giờ nghĩ rằng, những tiểu thương suốt đời chỉ biết cần cù một nắng hai sương, tần tảo bám chợ mưu sinh, nuôi mẹ già, con dại, lại có lúc ra trước vành móng ngựa.
Ba bị cáo Lê Thị Hồng (SN 1979), Trần Thị Chớ (SN 1984) và bị cáo Dương Thị Mỹ Linh (SN 1987, cùng ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trong vụ án “gây rối trật tự công cộng” vừa mới bị đưa ra xét xử đều là tiểu thương của chợ đầu mối Phụ Hậu (phường Phú Hậu, TP Huế).
Cả ba chỉ mới học hết lớp 1, lớp 2, có người còn không biết chữ, nhưng đều là lao động chính trong nhà. Một bị cáo giãi bày: “Có ai muốn ra đường gây rối đâu. Nhưng mà xây chợ mới, vô lô cao quá, không có tiền. Không có chỗ bán buôn, hàng hóa chất đống trong chợ hư hỏng hết. Nhìn cả đàn con ở nhà đói ăn, suốt ruột quá…”.
Phản ứng dữ dội
Các tiểu thương ở chợ đầu mối Phú Hậu, từng buôn bán tại chợ Đông Ba (phường Phú Hòa, TP Huế), đa phần là lao động nghèo. Năm 2006, thực hiện chủ trương của thành phố mở bến du thuyền tại khu vực này, những người kinh doanh buôn bán nông sản, thực phẩm phải chuyển về chợ đầu mối Phú Hậu. Đây là chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế với khoảng 1 ngàn hộ kinh doanh lớn nhỏ.
Năm 2014, chợ đầu mối mới được khởi công xây dựng cách chợ cũ hơn 500m do một công ty cổ phần làm chủ đầu tư. Sau khi chợ mới được xây xong, UBND thành phố Huế thông báo di chuyển chợ cũ sang chợ mới nhưng gặp phải sự phản ứng dữ dội của các tiểu thương nơi đây.
Từ tháng 9 đến tháng 12/2015, hàng trăm tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu nhiều lần kéo đến trụ sở UBND tỉnh phản đối việc đóng chợ cũ để chuyển sang chợ mới. Các tiểu thương cho rằng, họ phản đối việc vào chợ mới vì giá thuê mặt bằng kinh doanh ở chợ mới quá cao, trong khi diện tích lô lại quá nhỏ hẹp, không đủ kinh doanh.
Sáng 1/12/2015, hàng trăm tiểu thương ở chợ này tiếp tục tập trung trước UBND phường Phú Hậu để phản ứng việc chính quyền rào chắn, chính thức đóng cửa khu chợ đầu mối cũ.
Đỉnh điểm của vụ việc, theo như cáo trạng của VKS, thì vào các ngày 25, 26/12/2015, một số bà con tiểu thương quá khích đã có hành vi chống đối, khiêu khích lực lượng làm nhiệm vụ. Những tiểu thương này đã tập trung tại chợ đầu mối cũ để hò hét, phản đối chủ trương di dời chợ gây mất trật tự công cộng.
Đỉnh điểm là vào 2h sáng ngày 27/12/2015, ba tiểu thương là bị cáo Hồng, Linh, Chớ, đều là tiểu thương buôn bán ở chợ đầu mối cũ, nhưng không đăng ký về buôn bán tại chợ mới, đã cùng nhiều tiểu thương khác tập trung tại đường Nguyễn Gia Thiều, trước chợ đầu mối cũ.
Những người này đã chặn xe của các tiểu thương đang kinh doanh ở chợ mới và ép họ phải vào chợ cũ để buôn bán. Họ cũng chặn không cho xe ô tô đi ngang qua đoạn đường này làm cho việc lưu thông bị ách tắc, gián đoạn.
Đến 4h sáng, Hồng, Chớ cùng một số tiểu thương quá khích đã dùng các vật dụng như xe đẩy hàng, sọt đựng hàng hóa và dây để kết nối thành hàng rào chắn ngang đường Nguyễn Gia Thiều đoạn trước chợ cũ. Hồng, Linh, Chớ còn trực tiếp đứng ngay tại chỗ này chặn tất cả các phương tiện không cho đi qua.
Hồng còn trực tiếp dùng chất bẩn ném vào lực lượng đang làm nhiệm vụ và ném vào sân UBND phường Phú Hậu, rồi cùng nhiều người quá khích khác đặt lư hương giữa đường làm cho người hiếu kỳ tập trung ngày càng đông, khiến tuyến đường đi qua chợ cũ và các hoạt động công cộng tại khu vực này bị đình trệ hẳn.
