Thủ tướng kêu gọi nâng cao trách nhiệm vì môi trường internet trong sạch

Thủ tướng kêu gọi nâng cao trách nhiệm vì môi trường internet trong sạch
"Tôi kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm...", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nhân Ngày Việt Nam kết nối Internet và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet. 

Nhân Ngày Việt Nam kết nối Internet (19/11/2015) và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet (12/12/2015), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết “Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch”. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Thủ tướng:

Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại. Nhờ Internet, thế giới đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tích phi thường trên hầu hết các lĩnh vực đời sống, đưa thế giới vượt qua trình độ văn minh công nghiệp bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức. 
Ngày 19 tháng 11 năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu. 
Gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet. Cho đến cuối năm 2014, Việt Nam có gần 45 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 49% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới (40,4%) và cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (32,4%). 
Mục tiêu phát triển của chúng ta trong thời gian tới là phải tăng tỷ lệ người sử dụng Internet lên mức 80-90% dân số, ngang bằng các nước phát triển hiện nay. Internet được mở rộng tới mọi người dân. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng Internet. Chính phủ quan tâm hỗ trợ đặc biệt cho học sinh, sinh viên và người dân ở nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo… được sử dụng Internet qua rất nhiều chương trình, dự án. Việt Nam mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty công nghệ thông tin và Internet trong nước và nước ngoài kinh doanh, phát triển. Những cái tên như Vietnamnet, Vnexpress, Dantri, Zingme, Google, Youtube, Facebook, Tweeter, Viber … đã trở nên quen thuộc với người sử dụng Internet ở Việt Nam.
Là một kho tàng kiến thức khổng lồ và môi trường kết nối toàn cầu, Internet đã làm tăng các cơ hội giáo dục cho mọi người dân, kinh doanh của doanh nghiệp và giao lưu giữa con người với con người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà Internet mang lại thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet hiện hữu và rất đa dạng.
Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng. Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm. Tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web là rất nghiêm trọng. Chúng ta cũng thấy hiển hiện nguy cơ sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại. Điều đáng tiếc là các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội.
Tôi cho rằng Internet không chỉ là môi trường công nghệ, môi trường kinh doanh hay liên kết mà Internet còn là môi trường văn hóa, giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách và góp phần định hình văn hóa nhân loại trong tương lai. Đây còn là một điều kiện quan trọng để tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm quyền dân chủ - tự do, quyền con người, quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền tiến bộ - tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, xây dựng môi trường Internet có văn hóa và giàu tính nhân văn là điều chúng ta phải cùng nhau hướng tới.
Tôi kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm và chia sẻ thông tin, hình ảnh, số liệu cũng với ý thức và trách nhiệm cao. Các “công dân mạng” hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam hoan nghênh Ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet với chủ đề Vì một môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch và đánh giá cao sáng kiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các chính khách, giáo sư của Diễn đàn Toàn cầu Boston khởi xướng.
Trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet, thì Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet là rất cần thiết. Chúng ta - mọi người dân Việt Nam hãy cùng người dân thế giới chung tay xây dựng môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch. Không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng. 
Các chuyên gia công nghệ thông tin cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho tội phạm công nghệ, không phát tán virus, không tham gia vào các hoạt động tấn công, khủng bố thông tin trên mạng… Chúng ta không chỉ nêu cao trách nhiệm, làm tốt ở trong nước mà cần tham gia vận động bạn bè thế giới qua kết nối Internet hưởng ứng sự kiện này.
Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo vệ công dân, bảo vệ các tổ chức, các công ty, các thương hiệu của Việt Nam và của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên Internet. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên mạng Internet; đồng thời sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật quốc tế về an ninh Internet, sử dụng các nguồn lực để tham gia ứng cứu quốc tế trên mạng khi cần thiết. Từ thực tiễn của mình, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet.
Internet đang trở thành động lực phát triển nhưng Internet còn rất cần và phải trở thành môi trường Tinh khiết và Trong sạch.
NGUYỄN TẤN DŨNG
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đọc thêm

Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -   Ngày 4/11, tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, các Đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng thể chế thời gian qua; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'

'Doanh nghiệp cần có hoài bão lớn và khát vọng phát triển'
(PLVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, doanh nghiệp có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành hình mẫu của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu...

Cần các biện pháp mạnh mẽ ứng phó với thiên tai

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Chiều 4/11, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025…, một số ý kiến đại biểu đề cập đến những hậu quả nặng nề do thiên tai thời gian qua và đề nghị cần có các giải pháp mạnh mẽ để ứng phó.

Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

Quang cảnh phiên họp.
(PLVN) - Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính rồi lại rà soát để cắt giảm, Đại biểu Quốc hội cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp ý kiến góp ý.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên: Cần rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. (Ảnh trong bài: quochoi.vn)
(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) vừa qua, một số đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá thêm về chi phí bỏ ra và tính hiệu quả xã hội của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên để có quy định cho phù hợp.

Để pháp luật là 'điểm tựa' cho phát triển

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật. (Ảnh: Quochoi.vn).
(PLVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật là hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng, định hướng thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới; bảo đảm các văn bản luật khi được ban hành vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa giúp khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc

Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5-8/11 tại Trung Quốc
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”.