Đó là các lĩnh vực: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu thủy; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu thủy.
Ngày 16/8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị về việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinashin khẩn trương đánh giá lại chính xác, khách quan, trung thực tình hình hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn, các công ty con, công ty liên kết và các dự án đầu tư của Tập đoàn để có phương án sắp xếp, xử lý cụ thể, phù hợp.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2010 phương án cơ cấu lại tổ chức Tập đoàn theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị.
Chỉ đạo tập đoàn xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu thủy; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu thủy.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ kiện toàn nhân sự Tập đoàn để ổn định tổ chức, tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định nhân sự Hội đồng thành viên của Tập đoàn và Hội đồng thành viên bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn này.
Vinashin phải tập trung sức thực hiện tốt các hợp đồng đóng tàu đang có |
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo, giám sát Tập đoàn trong việc cơ cấu lại tài chính, xử lý các khoản nợ, đánh giá khả năng trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ đến hạn, cân đối các nguồn trả nợ và xây dựng phương án bảo đảm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng sẽ xác định lại mức vốn điều lệ của Tập đoàn phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu tài chính của Tập đoàn.
Tập đoàn Vinashin có trách nhiệm xây dựng và thực hiện có kết quả kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư; tập trung thực hiện tốt các hợp đồng đóng tàu đang có và các dự án đầu tư cần thiết đang dở dang; chuẩn bị ký kết các hợp đồng đóng tàu cho những năm tiếp theo.
Rà soát lại toàn bộ các dự án đã đầu tư, chỉ giữ lại 3 lĩnh vực chính như đã nêu trên. Có phương án bán, chuyển nhượng, chuyển giao, cổ phần hoá các lĩnh vực còn lại phù hợp với pháp luật hiện hành, sớm thu hồi vốn để tập trung cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính và trả nợ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nghiêm túc rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao liên quan đến quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện, đặc biệt là việc thẩm định, kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực: đầu tư phát triển, huy động và sử dụng vốn... báo cáo Thủ tướng trong tháng 10 tới.