Công an TP Huế phải huy động lực lượng lập ba chốt tại ba ngã đường để phân luồng cho người và phương tiện đi qua khu vực này chuyển sang các đường khác. Đến 8h sáng ngày 27/12/2015, sau nhiều lần chính quyền địa phương giải thích, vận động, một số người tự tháo dỡ các vật dụng ngăn đường. Riêng Hồng, Linh, Chớ và một số người quá khích khác vẫn tiếp tục chống đối, buộc công an phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ để xử lý.
Sau một thời gian bị tạm giữ, Hồng, Linh, Chớ được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan chức năng nhận định, hành vi của Hồng, Linh, Chớ là nguy hiểm nên cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự. Cả ba đối tượng bị truy tố ở khoản 2, Điều 245 BLHS về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Riêng các tiểu thương khác cùng tham gia “xuống đường”, cơ quan chức năng cho rằng, hành vi gây rối trật tự công cộng của những người này chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nên chỉ xử phạt hành chính.
Thùng xốp, sọt tre… cũng “ra tòa”
Buổi sáng, trời âm u. Cả ba bị cáo (được tại ngoại) lếch thếch đến tòa. Ai nấy mặt mày ủ dột. Một số tiểu thương khác có liên quan đến vụ án được tòa triệu tập, mặt mũi cũng rầu rĩ không kém. Phiên tòa dù đông người dự khán, nhưng không khí thật lặng lẽ.
Ai nấy thở dài não nuột bảo, họ không bao giờ ngờ, càng không bao giờ nghĩ rằng, những tiểu thương suốt đời chỉ biết cần cù một nắng hai sương, tần tảo bám chợ mưu sinh, nuôi mẹ già, con dại, lại có lúc ra trước vành móng ngựa.
Bị cáo Hồng có 4 con, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi. Bị cáo Chớ có 4 con, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Và trong 4 đứa con của bị cáo Linh, ngày người mẹ ra sau vành móng ngựa, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Khi sự việc xảy ra, Linh đang mang thai đứa con này, và phiên tòa đã phải hoãn lại một lần, bởi lúc đó bị cáo Linh sắp đến ngày sinh.
Lúc đại diện VKS công bố cáo trạng, đến phần vật chứng thu giữ được gồm 5 sọt nhựa, 1 thùng xốp, 1 sọt tre, những ánh mắt của bị cáo lẫn người dự khán càng buồn, càng chua xót. Đó là những vật dụng hiền lành, cũng “chịu thương chịu khó”, dãi gió dầm mưa đồng hành cùng với tiểu thương trong cuộc mưu sinh. Vậy mà… Kẻ bị tạm giam mười ngày, người hơn tháng, cuộc sống của cả ba gia đình bị đảo lộn hết cả lên.
Tiểu thương vây kín trụ sở UBND phường Phú Hậu để phản đối việc di dời đến chợ mới |
Tòa yêu cầu bị cáo Hồng khai rõ quá trình gây án. Nữ bị cáo đứng nơi vành móng ngựa, gương mặt hiền lành, chất phác, thật thà thưa:
“Dạ chuyện lâu quá, nên bị cáo quên rồi, không khai được”.
Tòa: “Việc làm của mình rất lớn, rất nghiêm trọng, sao lại không nhớ?”.
“Dạ do bị cáo bức xúc về chuyện làm ăn nên mới… mà lúc đó nhiều người, chứ đâu phải chỉ có bị cáo”.
“Bị cáo có đưa bát nhang ra thắp ngoài đường phải không?”.
“Dạ người khác đốt nhang, bị cáo đứng gần, họ đưa, nên bị cáo thắp thôi?”.
“Bị cáo còn làm gì nữa?”.
“Dạ có dùng chanh muối, măng… ném”.
“Bị cáo ném ai?”.
“Dạ có ném ai mô. Chỉ ném vu vơ rứa thôi”.
“Bị cáo còn làm gì nữa?”.
“Dạ làm chừng đó chớ mấy. Rồi lo vào nhà cho con ăn đi học (cả nhà bị cáo ở ngay trong lô hàng ở chợ - pv), chớ có rảnh đâu mà làm được nhiều”.
Vị hội thẩm hỏi, tại sao khi đám đông đã giải tán, bị cáo vẫn nán lại mà không chịu về? Bị cáo tỏ vẻ ấm ức, bảo mình về nhà từ sớm, cho con ăn, rồi sửa soạn cho con đi học. Lúc đưa con đi học về, bị cáo đi ngang chợ cá để mua thức ăn, không ngờ lại bị “hốt” lên xe.
Bị cáo Linh thì giãi bày, dù bản thân có bức xúc, nhưng vì đang mang bầu, nên bị cáo chỉ đứng xa xa nhìn. Lúc thấy đám đông hỗn loạn, rồi thấy Hồng bị ai đó quơ tay trúng mặt, khiến một bên mắt bầm tím, nên Linh mới tha bụng bầu ra đường, không ngờ cũng bị bắt lên xe.
