Hải Phòng là một trong 12 địa phương được chọn làm thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là công việc hoàn toàn mới ở thành phố Cảng nên đã được quan tâm triển khai một cách bài bản…
Sau khi thí điểm tại TP.HCM, chế định Thừa phát lại chuẩn bị đặt chân đến thành phố cảng Hải Phòng. Trong ảnh là các văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM. |
Quy hoạch theo khu vực
Nhận thức được tầm quan trọng, vị trí, vai trò của chế định TPL trong đời sống nên ngay sau khi được lựa chọn làm thí điểm, Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP đã giao Sở Tư pháp phối hợp với TAND, VKSND, Công an, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP xây dựng đề án thí điểm trên địa bàn.
Để phục vụ cho việc xây dựng đề án, Hải Phòng cũng đã tổ chức đoàn công tác vào tham khảo, học tập kinh nghiệm thí điểm của TP. Hồ Chí Minh, dưới sự hướng dẫn của Tổng cục THADS dự thảo đề án đến nay đã hoàn chỉnh, trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến để Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét, thông qua trình Bộ Tư pháp.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm trong dự thảo đề án, theo Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Nguyễn Đình Bích đó là việc quy hoạch mạng lưới văn phòng TPL. Theo đó, sẽ xác định tổng số văn phòng TPL trên địa bàn TP trong toàn bộ giai đoạn thí điểm. Dự kiến sẽ chia thành 3 khu vực, khu vực một gồm các quận trung tâm, khu vực 2 gồm một số quận và huyện có điều kiện phát triển, khu vực 3 gồm các huyện còn lại. Việc phát triển cũng được thực hiện theo lộ trình gồm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm ban đầu, từ 2013 đến hết 2014. Sau khi đánh giá rút kinh nghiệm, nếu thành công sẽ chuyển sang giai đoạn 2 là năm 2015, sau đó sẽ thực hiện theo các quy định mới khi hết thí điểm (sau 2015)
Đề án cũng xác định các công việc và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện đề án. Trong đó, Hải Phòng xác định, quan trọng của việc triển khai thí điểm là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP, sự phối hợp của các ban ngành liên quan, do đó, Sở Tư pháp đã đề xuất Thường trực Thành ủy xem xét lập Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm TPL.
“Việc thí điểm thực hiện chế định TPL đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, được pháp luật của Nhà nước quy định, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành hữu quan. Về phía địa phương, môi trường cho việc thí điểm là rất thuận lợi cả về điều kiện kinh tế xã hội và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP, sự chủ động, tích cực tham mưu của Sở Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, sự đón nhận, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, người dân”, ông Nguyễn Đình Bích nói về những thuận lợi trong triển khai TPL ở thành phố.
Đề nghị tạo cơ chế thuận lợi cho địa phương
Tuy nhiên, cũng theo ông Bích, do là một chế định mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cơ sở lý luận và thực tiễn còn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, còn nhiều mới mẻ từ cơ chế lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước đến mô hình tố thức, hoạt động của TPL… nên sẽ ảnh ảnh hưởng đến hiệu quả quá trình triển khai thực hiện.
Hiện nay, các quy định của TPL còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, rõ ràng, cụ thể; chưa có những định hướng đối với việc xử lý hệ quả trong trường hợp không tiếp tục thí điểm và không nhân rộng, chính thức thực hiện chế định TPL. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của những người muốn hành nghề TPL cũng như sự chuẩn bị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài việc đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện cho TPL hoạt động, Hải Phòng còn đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TPL để xã hội, cơ quan tổ chức cũng như người dân nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của TPL. Qua đó tạo ra sự thống nhất trong ý chí và hành động, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; trong sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và đặc biệt đưa việc sử dụng dịch vụ do TPL cung cấp trở thành một thói quen tốt cho người dân.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đề nghị Bộ Tư pháp thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn tạo cơ chế thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện thí điểm;có cơ chế phát triển văn phòng TPL theo nhu cầu của xã hội những cũng tránh tràn lan, có sự sàng lọc để lựa chọn những văn phòng hoạt động hiệu quả, nhằm góp phần cho TPL hoạt động lành mạnh, bền vững.
Nga Minh