Òa khóc khi được tòa hỏi
Cả ba bị cáo đều giãi bày trước tòa, họ đều thuộc diện khó khăn, đều thức khuya dậy sơm bám chợ đầu mối buôn bán hàng măng, chanh muối, lấy công làm lãi, kiếm sống, nuôi con. Nếu vào chợ mới, tiền thuê lô đắt đỏ, họ không thể kham nổi. Họ cũng chẳng có ai để vay mượn, không có tài sản để thế chấp ngân hàng, nên mới bám trụ ở chợ cũ. Nhiều vấn đề bất cập khi vào chợ mới, không chỉ các bị cáo mà nhiều tiểu thương không đồng ý.
“Vì ảnh hưởng miếng cơm manh áo của mình, nên mới bức xúc. Ra chợ thấy hàng hóa mua về, giờ chất đống không bán được, hư hỏng hết, lỗ nặng. Về nhà thấy con cái nheo nhóc, cơm không có ăn, quẫn trí quá mới làm vậy”, một tiểu thương ngồi bên dưới òa khóc khi được tòa hỏi.
Vị chủ tọa nhắc nhở các bị cáo, rằng việc xây chợ đầu mối Phú Hậu là chủ trương của chính quyền, đúng đắn và đúng quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án đã có những thiếu sót, khiến tiểu thương bức xúc, nhưng lẽ ra các bị cáo cũng như nhiều tiểu thương khác nên giải quyết vướng mắc bằng con đường pháp luật, tuân thủ pháp luật, để không phải sa vào vi phạm pháp luật, rồi phải chịu cái kết buồn như thế.
Tòa tuyên phạt bị cáo Hồng 1 năm 6 tháng tù, bị cáo Nhớ 1 năm 3 tháng tù, bị cáo Linh 1 năm tù nhưng cả ba được cho hưởng án treo. Tuy mừng vì không phải ngồi tù, nhưng ánh mắt của ba bị cáo đều buồn man mác. Có người đưa tay chỉ bị cáo Hồng: “Hắn ôm một đống hàng, không buôn bán được nên lỗ nặng. Ngày nào chủ nợ cũng tìm tới nhà. Thời gian đó, hắn thơ thẩn như người điên”.
Theo chân bị cáo Hồng về nhà sau phiên tòa. Đó là căn nhà bị cáo thuê trọ từ sau ngày chợ cũ đóng cửa. Chị Hồng bảo lúc đó tiền bạc bao nhiêu đều đổ vào mua hàng hóa chuẩn bị bán tết, số tiền hơn 600 triệu. Định bán hết lô hàng, hai vợ chồng sẽ gom góp tiền mua căn chung cư cũ.
Nhưng chợ đóng cửa, điện nước cúp, không có tiền vô lô, cũng không có tiền thuê kho để dời hàng hóa. Măng, chanh muối không thay nước được, nên cứ thế mà hư hỏng hết. “Không ngờ vốn liếng gom góp 10 năm bươn chải ngoài chợ, giờ mất trắng. Mình chưa từng nghĩ có lúc Tết đến, mình không mua nổi cho con một đôi dép mới, một bộ áo quần mới”, mắt chị Hồng đỏ hoe.
Hồi buôn bán ở chợ cũ, cả nhà chị Hồng 6 người đều sống chen chúc trong lô hàng ngoài chợ. Giờ cả nhà phải đùm nhau đi ở trọ. Một tháng hơn triệu tiền nhà trọ, nhiều khi cũng không có trả, đến nỗi tài sản duy nhất còn lại trong nhà, là chiếc xe gắn máy, cũng phải mang bán để chi tiêu. Giờ cả nhà sống nhờ vào đồng tiền ít ỏi kiếm được từ nghề giữ xe của người chồng, lay lắt từng ngày.
Lúc chị Hồng cùng chồng về đến nhà, cả mấy đứa con ùa ra, sau đó thì tản đi đâu hết. Chị Hồng cười rầu rĩ, bảo lũ nhỏ chạy vào nhà bà nội ăn cơm ké, mặc dù nồi cơm ở nhà đã chín từ lâu. “Ngày nào ăn cơm cũng chỉ có hai món, đổ gói mì tôm làm canh, với hột vịt chiên. Ăn riết tụi nhỏ ngán quá nuốt không nổi, nhưng chẳng biết làm sao”.
Trưa, nắng chênh chếch trên ngọn cây, nhìn vợ chồng chị Hồng ngồi bó gối mỗi người một góc trước nhà, bất giác thấy nao nao lòng. Chị Hồng bảo, giờ vẫn chưa có dự định gì cho tương lai, bởi cứ nghĩ đến chuyện bán buôn là phiền não.